Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm toán thuế: “Bắt bệnh” cho doanh nghiệp

Hương Ly| 10/09/2011 06:45

(HNM) - 950,5 tỷ đồng là số tiền thuế mà cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN) kiến nghị tăng thu, nộp ngân sách (NSNN) sau khi kiểm toán báo cáo tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (DNNN) năm 2009.

Số liệu này cho thấy, việc kiểm toán thuế tại DN, nhất là các DN lớn, sẽ góp phần chống thất thu NSNN. Quan trọng hơn, hoạt động này còn góp phần giúp DN chấn chỉnh công tác hạch toán, kế toán thuế, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tránh những hậu quả xấu có thể xảy ra.

Chống thất thu

Qua kiểm toán báo cáo tài chính năm 2009 của khối DNNN, KTNN đã điều chỉnh tăng tổng tài sản, nguồn vốn của các DN thêm 902 tỷ đồng; tổng doanh thu, thu nhập thuần tăng 666 tỷ đồng; tổng chi phí giảm 325 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng 991 tỷ đồng; thuế và các khoản còn phải nộp NSNN tăng 1.094 tỷ đồng. Riêng việc chấp hành nghĩa vụ với NSNN, cơ quan kiểm toán đã phát hiện nhiều số thuế và các khoản phải nộp đến ngày 31-12-2009 (chưa nộp vào NSNN) của các đơn vị là 21.210 tỷ đồng. KTNN kiến nghị tăng thu NSNN 950,5 tỷ đồng. Trong đó, thuế GTGT là 254,3 tỷ đồng; thuế thu nhập DN (TNDN): 391,2 tỷ đồng; thuế nhà đất và tiền sử dụng đất: 83,8 tỷ đồng; thuế tài nguyên: 46 tỷ đồng; thuế thu nhập cá nhân (TNCN): 1,3 tỷ đồng; phí, lệ phí, thuế xuất khẩu… là 87,5 tỷ đồng...

Việc kiểm toán thuế tại doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn sẽ góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước.

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam, thuế và phí là nguồn thu chủ yếu của NSNN, chiếm tỷ trọng hơn 95% tổng nguồn thu. Tuy nhiên, do công tác quản lý tài chính chưa tốt nên tình trạng thất thu thuế ngày càng phổ biến. Hầu hết các đơn vị được kiểm toán đều kê khai thiếu thuế và các khoản phải nộp về NSNN. Công tác hạch toán kế toán thuế tại DN còn nhiều sai sót, nên sau kiểm toán thường phải điều chỉnh lại. Số tăng thu qua kiến nghị của KTNN đã công bố vừa qua tại khối DNNN thậm chí cao gần bằng tổng thu ngân sách trên địa bàn của những tỉnh nhỏ. Mục đích kiểm toán thuế là giúp DN khắc phục yếu kém trong hạch toán, quản lý tài chính, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế và ngăn chặn hành vi trốn thuế. Không ít người cho rằng hoạt động kiểm toán là phải tìm ra sai sót của đối tượng bị kiểm toán và phải phát hiện, tăng thêm nhiều tiền thuế cho nhà nước. Nếu cơ quan kiểm toán phát hiện càng nhiều lỗi, số tiền thuế truy thu càng cao, chất lượng kiểm toán càng tốt. Song mục đích của kiểm toán không chỉ phát hiện lỗi của DN, tăng nguồn thu cho NSNN mà còn chỉ ra những tồn tại trong hoạt động quản lý tài chính. Qua đó, giúp DN chấn chỉnh hoạt động hạch toán kế toán, thuế, nâng cao hiệu quả kinh doanh và tăng tính cạnh tranh trên thương trường.

Tránh chồng chéo

Tùy theo loại hình kinh doanh, DN sẽ phải nộp các khoản thuế khác nhau, song hầu hết đều phải nộp thuế môn bài, thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN… Để thực hiện có hiệu quả công tác kiểm toán thuế trong khi số lượng DN quá lớn, lực lượng kiểm toán viên lại có hạn, trước hết cần phải lựa chọn đúng đối tượng kiểm toán. Căn cứ vào thực tế, cơ quan kiểm toán sẽ lựa chọn những DN có độ "rủi ro" cao, dễ có khả năng kê khai, nộp thuế không đầy đủ, DN có số thu nộp NSNN lớn và hoạt động có địa bàn rộng, đa dạng, phức tạp. Để kiểm toán đúng đối tượng này, cần làm tốt việc thu thập, phân tích thông tin của DN nhằm phát hiện đúng trọng tâm, trọng điểm cần phân tích, kiểm toán, qua đó nâng cao chất lượng kiểm toán. Trên thực tế, một số đơn vị được kiểm toán đã nhận thức được lợi ích của hoạt động kiểm toán. Bởi những sai sót được kiểm toán viên chỉ rõ đã góp phần giúp DN khắc phục tồn tại, tái cơ cấu DN và tiếp tục phát triển thay vì tiến tới bờ vực phá sản. Thực tế cho thấy, sau khi kiểm toán hầu hết DN dù ít, dù nhiều đều phải điều chỉnh kết quả tài chính, xuất toán các khoản chi sai, tăng thêm doanh thu, giảm tiền thuế được khấu trừ, hoàn hoặc miễn giảm… Nhưng các kiểm toán viên đã chỉ rõ mức độ truy thu và sai phạm khác nhau. Một số DN có sai phạm do trình độ nhân viên kế toán hạn chế dẫn đến sai sót trong hạch toán, nhưng cũng có nhiều trường hợp cố tình khai man, trốn thuế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, hiện có 2 luật kiểm toán điều chỉnh hoạt động của ngành kiểm toán là Luật KTNN và Luật Kiểm toán độc lập. Chức năng, nhiệm vụ, đối tượng kiểm toán của 2 luật này có một số nội dung tương tự nhau. Luật KTNN là nhằm thực hiện sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản của Nhà nước. Luật Kiểm toán độc lập nhằm góp phần công khai, minh bạch thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị được kiểm toán; làm lành mạnh môi trường đầu tư; tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành kinh tế, tài chính của DN... Vì thế, nên xây dựng những quy chế phối hợp để kết quả của đơn vị được kiểm toán trước có thể sử dụng cho đơn vị kiểm toán sau, nếu có cùng một nội dung thanh kiểm toán. Bởi nếu hai cơ quan cùng kiểm toán một nội dung như thuế, doanh thu, chi phí… sẽ làm mất thời gian, gây tốn kém về tài chính và tạo thêm áp lực không đáng có cho DN. Thay cho sự chồng chéo này, nên sử dụng số liệu của cuộc kiểm toán trước và cơ quan phát hành báo cáo kiểm toán sẽ chịu trách nhiệm về kết quả điều tra. Như vậy, sẽ góp phần giảm thời gian, chi phí cho cả Nhà nước, DN và giúp hoạt động kiểm toán thuế trở nên thân thiện hơn với DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiểm toán thuế: “Bắt bệnh” cho doanh nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.