Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Tù mù chuyện… lỗ, lãi

Nhóm PV Kinh tế| 06/10/2011 06:46

LTS: Thời gian gần đây, dư luận xã hội rất bức xúc cho rằng, giá xăng dầu, quỹ bình ổn xăng dầu còn nhiều bất cập; hoạt động kinh doanh của các đơn vị trong lĩnh vực này còn thiếu công khai, minh bạch, nhất là những DN đầu mối, trong đó điển hình là Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đơn vị chiếm gần 60% thị phần.

LTS: Thời gian gần đây, dư luận xã hội rất bức xúc cho rằng, giá xăng dầu, quỹ bình ổn xăng dầu còn nhiều bất cập; hoạt động kinh doanh của các đơn vị trong lĩnh vực này còn thiếu công khai, minh bạch, nhất là những DN đầu mối, trong đó điển hình là Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), đơn vị chiếm gần 60% thị phần. Để bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Hànộimới có loạt bài về việc cần minh bạch hệ thống quản trị các DN xăng dầu.

Bài 1: Tù mù chuyện… lỗ, lãi

Ba năm liên tục (2008-2010), Petrolimex luôn kêu lỗ, đòi tăng giá. Dư luận lâu nay vẫn tin rằng, các đầu mối kinh doanh xăng dầu bị lỗ vì giá trong nước phải kìm giữ trong khi giá mặt hàng này trên thị trường thế giới lại tăng cao. Tuy nhiên, những bí mật về chuyện lỗ, lãi của Petrolimex đã được "vén" lên từ việc cổ phần hóa tổng công ty này.

Việc liên tục tăng giá xăng trong thời gian gần đây đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân và nền kinh tế. Ảnh: Như Ý


Lỗ giả và lãi thật

Năm 2008 là một trong những năm giá dầu thô tăng cao, biến động mạnh và đỉnh điểm của năm này là giá xăng dầu trong nước tăng đến 30% vào giữa tháng 7. Để kiềm chế lạm phát, không cho tăng giá xăng dầu, Nhà nước dù "thắt lưng buộc bụng" vẫn phải chi hàng nghìn tỷ đồng bù lỗ dầu và hỗ trợ mặt hàng xăng. Tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XII năm 2008, trong báo cáo giải trình, trả lời chất vấn của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về mặt hàng xăng dầu có đoạn: "...Do giá đang tăng cao và biến động rất phức tạp, với giá bán hiện tại, mức bù lỗ là rất lớn. Trong tình hình lạm phát hiện nay, việc xử lý giá xăng dầu cần được cân nhắc cẩn trọng dựa trên khả năng bù lỗ của ngân sách. Nếu lấy bình quân giá dầu thô thế giới nửa tháng gần đây (128 USD/thùng) và giữ ổn định giá bán trong nước như hiện nay, mức lỗ cả năm ước là 40.600 tỷ đồng, nếu lấy giá bình quân 5 ngày gần đây, từ ngày 23 đến ngày 27-5 là 132 USD/thùng, mức lỗ cả năm ước khoảng 44.800 tỷ đồng...". Trong báo cáo về tình hình kinh tế, xã hội của Chính phủ do Thủ tướng báo cáo trước Quốc hội, phần nói về diễn biến giá xăng dầu cũng nêu: "Theo dự báo từ cuối tháng 3-2008, với mức giá dầu thô thế giới khoảng 100-110 USD/thùng, Chính phủ đã chỉ đạo ổn định giá bán xăng dầu trong nước đến hết tháng 6-2008 và dự kiến ngân sách phải bù lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng cả năm, tương đương mức bù lỗ năm 2006. Nếu giá dầu thô thế giới tăng hơn mức 110 USD/thùng, để giữ nguyên giá bán xăng dầu trong nước như hiện nay, ngân sách phải bù lỗ lớn hơn và cũng rất khó có khả năng cân đối...". Một năm sau đó, vào giữa tháng 7-2009, liên Bộ Tài chính - Công thương và Thông tin - Truyền thông họp báo về điều chỉnh giá xăng dầu, cho biết, trong hai năm (2007 - 2008) các DN đầu mối xăng dầu, đã lỗ khoảng 4.040 tỷ đồng.

Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Bộ Tài chính đã tạm ứng cho vay 4.038,5 tỷ đồng. Cũng tại thời điểm này, Bộ Tài chính xác nhận các DN còn nợ hơn 2.500 tỷ đồng chưa trả tạm ứng cho ngân sách. Cuối năm 2009, khi công bố kết quả hoạt động kiểm toán về cấp bù lỗ xăng dầu, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm quyết toán, giảm cấp bù lỗ các mặt hàng dầu năm 2008 từ ngân sách đến 938 tỷ đồng vì các lý do như một số đầu mối áp dụng mức chiết khấu bán hàng cao hơn quy định, phần lớn đầu mối phân bổ chi phí không đúng đối tượng, chưa tính toán đầy đủ các khoản thu chi hoạt động khác liên quan đến kết quả kinh doanh mặt hàng dầu...Vì thế Kiểm toán Nhà nước đề nghị phải giảm số lỗ kinh doanh các mặt hàng dầu.

Năm 2008, các đầu mối kinh doanh xăng dầu kêu lỗ nặng, cả xã hội lẫn cơ quan quản lý nhà nước cùng chia sẻ lợi ích. Nhưng, nay khi cổ phần hóa, trong báo cáo tài chính Petrolimex lại công bố: Năm 2008 lợi nhuận kinh doanh xăng dầu là 5.501 tỷ đồng; năm 2009: 7.317 tỷ đồng và năm 2010 là 5.095 tỷ đồng. Trong lợi nhuận năm 2010, cơ cấu giá bán Nhà nước cấu thành trong lãi gộp giá bán xăng là 1.000đ/lít để tạo nguồn vốn vay lỗ kinh doanh mặt hàng xăng. Theo tài liệu mà Petrolimex công bố, sản lượng xăng dầu tái xuất và chuyển khẩu rất nhỏ so với nhập về tiêu thụ tại nội địa. Chẳng hạn, năm 2008 xuất bán nội địa 6,83 triệu mét khối xăng dầu thì chỉ có 1,5 triệu mét khối cho tái xuất và chuyển khẩu. Năm 2009 nội địa tiêu thụ 7,43 triệu mét khối, tái xuất và chuyển khẩu chỉ 1,89 triệu mét khối. Năm 2010, tiêu thụ 7,62 triệu mét khối, tái xuất là 1,3 triệu mét khối.

Một trong những nguyên nhân cơ bản khiến Petrolimex và nhiều DN kinh doanh xăng dầu đầu mối có lãi lớn là khả năng cân đối để bù lại mức lỗ đã phải chịu thời gian trước. Chuyện chịu lỗ khi phải giữ giá là có thật, tuy nhiên các doanh nghiệp này không công bố cụ thể thời điểm nhập, số lượng nhập lúc giá cao là bao nhiêu. Khi giá cao, DN dự trữ ở mức thấp, khi giá hạ, họ dự trữ nhiều hơn. Đây chính là mấu chốt của việc có thể nói lỗ, mà thực ra vẫn lãi trong kinh doanh xăng dầu.

Sẽ có nhà đầu tư khôn ngoan

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán ảm đạm, Tổng Công ty Petrolimex-đơn vị đang chiếm gần 60% thị phần xăng dầu trong nước đã bán đấu giá cổ phần (CP) lần đầu ra công chúng thành công ngoài dự kiến. Giá trúng thầu cao nhất tới 19.600 đồng/CP, vượt xa giá khởi điểm 15.000 đồng/CP. Giá đấu thầu thành công là 15.032 đồng/CP. Tổng số tiền thu được từ đợt chào bán là hơn 412 tỷ đồng. Khối lượng CP mà nhà đầu tư đăng ký đấu thầu là hơn 30 triệu, vượt xa so với số CP mà Petrolimex được chào bán là 27,4 triệu CP (hơn 2% vốn điều lệ). Trong khi đó, trước đó ít ngày, hai DN nhà nước khác là Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel) và Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) đều không bán hết lượng CP chào bán: VNSteel chỉ chào bán được 59% và MHB chỉ bán được 28% lượng CP chào bán. Thoạt nghe, chắc không ít người cho rằng, người mua CP Petrolimex bị lừa, nhưng nếu xét kỹ, người ta sẽ phải đặt câu hỏi ngược lại: Những người mua CP Petrolimex là những người có thông tin đầy đủ về DN này nên mới bỏ tiền vào đầu tư, chỉ có khách hàng mua xăng là "vô tư" móc hầu bao mua với giá "ảo". Chuyện nhà đầu tư đổ xô mua CP của Petrolimex cũng là dễ hiểu.

Giá xăng dầu trong nước đang ẩn chứa nhiều ẩn số. Trước hết, giá xăng dầu có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến tỷ lệ lạm phát, sự minh bạch, cạnh tranh lành mạnh thị trường cũng như uy tín, hiệu quả quản lý nhà nước. Một số DN kinh doanh xăng dầu đang có lãi nhưng khả năng giảm giá mặt hàng này rất thấp. Sự thiếu minh bạch của cơ cấu giá xăng dầu đang là "thành trì" để các DN "neo" giá bán ở mức cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Tù mù chuyện… lỗ, lãi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.