Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cơ cấu nền kinh tế: Khó, nhưng không thể chậm trễ

Hương Ly| 22/10/2011 06:49

(HNM) - Lạm phát, thâm hụt ngân sách và tình trạng nợ công ở mức cao là những vấn đề mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.

(HNM) - Lạm phát, thâm hụt ngân sách và tình trạng nợ công ở mức cao là những vấn đề mà nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt, trong đó có Việt Nam.


Tại hội thảo "Triển vọng kinh tế thế giới và chính sách ứng phó của Việt Nam" do Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phối hợp với Viện Khoa học xã hội Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) vừa tổ chức tại Hà Nội, nhiều chuyên gia quốc tế cho rằng Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt quan trọng trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc nền kinh tế. Đây là một trong những nhiệm vụ cấp bách mà Việt Nam cần thực hiện nhằm phát triển nền kinh tế theo hướng bền vững.


Giữ an toàn cho hệ thống ngân hàng, tạo áp lực cạnh tranh và đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là những việc làm cần thiết để giữ ổn định nền kinh tế vĩ mô.Ảnh: Bảo Kha

Diễn biến kinh tế:Có thể xấu hơn

Nhận định về diễn biến kinh tế thế giới năm 2012, các chuyên gia trong nước, quốc tế đã lên tiếng cảnh báo về những khó khăn đang ở phía trước và cho rằng diễn biến kinh tế có thể xấu hơn nhiều so với năm 2011. Dự đoán về kinh tế Việt Nam, PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, nhiều chỉ số kinh tế cơ bản của Việt Nam đều kém hơn, vì vậy khó khăn là điều khó tránh khỏi. Phân tích những nguyên nhân căn bản dẫn đến sự bất ổn kinh tế tại Việt Nam, ông Deepak Mishra, chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam nhận xét, hiện nay, hầu hết các quốc gia châu Á đang phải đối mặt với tình trạng dòng vốn nước ngoài giảm đi và tính bất ổn gia tăng. Nền kinh tế khu vực đang gặp khó khăn và Việt Nam cũng trong tình trạng tương tự do lạm phát tăng cao hơn các nước cùng khu vực. Cụ thể, năm 2011 lạm phát tại Việt Nam tăng lên hơn 20%. Trong đó, lạm phát lương thực chiếm 40% chỉ số CPI. Bất ổn về cơ cấu này đã khiến lạm phát ở Việt Nam cao hơn các quốc gia khác. Dự trữ ngoại hối quốc gia của Việt Nam cũng ở mức thấp. Tổng nợ của Chính phủ so với GDP lên trên mức 50%. Trên thị trường tiền tệ, lãi suất danh nghĩa rất cao nhưng lãi suất thực lại thấp do lạm phát cao...

Ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Viện Khoa học Việt Nam cho biết, hiện cả nước có tới 48.700 DN phá sản hoặc đóng cửa. Trong 5 năm tới, để thành công trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế, Việt Nam cần có những phân tích đánh giá sát thực, từ tình hình kinh tế thế giới đang đứng trên bờ vực suy thoái mới để đánh giá những tác động cụ thể tới Việt Nam. Thêm vào đó, cần nhìn nhận nghiêm túc về sự phối hợp giữa các chính sách điều hành kinh tế và phải đứng trên góc độ kinh tế thị trường để xem xét.

Đổi mới mô hình tăng trưởng

Trước những khó khăn mà nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh cho biết, Chính phủ đã lựa chọn và trình Quốc hội các chỉ tiêu và giải pháp phát triển kinh tế mới. Thay vì đặt mục tiêu tăng trưởng cao, Chính phủ sẽ ưu tiên kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Tới đây, Chính phủ sẽ trình Quốc hội chỉ đặt mục tiêu tăng trưởng 6 - 6,5% vào năm 2012. Trong đó, kịch bản điều hành sẽ hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6% và nếu có điều kiện sẽ lên 6,5%, song ưu tiên giữ ổn định kinh tế vĩ mô.

Để thực hiện việc tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển bền vững, theo PGS-TS Trần Đình Thiên, cần tạo lòng tin với người dân và các nhà đầu tư bằng cách chứng minh năng lực và hiệu lực điều hành của Chính phủ, chấp nhận trả giá để hạ nhanh lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ cần thực hiện các giải pháp mạnh để xoay chuyển tình hình, như áp dụng biện pháp hành chính mạnh, triệt để; tăng lương trong khu vực nhà nước để tăng trách nhiệm… Những biện pháp mạnh đó nhằm đạt mục tiêu năm 2012, lạm phát chỉ tăng 6-7%, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất là 5%.

Nhiều chuyên gia kinh tế thế giới cho rằng, Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về kiềm chế lạm phát, giữ ổn định kinh tế vĩ mô đã khẳng định và nâng cao độ tín nhiệm của Chính phủ. Nếu nới lỏng hoặc không tiếp tục thực hiện những giải pháp đã đề ra, trước mắt có thể cứu giúp tạm thời cho các DN nhà nước, đối tượng đang sở hữu nhiều khoản vay quá hạn. Tuy nhiên, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô, có thể dẫn đến khủng hoảng cán cân thanh toán và ngành ngân hàng. Theo ông Dominic Mellor, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Phát triển châu Á, trong ngắn hạn, Việt Nam cần giữ an toàn cho hệ thống ngân hàng, phát triển chuyên sâu và tăng thanh khoản cho thị trường vốn, đồng thời hỗ trợ các tổ chức tài chính phi ngân hàng phát triển. Để ngăn ngừa rủi ro mà các DN nhà nước có thể mang lại cho nền kinh tế, cần áp dụng tính kỷ luật, tạo áp lực cạnh tranh, đồng thời đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa nhằm cải thiện hiệu quả kinh doanh tại khối DN này.

Ghi nhận ý kiến của các chuyên gia, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, mục tiêu của Chính phủ trong thời gian tới là tạo nền tảng kinh tế bền vững cho các năm tiếp theo, từ đó đạt mức tăng trưởng cao hơn. Trong 5 năm tới, mục tiêu của Việt Nam là tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, với 3 trọng tâm: tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu DN và tái cơ cấu thị trường tài chính. Đây là nhiệm vụ khó, nhưng phải thực hiện ngay từ bây giờ và không thể chậm trễ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu nền kinh tế: Khó, nhưng không thể chậm trễ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.