Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Oan” cho... EVN

Thái Sơn| 16/03/2012 06:40

(HNM) - Trong mấy ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm tới thông tin chuẩn bị tăng giá điện. Theo những người có trách nhiệm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cơ quan này đang tính toán thông số đầu vào cơ bản gồm biến động giá nhiên liệu, tỷ giá ngoại tệ và cơ cấu sản lượng điện phát... để có thể đề xuất việc tăng giá điện. Tuy nhiên, thời điểm chính xác EVN xin phép tăng giá điện thì chưa được tiết lộ.

Cần nhấn mạnh, đây là thời điểm hết sức nhạy cảm khi xăng dầu vừa chính thức lên giá. Và không chỉ có vậy, những khoản lỗ trong kinh doanh, những khoản đầu tư ra ngoài ngành, rồi mức lương của cán bộ, nhân viên EVN... trong thời gian qua do các cơ quan chức năng công bố vẫn là câu chuyện nóng hổi và đang "hằn sâu" trong suy nghĩ của người dân. Do đó, cách suy luận đơn giản nhất là EVN "đòi" tăng giá điện là để bắt người dân phải "gánh" bớt phần nào cho hàng nghìn tỷ đồng mà EVN thua lỗ. Có thể cách suy luận như vậy là chưa đầy đủ, thiếu khách quan, thiếu chuẩn xác... nhưng cũng khó để người dân có suy nghĩ khác khi trong cả một thời gian dài, khách hàng của EVN rất "đói" thông tin về hoạt động kinh doanh, sản xuất của EVN.

Giá như mọi chuyện đều công khai, minh bạch thì chi phí "đầu vào" tăng dẫn đến bắt buộc phải tăng giá thành sản phẩm cũng là chuyện rất đỗi bình thường. Nhưng rồi chuyện bình thường theo quy luật kinh doanh ấy lại trở thành chuyện không bình thường vì thông tin người dân được tiếp nhận có những điều quá... bất thường.

Ngày 14-3, tại Hà Nội, Học viện Tài chính và Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo "Quản lý, điều hành giá điện theo cơ chế thị trường tại Việt Nam". Hội thảo này có sự tham gia của chuyên gia những cơ quan chức năng, cơ quan nghiên cứu, cơ quan báo chí, các nhà quản lý, đại diện Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam... Một hội thảo diễn ra vào thời điểm nhạy cảm như vậy nhưng thật đáng tiếc là dù được mời nhưng dường như EVN và cơ quan quản lý EVN còn có quá nhiều việc phải làm nên chỉ có một đại diện duy nhất tham gia là Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương). Vậy thì làm sao những câu hỏi đặt ra về mặt quản lý, kinh doanh, hạch toán giá thành... đối với EVN của các chuyên gia cùng những thắc mắc của người dân, doanh nghiệp (vốn là những "thượng đế" của ngành điện) được lý giải một cách đầy đủ? Và cũng từ hội thảo này, nhiều ý kiến, lập luận quanh những bất hợp lý trong việc tăng giá điện đã được nêu ra. Tuy nhiên, những ý kiến, lập luận rất tâm huyết ấy đã không có những phản biện cần thiết.

Giá như mọi chuyện đều công khai, minh bạch!

Thế nên lại có những xì xào, suy luận... Phải chăng vì có những "khoảng tối" khiến dư luận không tiếp cận được thông tin nên người ta cứ nghĩ oan cho EVN? Và nữa, trong thời buổi kinh tế thị trường, cũng chỉ có vài "ông lớn" như EVN có cách đối xử với "thượng đế" như vậy, bởi nếu không mua điện của EVN thì cũng chẳng còn sự lựa chọn nào khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Oan” cho... EVN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.