Theo dõi Báo Hànộimới trên

Động vật hoang dã: Nuôi nhốt không phải là bảo tồn

Đan Nhiễm| 02/04/2010 07:02

(HNM) - 10 năm trở lại đây, Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong mạng lưới buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD) của châu Á. Dữ liệu từ các vụ tịch thu, giấy phép vận chuyển và kết quả điều tra khảo sát cho thấy, các thương lái Việt Nam thu mua và tìm kiếm ĐVHD từ các quốc gia châu Á khác cũng như từ các cánh rừng Việt Nam để đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.

Cuộc chiến chưa có hồi kết

Scott Roberton (Giám đốc Hiệp hội Bảo tồn ĐVHD (WCS) - Văn phòng Hà Nội) đã từng làm luận án tiến sĩ về đề tài bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam đưa ra con số ước tính đáng giật mình: mỗi năm tại hơn 2.700 nhà hàng trong cả nước có tới 15.100 tấn thịt ĐVHD được tiêu thụ. Việc săn bắt và buôn bán ĐVHD đang trong tình trạng báo động. Điều tra của WCS tại 200 nhà hàng ở khu vực miền Trung cho thấy, hươu, nai, lợn rừng được "đánh chén" nhiều nhất, chiếm tới 70% số thịt ĐVHD được tiêu thụ, tiếp đó là rùa, rắn, cầy, chồn và nhím.

Hổ bị thu giữ tại Thanh Trì tháng 10-2009.

Tình trạng săn bắt, vận chuyển trái phép ĐVHD, tiêu bản ĐVHD quý hiếm qua biên giới cũng đang cực kỳ báo động. Có đến 95% ĐVHD được buôn bán trái phép từ nước ta sang Trung Quốc qua cửa khẩu tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn. Gần đây, số lượng các vụ tịch thu tàu vận chuyển ĐVHD qua cửa khẩu Móng Cái rất lớn, chứng tỏ đây là tuyến đường thuận lợi để đưa ĐVHD trái phép qua biên giới. Riêng tại Quảng Ninh, trong hai năm 2008-2009, Phòng Cảnh sát môi trường đã bắt được 57 vụ buôn bán ĐVHD, thu giữ hơn 7.612 cá thể và hơn 8 tấn ĐVHD, chủ yếu là tê tê, rùa, báo lửa, ngà voi, chồn... Các đối tượng bị bắt tại Quảng Ninh đến từ nhiều địa phương trong cả nước.

GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam lo ngại: "Danh sách ĐVHD có nguy cơ tuyệt chủng ngày càng dày thêm, hiện đã lên đến gần 1.000 loài. Với tốc độ săn bẫy để phục vụ cho các nhà hàng sang trọng như hiện nay thì dù hàng trăm khu bảo tồn hoạt động hết công suất cũng không bao giờ đuổi kịp tốc độ tiêu xài thịt thú rừng trên bàn tiệc của các đại gia.

Nuôi nhốt: Có thực là biện pháp bảo tồn?

Trong khi cuộc chiến chống buôn bán ĐVHD đang diễn biến phức tạp thì một vấn đề gây tranh cãi gần đây là nên hay không cho phép bảo tồn các cá thể ĐVHD bằng cách nuôi nhốt tại các trang trại? Những người khởi xướng mô hình trang trại gây nuôi ĐVHD cho rằng việc này sẽ làm giảm nạn săn bắt trong tự nhiên, bởi ĐVHD gây nuôi và sản phẩm của chúng là mặt hàng thay thế hợp pháp, có chi phí đầu vào thấp. Tuy nhiên, thực tế lại không như vậy.

Gần đây, WCS đã phối hợp với Cục Kiểm lâm thực hiện một nghiên cứu tại 78 trang trại gây nuôi ĐVHD nhằm kiểm tra giả định xem chúng có thúc đẩy công tác bảo tồn quần thể loài trong tự nhiên hay không. Kết quả là 42% số trang trại thường xuyên nhập ĐVHD làm con giống. 50% trang trại thừa nhận con giống ban đầu của họ có nguồn gốc từ tự nhiên. Một số trang trại cho biết là có bán các sản phẩm cho các đầu nậu gần biên giới Trung Quốc để xuất khẩu trái phép. Những trang trại khác công khai thừa nhận việc mua ĐVHD từ thợ săn để làm giống, hối lộ, vận chuyển trái phép sản phẩm của trang trại, nhập khẩu con giống bất hợp pháp. Trong khi đó, kể cả khi gây nuôi các loài có khả năng sinh trưởng nhanh với tỷ lệ sinh sản tương đối cao và chi phí chăn nuôi thấp như trăn, lợn rừng, nhím, rắn hổ mang thì các trang trại vẫn nhập ĐVHD bị săn bắt từ tự nhiên. Điều này chứng tỏ, ngay cả với những trường hợp gây nuôi sinh sản thành công thì các trang trại cũng không kìm hãm được việc săn bắt trong tự nhiên.

Nghiên cứu gần đây của Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) về tình trạng nuôi nhốt hổ tại các trang trại cho thấy việc này đã không nhằm mục đích bảo vệ loài hổ khỏi nguy cơ tuyệt chủng mà hoàn toàn ngược lại. Trong số 7 ông chủ nuôi hổ quy mô lớn đã có ít nhất một người có liên quan trực tiếp đến việc cung cấp hổ cho đường dây buôn bán ĐVHD trái phép. Rất khó kiểm soát các cơ sở nuôi hổ vì các chủ nuôi không báo cáo thường xuyên với cơ quan chức năng địa phương. Trên thực tế, có 3/6 cơ sở nuôi hổ có dấu hiệu vi phạm pháp luật với các hành vi: có cá thể hổ con sinh ra nhưng không khai báo; việc xử lý các cá thể hổ chết không được thực hiện theo quy định. Tại một trang trại có lưu hồ sơ về 24 con hổ chết từ năm 2006, cơ quan chức năng chỉ phát hiện trong số này có 10 cá thể bị tiêu hủy và số còn lại đều biến mất một cách... bí ẩn. Ở một cơ sở khác, kiểm lâm đã phát hiện có 2 con hổ con trong tủ lạnh.

Những phát hiện này có thể khẳng định việc gây nuôi hổ nói riêng và ĐVHD nói chung không phải là một biện pháp bảo tồn. "Về lý thuyết, động vật gây nuôi có thể thay thế cho ĐVHD, nhưng đòi hỏi phải có sự kiểm soát chặt chẽ, nâng cao hiểu biết về những tác động của thị trường và thị hiếu tiêu dùng. Trong điều kiện hiện nay, những mối đe dọa và tác động tiêu cực của trang trại gây nuôi đối với quần thể ĐVHD có thể nhấn chìm bất cứ lợi ích nào mà nó mang lại" - TS Scott Roberton khẳng định.

Bế tắc trong xử lý các trang trại nuôi gấu tại Quảng Ninh

Trao đổi với PV Hànộimới, Thượng tá Nguyễn Văn Dương, Phó phòng Cảnh sát môi trường (CA tỉnh Quảng Ninh) thừa nhận chưa có giải pháp khả thi cho gần 300 cá thể gấu nuôi nhốt tại Quảng Ninh (đã gây xôn xao dư luận cuối năm 2009 - PV) vì quy định của pháp luật không hề ghi mật gấu là sản phẩm có nguồn gốc từ ĐVHD. Theo ông Dương: "Giờ đây, các cơ sở nuôi nhốt còn bán hàng quy mô công khai hơn. Họ nói thẳng với chúng tôi rằng, nếu không bán mật gấu thì lấy gì nuôi gấu. Việc xử lý đến nay vẫn bế tắc và chúng tôi đang chờ hướng dẫn từ các cơ quan trung ương".
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Động vật hoang dã: Nuôi nhốt không phải là bảo tồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.