Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thiếu giải pháp bền vững

Bài, ảnh Đình Hiệp| 07/09/2011 07:14

(HNM) - Theo Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, các loại xe tự chế 3, 4 bánh bị tịch thu.

Xe 3, 4 bánh tự chế vẫn ngang nhiên hoạt động trên đường phố.


Biết cấm vẫn vi phạm

Đi một vòng qua các tuyến đường nội thành, không quá khó để gặp những chiếc xe 3, 4 bánh tự chế ngang nhiên hoạt động, gây mất ATGT. Trên quốc lộ 13, đoạn từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình, đường Đinh Bộ Lĩnh (quận Bình Thạnh), đường Trường Chinh (quận Tân Bình), Cách mạng Tháng Tám, Võ Văn Tần (quận 3)... vẫn xuất hiện những chiếc xe thô sơ 3, 4 bánh chở vật liệu xây dựng, hàng hóa cồng kềnh lưu thông trong thời gian bị cấm từ 5h đến 13h và từ 16h đến 22h hằng ngày; hoặc đi vào các tuyến đường cấm mà không thấy lực lượng chức năng xử lý.

Anh Nguyễn Văn Hùng (quê ở Sóc Trăng), một lái xe 3 bánh tự chế chở vật liệu xây dựng trên đường Trần Quang Diệu (quận 3) cho biết: "Tôi lên TP làm 7 năm nay rồi. Trước đây tôi và mấy người cùng quê cũng đã nộp xe cho TP để lấy tiền học nghề, nhưng học xong đành bỏ đấy vì kiếm việc khó quá. Cuối cùng phải quay lại nghề cũ". Để sinh sống tại TP bằng nghề lái xe 3, 4 bánh tự chế, anh Hùng cũng như nhiều người khác phải nắm rõ lịch tuần tra của lực lượng chức năng để không bị tịch thu xe. Anh Hùng nói: "Cấm thì cấm, dám chạy hay không là do mình. Tất nhiên thấy CSGT phải lo né chứ không sẽ bị tịch thu xe. Cũng may là tôi chưa bị bắt lần nào. Suy cho cùng, không sống được bằng nghề khác thì đành phải chạy liều thôi, biết làm sao được".

Thống kê của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt - Công an TP Hồ Chí Minh cho thấy, từ khi triển khai việc cấm xe 3, 4 bánh tự chế lưu hành trên đường phố (ngày 1-1-2010) đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý hơn 6.000 trường hợp xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh vi phạm; tạm giữ hơn 5.000 phương tiện các loại. Trao đổi với phóng viên Hànộimới, Đại tá Võ Văn Nhuận, Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt - Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, thời gian qua Công an TP đã chỉ đạo các lực lượng chức năng đồng loạt ra quân xử lý những vi phạm quy định về hoạt động của xe cơ giới 3 bánh, xe thô sơ 3, 4 bánh; đồng thời phối hợp tuyên truyền, phổ biến cho người dân chấp hành các quyết định của UBND TP.

Làm sao giải quyết triệt để?

Thống kê của Sở Tài chính cho thấy, toàn TP Hồ Chí Minh có hơn 24.000 xe 3, 4 bánh thuộc diện bị đình chỉ lưu thông, trong đó có hơn 3.000 xe do người thuộc diện nghèo, số còn lại là người địa phương gắn bó lâu năm với nghề này, hoặc dân các tỉnh về TP mưu sinh. Quyết định 04 của UBND TP ban hành tháng 1-2009 có khá nhiều ưu đãi, hỗ trợ các hộ nghèo như: Ngoài mức hỗ trợ 7 triệu đồng/phương tiện, còn hỗ trợ đào tạo nghề không hoàn lại 3,6 triệu đồng/người/khóa, hỗ trợ vay vốn mua phương tiện mới tối đa 50 triệu đồng/hộ, hỗ trợ vay vốn tối đa 30 triệu đồng/hộ để tham gia hợp tác lao động… Tuy nhiên, hiện nay tình trạng người dân có xu hướng mua trở lại loại phương tiện này để hành nghề diễn ra khá phổ biến.

Theo Đại tá Võ Văn Nhuận, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó việc tuyên truyền đến người dân sử dụng các phương tiện còn nhiều hạn chế do tính chất công việc, địa bàn cư trú cũng như thời gian đi lại không cố định. Do đặc điểm cơ động của loại phương tiện này nên nhiều người vẫn sử dụng để vận chuyển hàng hóa, lưu thông. Thêm vào đó, giá thành lắp ráp một chiếc xe 3, 4 bánh không cao nên mặc dù đã nhận được tiền hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, nộp phương tiện cho địa phương nhưng một số người vẫn tiếp tục lắp ráp xe để hành nghề và né tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng.

Tại hội nghị bàn về trật tự ATGT trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mới đây, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân cho biết, TP đã chi khoảng 200 tỷ đồng để thực hiện chương trình hạn chế xe 3,4 bánh tự chế hoạt động, nhưng vẫn chưa giải quyết triệt để được tình trạng này. Lãnh đạo TP đã đặt câu hỏi: "Phải nắm được sau khi nhận tiền hỗ trợ, người dân có chuyển đổi ngành nghề không, hay lại tiếp tục mưu sinh bằng xe tự chế?". Để giải quyết triệt để bài toán này, cùng với việc nâng cao nhận thức cho người dân, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm thì việc giám sát chuyển đổi ngành nghề cũng như hỗ trợ ban đầu về công ăn việc làm cho những đối tượng này được xem là những giải pháp bền vững mà TP cần tính đến.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thiếu giải pháp bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.