Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mười năm loay hoay bài toán giao thông

Đặng Loan| 10/09/2011 07:05

(HNM) - Từ năm 2002, TP Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề giảm xe gắn máy nhằm giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và phát triển văn minh đô thị. Thế nhưng, lượng xe máy vẫn cứ tăng trong khi phương tiện được ưu tiên thay thế là xe buýt vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách.

Nghị quyết 88 của Chính phủ vừa ban hành yêu cầu hai TP lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thực hiện các biện pháp hạn chế xe mô tô, xe gắn máy đã làm nóng lên vấn đề được bàn qua bàn lại từ nhiều năm nay…

Luẩn quẩn tìm cách gỡ?

Theo số liệu từ Sở GTVT, đến cuối tháng 6-2011, TP Hồ Chí Minh có gần 470 nghìn ô tô và hơn 4,7 triệu xe máy, ngoài ra còn khoảng 1 triệu xe máy và 60.000 ô tô biển số ngoại tỉnh lưu thông hằng ngày. Nếu trong giai đoạn 2000-2005, xe máy chỉ tăng 1 triệu chiếc (năm 2000 là 1,7 triệu xe máy, năm 2005 là 2,8 triệu) thì giai đoạn 2006-2010 số xe máy đã tăng gấp đôi, đến gần 4,5 triệu chiếc (vào cuối năm 2010) và gần 4,7 triệu chiếc năm 2011. Và số lượng này đang liên tục tăng, trung bình mỗi ngày TP có khoảng 1.000 xe máy và 100 ô tô đăng ký mới.

Từ 10 năm qua, các cơ quan tham mưu cho TP đã liên tục đề xuất các giải pháp hạn chế xe cá nhân như ngừng đăng ký xe mới, tăng lệ phí trước bạ, áp dụng xe biển số chẵn - lẻ lưu thông theo ngày chẵn - lẻ... Cùng với đó là hàng loạt giải pháp ưu tiên cho xe buýt như trợ giá, khuyến khích người đi xe buýt có thưởng... Thế nhưng, các giải pháp chỉ có tác dụng… làm "nóng" dư luận (!), rồi lại rơi vào im lặng. Lý do, các giải pháp đưa ra trong khi khâu chuẩn bị điều kiện cơ sở hạ tầng, thiết bị, công nghệ… chưa sẵn sàng; người dân không tìm thấy sự thuận tiện của các phương tiện khác bằng xe cá nhân nên không ủng hộ.

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam - SVEC, quan sát giao thông TP có thể thấy nghịch lý là xe cá nhân chen chúc trên các ngả đường, trong khi xe buýt chạy rất nhiều nhưng thường vắng khách. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ mục đích và lợi ích sẽ thấy cái lý của người dân khi họ lựa chọn sự "khổ sở" thay vì thảnh thơi trên xe buýt. Đó là vì TP không có khu quy hoạch chức năng rõ ràng, lại có nhiều khu dân cư trong ngõ nhỏ nên phương tiện công cộng không thể đáp ứng hết nhu cầu đi lại đến tất cả các nơi trong TP và cũng không đáp ứng được nhu cầu di chuyển từ sáng sớm đến tối khuya. Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, nếu cho rằng người dân chọn xe gắn máy do "thói quen" thì phải hiểu thói quen đó được hình thành từ lợi ích. Vì thế, xe gắn máy là "đối thủ cạnh tranh" mạnh nhất mà các phương tiện công cộng khác chưa thể so sánh được.

Cần một lộ trình bền vững

Mục tiêu tăng lượng hành khách đi xe buýt để giảm xe cá nhân của TP trong những năm qua không đạt khi đến nay xe buýt mới đáp ứng 7% nhu cầu đi lại của người dân. Đến năm 2015 mới có tuyến metro đầu tiên, vì vậy trong 5-10 năm tới xe buýt vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc thay thế xe gắn máy. Để thay đổi hình ảnh xe buýt trong người dân, TP Hồ Chí Minh vừa thông qua "Đề án đầu tư phát triển xe buýt giai đoạn 2011-2013". Theo đó, sẽ tiếp tục đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để thay mới gần 1.300 xe cũ, mở thêm 10 tuyến mới, thay các xe nhỏ, tăng xe lớn… Đầu tháng 7 vừa qua, TP đã phát động chiến dịch vận động người dân đi lại bằng xe buýt để giảm sử dụng xe cá nhân, với các hình thức phát vé miễn phí, giảm giá vé, đi xe buýt trúng thưởng… nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả mong muốn. Theo các chuyên gia, nguyên nhân khiến việc hạn chế xe máy trong 10 năm qua không có kết quả vì các giải pháp luôn trong tình trạng "cấp bách", ngắn hạn.

Thực tế cho thấy, TP vẫn thiếu một lộ trình cơ bản để hạn chế xe gắn máy. PGS-TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho rằng, khuyến khích người dân đi xe buýt không chỉ là cải tạo xe buýt, mà phải bao gồm nhiều giải pháp, từ quy hoạch xây dựng đến phát triển vận tải. Còn theo KTS Khương Văn Mười, các biện pháp hạn chế xe gắn máy, phát triển phương tiện công cộng phải từ ngắn hạn đến dài hạn. Ngắn hạn là điều chỉnh làn, tuyến, giờ giấc xe buýt phù hợp, chấn chỉnh các nhà thầu thi công chiếm dụng mặt đường, phân luồng giao thông…; bên cạnh việc đầu tư xe buýt hiện đại cũng cần đầu tư các xe buýt nhỏ 20-30 chỗ để vận chuyển trong các hẻm nhỏ, phù hợp với điều kiện của TP. Dài hạn là quy hoạch các dự án đô thị phải tính toán kết nối các metro một cách hợp lý… Nếu chuẩn bị tốt cho người dân phương tiện thay thế thì tức khắc xe cá nhân sẽ giảm mà không cần phải đưa ra lệnh hạn chế hay cấm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mười năm loay hoay bài toán giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.