Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Những “nút thắt” vô hình và hữu hình

Trung Hưng| 08/11/2011 06:43

LTS: Mỗi sáng, người Hà Nội vật vã, chen lấn nhau đưa con đi học, để đến cơ quan cho kịp giờ làm. Chiều đi làm về, "bài ca" tắc đường lại tiếp tục tiếp diễn. Càng ngày tình trạng ùn tắc càng trở nên trầm trọng và những thiệt hại do hệ lụy của nó không thể thống kê hết được…



Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức nào nhưng hầu như ai cũng phải thừa nhận rằng mạng lưới giao thông Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều nút thắt cổ chai. Có những nút thắt theo đúng nghĩa đen là con đường đang thênh thang bỗng dưng bị… bóp lại và cũng có vô sốt nút thắt vô hình nằm trong khâu quản lí, điều hành và ý thức người tham gia giao thông… Chính vì thế mà ách tắc lại càng trầm trọng.

Giờ cao điểm nhiều đường phố Hà Nội bị ùn tắc giao thông. Ảnh: Như Ý


Ở KĐT mới Định Công (quận Hoàng Mai), làm việc tại quận Hoàn Kiếm, đã nhiều năm nay, chị Phạm Thị Huyền quen với hành trình khổ ải nhà - cơ quan, một tuần nếm đủ năm ngày. KĐT mới Định Công tập trung rất đông dân cư giống như… cái “dạ dày”, một đầu thông ra đường Giải Phóng qua phố Định Công nhỏ hẹp, một đầu thông ra đường Trường Chinh qua phố Lê Trọng Tấn cũng nhỏ hẹp, chật chội. Hằng ngày, để chui ra khỏi "dạ dày", chị Huyền phải đụng ngay "vỏ dưa" là ngõ 228 hai xe con tránh nhau chật vật - được "lên hạng" phố Trần Điền chưa lâu. Tiếp nối là phố Lê Trọng Tấn, cái tên quen thuộc trên kênh VOV giao thông, với các điểm đen như ngõ 192, ngã ba Lê Trọng Tấn - Tôn Thất Tùng kéo dài. Qua được "vỏ dưa", chị Huyền phải trải qua hàng loạt "vỏ dừa": ngã tư Tôn Thất Tùng - Trường Chinh, ngã tư Tôn Thất Tùng - Chùa Bộc, phố Phạm Ngọc Thạch, Xã Đàn… Mùa đông còn đỡ chứ mùa hè và ngày mưa, để đến được cơ quan, chị Huyền than thở "không khác nào đi cày". Nếu cố gắng thoát ra qua ngả phố Định Công, không ít lần chị Huyền phải lộn lại.

Hàng nghìn người dân sống ở KĐT mới Định Công - khu vực không hiểu khi quy hoạch vì "lí do tầm nhìn" hay nguyên nhân nào khác - đã phải chịu tình cảnh ra đường nào cũng là nút cổ chai. Và toàn thành phố Hà Nội, đến nay đã có hàng chục nút thắt cổ chai kiểu như thế này.

Nút thắt xưa… và nay

Mươi, mười lăm năm trước, Hà Nội có những nút thắt cổ chai kinh hoàng như Ngã Tư Sở, Ngã Tư Vọng, kinh hoàng như thế nào thì có thể lượng hóa ra được như sau: Năm 1997, một tổ chức đã công bố mỗi giờ ách tắc giao thông đã gây thiệt hại chừng 2 tỷ đồng riêng tại Ngã Tư Sở; "tính bèo", cả năm con số này là 720 tỷ đồng (ở riêng Ngã Tư Sở - xin nhấn mạnh). Hà Nội ngày càng phát triển. Trong quá trình đó, nhiều khi quy hoạch đô thị yếu kém vô tình biến những con đường đang có thành nút thắt giao thông như phố Lê Trọng Tấn, Định Công… Cũng có nhiều nút thắt hình thành do quá trình giải phóng mặt bằng, thi công không đến nơi đến chốn, chẳng hạn đoạn đầu dốc đường Bưởi - Đào Tấn, ngã tư Trần Quốc Hoàn - Phan Văn Trường. Một loại nút thắt khác phát sinh do buông lỏng quản lí trật tự đô thị như đoạn cửa ra hầm chui Kim Liên về phía đàn Xã Tắc bị hàng quán, bãi rửa xe, nhà dân "chèn ép" và vô số nơi khác bị hàng quán "cướp" lòng đường thành bãi đỗ xe…

Đến thời điểm này, mặc dù cơ quan chức năng đã có thống kê về các điểm đen giao thông (dù không chính xác) song lại chưa có khảo sát nào về các nút thắt giao thông trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều cám cảnh hệ thống giao thông Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều nút thắt cổ chai.

Đường Trần Quốc Hoàn (quận Cầu Giấy), từ ngã tư Phan Văn Trường, nhiều năm nay trở thành nỗi kinh hoàng của người tham gia giao thông. Tại khu vực ngã tư, hàng loạt công trình xây dựng dở dang đã biến tuyến đường đang thênh thang bỗng dưng như bị "bóp cổ". Nút thắt cổ chai này đã tồn tại suốt nhiều năm trời. Lần lại thời gian trước đây khoảng 10 năm, UBND thành phố Hà Nội có quyết định thu hồi đất để làm tuyến đường Tô Hiệu kéo dài, nay là đường Trần Quốc Hoàn. Dự án được triển khai nhưng không hiểu sao lại tòi ra nút thắt cổ chai này. Quá trình giải tỏa chưa xong, hàng chục hộ dân ngang nhiên tiến hành xây dựng khiến lòng đường bị thu hẹp lại. Chưa hết, ngay tại khu vực ngã tư vẫn còn chềnh ềnh xưởng cơ khí như thể quy hoạch không hề… có mắt. Mới đây nhất, trong khi trò đánh đu giữa quy hoạch với người dân tại nút cổ chai chưa ngã ngũ thì chỉ trong vài đêm, nhiều hộ dân lại tiến hành thi công du kích. Công luận lên tiếng, sau đó chính quyền địa phương buộc phải ra quyết định đình chỉ. Tuy nhiên, người dân phải đặt ra câu hỏi: Cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền địa phương ở đâu? Cái nút thắt cổ chai này… dựa vào đâu mà "cứng đầu" đến vậy, để đến giờ đường Trần Quốc Hoàn vẫn phải mang hình cái phễu?

Nút thắt trong quản lí, điều hành

Do quy hoạch yếu kém, quỹ đất dành cho giao thông Hà Nội (kể cả mạng lưới giao thông động và tĩnh) rất thấp. Tính đến thời điểm này, thành phố có khoảng vài chục tuyến phố được phép trông giữ xe dưới lòng đường. Đấy là chưa kể nhiều tuyến phố khác cũng bị tranh thủ lúc nhộm nhoạm cắt lòng đường làm bãi đỗ mà báo chí từng phải lên tiếng. Thậm chí, ngay cả cầu vượt Ngã Tư Vọng, Ngã Tư Sở vốn có công năng tạo ra điểm giao cắt khác mức nhằm giảm thiểu ùn tắc cũng bị tận dụng gầm cầu làm điểm trông giữ xe theo thông báo thì… thuộc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội. Ngay lập tức, những tuyến phố này biến thành những nút cổ chai cơ động. Tại buổi làm việc với UBND thành phố Hà Nội ngày 17-10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã bày tỏ bức xúc khi lòng đường, vỉa hè tại nhiều tuyến phố Hà Nội bị tận dụng làm chỗ trông giữ xe, dẫn đến ách tắc giao thông và mất mỹ quan đô thị. Sau đó, cơ quan chức năng đã phải tiến hành kiểm tra, rà soát để đình chỉ, thu hồi giấy phép kinh doanh điểm đỗ gây cản trở.

Nếu như tình trạng xà xẻo lòng đường làm bãi đỗ xe cho thấy tư duy tiểu nông, tận dụng thì nhiều nút cổ chai "cứng" và "mềm" (nút cổ chai cơ động) khác lại là bằng chứng cho thấy sự buông lỏng quản lí, thậm chí có sự "móc ngoặc" của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng (?). Một trong những nút cổ chai "mềm" điển hình là đường Láng, phía gần Ngã Tư Sở. Nhiều tháng nay, cứ từ chiều tối, vỉa hè đường Láng biến thành chợ quần áo, giày dép, túi xách… Để xem và mua hàng ở chợ này, khách hàng phải dựng xe dưới lòng đường. Con đường vốn thường xuyên quá tải nay cõng thêm cái chợ lại càng ách tắc. Gần đó là phố Chính Kinh, tuyến nhiều năm nay là nơi họp chợ. Vỉa hè bị lấn chiếm, giao dịch diễn ra dưới… lòng đường. Hậu quả tất yếu là phố không còn là phố mà bị biến thành một cái nút cổ chai "mềm" kinh hoàng cho người tham gia giao thông, đặc biệt vào giờ cao điểm.

Có hàng loạt nút cổ chai như vậy. Vi phạm diễn ra không phải trong chốc lát, không phải bằng… cái kim. Thế mà vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại. Sự thách thức này buộc dư luận phải liên tưởng tới những chuyện… không hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Những “nút thắt” vô hình và hữu hình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.