Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau xả lũ, thủy điện "phủi tay"

Đức Trường - Chí Đạo| 16/11/2011 06:50

(HNM) - Cuộc sống người dân Quảng Nam sau lũ đang dần trở lại bình thường, nhưng họ vẫn canh cánh một nỗi lo vì sau trận lũ này sẽ còn nhiều trận lũ khác, có thể khốc liệt và khó lường hơn nhiều. Người dân Quảng Nam cho rằng nguyên nhân gây nên lũ dữ là bởi các hồ thủy điện xả lũ.

Nhà dân bị chìm trong nước tại xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam). Ảnh: Trần Lê Lâm - TTXVN


Dân kêu lụt vì xả lũ

Men theo những con đường còn lầy lội bùn đất của xã Đại An (huyện Đại Lộc, Quảng Nam), chúng tôi đến một số gia đình bị thiệt hại nặng trong trận lũ. Anh Nguyễn Văn Hoang, thôn Phước Yên nhác thấy người lạ liền chạy ra, nói giọng chua xót: "Rứa là hết rồi mấy anh ơi. Lũ không lớn so với mấy năm trước nhưng nhanh quá, trở tay không kịp". Căn nhà cấp 4 giờ không còn nguyên vẹn như ban đầu, anh sẽ gắng sửa chữa trong ngày một, ngày hai dù rất khó khăn về tài chính. Nhiều người dân Đại An cho rằng, sinh sống ở đây mấy chục năm nhưng chưa bao giờ thấy lũ đổ về nhanh đến như vậy. Lão nông Nguyễn Hữu Thanh, đã 91 tuổi, kể lại lũ năm Thìn (1964) mới là lớn nhất. Năm đó nước về ngập tận nóc nhà, lũ cao và lâu làm trâu bò chết nhiều đến mức ăn không hết, thịt heo còn phải bỏ đi. Lũ năm 2009 cũng lớn như lũ năm 1964 nhưng nước về nhanh hơn thiệt hại cũng nặng hơn. Còn lũ năm nay thì không lớn bằng nhưng nước kéo về nhanh quá nên bà con chỉ kịp sơ tán với ít gạo và bộ quần áo trên người. Thiệt hại nặng lại là do bờ sông Quảng Huế bị lở. Dẫn chúng tôi ra phía bờ sông Quảng Huế, chỉ vào mấy bụi tre xơ xác, cụ Thanh nói: "Tre tui trồng cả rặng vừa để giữ đất vừa để làm chậm lũ khi nước về, rứa mà bị đánh tan tác, chừ chỉ còn vài cây". Rồi chỉ sang phía bãi sông, hàng chục hécta ngô đang thu hoạch dở dang giờ chỉ còn cò trắng đậu rợp một vùng.

Ngoài vùng Đại Lộc, hàng chục nghìn người dân sinh sống ở vùng hạ du sông Vu Gia - Thu Bồn cũng phải căng mình chống đỡ với lũ lên nhanh bất thường. Ở các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, những con đường vẫn nhão nhoẹt bùn lầy dù lũ đã đi qua mấy ngày nay. Ở mỗi góc sân, những mảng xanh của các giống cây hoa màu đang vươn lên khỏe khoắn chỉ chờ ngày xuống đồng. Nhưng cũng rất có thể những mầm xanh này đến ngày cho trái thì lại bị lũ dữ cuốn phăng.

Thủy điện khẳng định xả đúng quy trình

Trong khi người dân cứ khẳng định nguyên nhân lũ lên nhanh bất thường là do thủy điện xả lũ khi có mưa lớn thì đại diện đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện lại cho rằng họ đã vận hành xả lũ theo đúng quy trình. Huyện Đại Lộc nằm trong vùng xả lũ của Thủy điện A Vương.

Ông Lê Đình Bản, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện A Vương (AVC) khẳng định, việc vận hành điều tiết hồ chứa Thủy điện A Vương từ ngày 5-11 đến ngày 8-11 tuân thủ đúng theo quy trình vận hành liên hồ chứa các hồ A Vương, Đăk Mi 4, Sông Tranh 2 trong mùa lũ hàng năm. Quy trình này được ban hành kèm theo Quyết định số 1880/QĐ-TTg (ngày 13-10-2010) của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, việc vận hành cũng dựa vào các bản tin dự báo khí tượng thủy văn, dự báo lũ phục vụ vận hành hồ chứa Thủy điện A Vương của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương.

Ông Bản cho biết, trước khi thực hiện xả tràn, thay đổi lưu lượng xả tràn, AVC đều thông báo đến UBND, Ban Chỉ huy PCLB tỉnh Quảng Nam và Đà Nẵng, UBND huyện Đại Lộc và các đơn vị liên quan. Từ 7h ngày 6-11-2011, AVC đã gửi báo cáo tình hình vận hành bằng đường fax, e-mail với tần suất 3h/lần cho các đơn vị sau: Ban Chỉ đạo PCLB trung ương; Ban Chỉ huy (BCH) PCLB&TKCN Bộ Công thương; BCH PCLB tỉnh Quảng Nam; BCH PCLB&TKCN TP Đà Nẵng; Trung tâm PCLB KV miền Trung & Tây Nguyên; BCH PCLB Tập đoàn Điện lực Việt Nam; Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn (KTTV) trung ương; Đài KTTV khu vực Trung Trung bộ; Trung tâm KTTV Quảng Nam. Ngoài ra, trong quá trình xả tràn, lãnh đạo AVC còn thường xuyên liên lạc bằng điện thoại với lãnh đạo BCH PCLB tỉnh Quảng Nam và huyện Đại Lộc.

Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, UBND huyện nhận được mọi bản thông báo của bên Thủy điện A Vương. Ngay khi nhận được thông báo qua fax, UBND huyện đã điện thoại xuống ngay cho các xã. Theo quy định, các xã sẽ thông báo với người dân bằng hệ thống loa truyền thanh. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ hầu hết các hộ dân ở xã Đại An, huyện Đại Lộc đều không nghe được loa vì mưa gió quá to. Chỉ đến khi thấy nước lên cao thì người dân chạy đến những điểm cao để sơ tán. Đó là chưa kể, cán bộ văn phòng của UBND xã Đại An còn khẳng định, xã không hề nhận được thông báo xả lũ mà chỉ nhận được thông báo dự báo xả lũ mà thôi. Rõ ràng, kênh thông tin từ trung ương xuống địa phương, từ doanh nghiệp đến cấp huyện thì có vẻ thông suốt nhưng từ cấp huyện xuống cấp xã rồi từ xã xuống đến bà con nhân dân lại chưa thông.

Không điều tiết được lũ

Trong đợt lũ lụt vừa qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có tổng cộng 4 thủy điện thực hiện việc xả lũ, gồm A Vương, Sông Tranh 2, Đắk Mi 4, Sông Côn. Thực tế chỉ có hai thủy điện A Vương và Sông Tranh 2 cho hoạt động tràn xả sâu. Còn Thủy điện Đắk Mi 4 và Sông Côn tràn xả sâu chưa hoạt động, nước chảy qua tràn tự do.

Theo BCH PCLB&Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, trong ngày 7-11, Thủy điện A Vương xả lũ từ 1 giờ sáng đến 22 giờ đêm. Ngày 8-11, xả từ 1 giờ sáng đến 16 giờ chiều. Ngày 9-11, xả lũ từ 1 giờ sáng đến 13 giờ chiều. Lưu lượng xả lũ lúc cao nhất là hơn 601m3/s (từ 6 đến 8 giờ sáng 8-11). Còn lưu lượng xả ở thời điểm thấp nhất là 253,3m3/s (13 giờ ngày 9-11). Thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ từ 8 giờ sáng đến 24 giờ ngày 7-11. Ngày 8-11 xả từ 1 đến 7 giờ sáng. Ngày 10-11, xả lũ từ 1 đến 7 giờ sáng. Lưu lượng xả lúc cao nhất là hơn 3.857m3/s (từ 14 đến 15 giờ ngày 7-11). Còn lưu lượng xả lúc thấp nhất là 606,15m3/s (từ 5 đến 6 giờ ngày 10-11).

Thế nhưng, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão & Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, lại cho biết, nhưng số liệu trên được lãnh đạo hai thủy điện này báo cáo bằng văn bản về Văn phòng BCH PCLB&TKCN tỉnh. "Chứ lúc mưa lũ chúng tôi đâu có mặt ở trên hồ chứa của họ mà biết chính xác được", ông Quang nói.

Ông Nguyễn Thanh Quang khẳng định, hai thủy điện trên xả lũ đúng quy trình bởi vì trước khi tiến hành xả lũ, những người có trách nhiệm ở Thủy điện A Vương và Sông Tranh 2 đều xin ý kiến của lãnh đạo BCH PCLB&TKCN tỉnh Quảng Nam. Đồng thời, thông báo rộng rãi thông tin xả lũ cho nhân dân vùng hạ lưu biết trước 12 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, ông Quang lại nhận định, thực tế cho thấy hai thủy điện này không thực hiện được việc điều tiết lũ. Trước khi mưa lũ xảy ra, họ không chịu xả bớt, cứ để nước đầy hồ. Đến khi tình huống xấu xuất hiện, phía hạ du lũ dâng lên thì thủy điện mới tiến hành xả. Ông Quang cho rằng, việc xả tràn của Thủy điện A Vương và Sông Tranh 2 vừa qua có là thủ phạm chính gây ra lũ lụt ở hạ du hay không thì phải có cán bộ chuyên môn ngành khí tượng thủy văn tính toán cụ thể. 
                                                                       *         *
                                                                             *
Các nhà khoa học ở Việt Nam đã hơn một lần lên tiếng cảnh báo về những hậu quả do việc xây quá nhiều nhà máy thủy điện sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng về sinh thái, ảnh hưởng nặng nề đến sinh kế lâu dài của người dân ở hạ du. Bất chấp những lời cảnh báo đó, chúng ta vẫn cho phép xây quá nhiều thủy điện. Và rừng ở thượng nguồn vẫn tiếp tục bị phá. Tỉnh Quảng Nam chỉ là một ví dụ điển hình. Đã đến lúc chúng ta cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi xây thêm nhà máy thủy điện, nhất là ở Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau xả lũ, thủy điện "phủi tay"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.