Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Thân phận “tuyến dưới”

Thế Dũng| 07/01/2012 09:16

(HNM) - Trong khi hệ thống bệnh viện tuyến trên quá tải trầm trọng thì không ít bệnh viện quận, huyện rơi vào cảnh đìu hiu do thiếu vắng bệnh nhân. Các trạm y tế của xã, phường giờ chỉ còn là


Nỗi lòng ai tỏ

Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn hiện có 23 BV quận, huyện. Nhiều đơn vị xa trung tâm như Cần Giờ, Củ Chi, Nhà Bè… khá khó khăn về cơ sở vật chất, nhân lực và chất lượng khám, chữa bệnh chưa đạt yêu cầu. Công suất sử dụng giường bệnh tuyến này thường chỉ đạt 60%, còn lại là bỏ trống. Đây là sự lãng phí lớn, nhất là khi người dân phải chấp nhận vượt tuyến để được giải quyết nhu cầu chữa bệnh của mình.


Nhiều bệnh viện tuyến dưới rơi vào cảnh đìu hiu do thiếu vắng bệnh nhân. Ảnh: Linh Tâm

Người viết đã không ít lần đến bệnh viện quận 3, 4, thấy phần lớn bệnh nhân là người thuộc diện khám bảo hiểm y tế hoặc khám các bệnh đơn giản. Trong khi đó, BV ở các quận mới như 12, 2… được xây dựng khá khang trang nhưng lại thưa vắng bệnh nhân. BV quận 12 rộng 1,7ha với quy mô 120 giường nhưng một số khoa như ngoại, sản, nhi… có rất ít người tìm đến. BV huyện Nhà Bè cũng đìu hiu không kém. Mỗi ngày nơi đây khám trung bình 300-400 lượt người, chủ yếu là bệnh nội khoa của người lớn như cao huyết áp, đau dạ dày, hen suyễn... Một bệnh viện hạng 3 với 100 giường bệnh, nhưng số giường sử dụng chỉ khoảng một nửa. Các phẫu thuật ngoại khoa cũng ít, hầu hết chỉ là tiểu phẫu. Ngay cả khi thành phố cử bác sĩ BV tuyến trên xuống thăm khám tại BV quận, huyện cũng nảy sinh những chuyện khó tưởng. Đó là bác sĩ xuống khám không có thuốc chuyên khoa trong BV, thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế. Điển hình, tại quận 12, khi bác sĩ ở BV 115 xuống khám về tim mạch, nội tổng quát... khám xong, bệnh nhân phải chạy lên BV 115 để lấy thuốc. Trong hoàn cảnh ấy, bệnh nhân mất niềm tin vào BV quận, huyện cũng là lẽ thường.

Thời gian qua, một trong những BV tuyến dưới được cho là thành công trong việc thu hút bệnh nhân là BV Đa khoa khu vực Hóc Môn. BV này có 580 giường, mỗi ngày khám cho khoảng 1.200 lượt người. Cơ sở được trang bị không ít máy móc hiện đại và làm chủ nhiều kĩ thuật y khoa hiện đại như: mổ nội soi, mổ sản hoàn chỉnh, mổ xương, chẩn đoán ung thư vú… Ấy thế nhưng cố gắng lắm mà tổng số lượt khám bệnh trong năm 2011 chỉ là khoảng 620.000 lượt, đạt 75% so với kế hoạch và giảm 1,62% so với cùng kỳ. Bệnh nhân khám bảo hiểm chiếm 50%. Công suất sử dụng giường bệnh so với kế hoạch mới đạt 94,7%, nhưng cũng là con số không tưởng với nhiều BV tuyến dưới.

Dẫn tôi đi thăm BV, Giám đốc BV Đa khoa khu vực Hóc Môn Đỗ Kim Hoàng nói: "Nhà báo thấy không, BV thoáng mát và không nặng mùi thuốc sát khuẩn như BV tuyến trên. Gần đây, trình độ của bác sĩ được nâng lên đáng kể nên đã thu hút được bệnh nhân của cả quận 12, huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi và Đức Hòa (Long An). Nhưng thú thực, tôi hiện chỉ có 100 bác sĩ và còn thiếu khoảng 40-50 người cho các chuyên ngành nội tiết và ngoại khoa. Đây là tình trạng chung của BV tuyến dưới mà nhiều năm qua chưa gỡ được".

Tại một cuộc họp với ngành y gần đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Hứa Ngọc Thuận thẳng thắn nhìn nhận thời gian qua, việc đầu tư trang thiết bị cho các BV quận, huyện còn thấp và nhiều khi không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Sau đó, ông đặt ra hàng loạt câu hỏi cho Sở Y tế là tại sao không phát triển các khoa chấn thương chỉnh hình, những khoa nhi đủ mạnh ở những BV quận, huyện có đông dân cư, từ 300.000-600.000 dân như Bình Chánh, Tân Bình, Tân Phú, Củ Chi... Theo ông Thuận, nếu các BV quận, huyện có các khoa chuyên môn đáp ứng được nhu cầu của người bệnh thì sẽ giảm tải được cho các BV tuyến trên.

Tình trạng thiếu bác sĩ cũng là nỗi ám ảnh của các BV tuyến dưới. Ví dụ: BV Cần Giờ thiếu khoảng 20 bác sĩ vì theo quy định BV hạng III với 150 giường bệnh như Cần Giờ phải có tối thiểu 40 bác sĩ. Tuy nhiên, đơn vị này hiện chỉ có 17 bác sĩ, trong đó 4 người đang đi học nên nhiều khoa còn trống bác sĩ. Cùng với nỗi lo thiếu bác sĩ thì nỗi ám ảnh với phần đông lãnh đạo các BV tuyến dưới là làm sao giữ được người giỏi vì không ít trường hợp được cử đi học nâng cao đã không về nơi cũ làm việc… Cứ thế, nỗi lo cũ chưa xong nỗi lo mới lại ập về với cơ sở y tế tuyến dưới.

"Chữa bệnh" lòng tin

Trong khi hệ thống BV quận, huyện chưa làm tốt vai trò phân tuyến, san tải thì các trạm y tế xã, phường vốn trước đây có thể thực hiện sơ khám, đỡ đẻ thì nay hầu như không phát huy tác dụng. Diện mạo chung của 322 trạm y tế là thiếu trang thiết bị, nhân lực… "Hóc Môn hiện có 12 trạm y tế xã, trong đó nhiều nơi được xây mới theo chuẩn của Bộ Y tế là rộng hơn 600m2, được trang bị cả máy X-quang, siêu âm, điện tim, xét nghiệm đơn giản. Có trạm xá có cả bác sĩ chuyên khoa 1, hộ sinh, đông y, dược tá nhưng dân vẫn không thích đến. Ngoài trình độ khám chữa bệnh, dân không đến bởi đơn giản là phân cấp ngành y chỉ cho trạm y tế xã được cấp một lượng thuốc rất thấp so với yêu cầu. Nói chung, tình hình rất khó khăn" - bác sĩ Đỗ Kim Hoàng chia sẻ.

"Vậy đâu là thử thách lớn nhất với bài toán giảm tải cho BV tuyến trên?" - tôi hỏi. Bác sĩ Đỗ Kim Hoàng cho rằng, đó chính là tâm lý người dân muốn điều trị bệnh một lần cho dứt điểm nên họ thường "lờ" tuyến dưới để lên thẳng thành phố. BV tuyến dưới có thể có trang bị tốt nhưng cái gốc là thiếu bác sĩ có chuyên môn nên bệnh nhân không tin.

Sớm nhận ra "lỗ hổng" này, bản thân các BV tuyến dưới đã khá nỗ lực trong công tác đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ bác sĩ của mình. Đặc biệt, từ cuối năm 2010 đến nay, thực hiện đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ BV tuyến trên về hỗ trợ BV tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh", các BV của Sở Y tế, Bộ Y tế đóng trên địa bàn đã chuyển giao 43 kĩ thuật, thuộc các chuyên khoa sản, tai mũi họng, y tế dự phòng, hồi sức, phẫu thuật nội soi… cho các BV quận, huyện. Đã có 152 lượt bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi về tăng cường cho BV tuyến quận, huyện. Những gì đội ngũ này làm được thời gian qua thật đáng trân trọng.

Bác sĩ Nguyễn Hoài Nam (Sở Y tế TP Hồ Chí Minh) cho biết, được sự trợ giúp của các bác sĩ về tăng cường, khả năng làm chủ kĩ thuật y tiên tiến của bác sĩ BV tuyến quận, huyện tăng lên rõ rệt. Đến nay, các bác sĩ của BV Bình Thạnh đã tự tin điều trị tại chỗ các bệnh khó trước đây phải chuyển lên tuyến trên như: cấp cứu OAP, sốt xuất huyết, viêm phổi suy hô hấp, bệnh tay chân miệng độ 2A… Các bác sĩ BV quận 4 đã làm chủ kĩ thuật mổ u xơ cổ tử cung, u nang buồng trứng nhờ được chuyển giao kĩ thuật từ BV Hùng Vương. Tương tự, có đến 80-90% các ca khám bệnh sản, phụ khoa trên địa bàn quận 4, quận 12, huyện Hóc Môn được thực hiện tại chỗ, không phải chuyển giao lên tuyến trên như trước đây…

Ứng dụng kĩ thuật mới là chuyện có thể làm được nhưng vấn đề là để bệnh nhân tin tưởng và khi có bệnh không "chạy" lên tuyến trên dường như không nhiều nơi làm được. Bởi theo thống kê của ngành y tế, số bệnh nhân chuyển viện từ tuyến dưới lên tuyến trên giảm đi nhưng bệnh nhân tự phát lại tăng rõ rệt.

Bà Hà Thị Phừng (71 tuổi, trú tại xã Xuân Thới Sơn, Hóc Môn) bị gãy xương chậu và hơn một tháng qua nằm điều trị tại BV Hóc Môn đến nay đã gần bình phục. Bà cho biết, khi gặp nạn nhiều người khuyên lên đến BV Chấn thương chỉnh hình nhưng bà vẫn chọn BV Đa khoa khu vực Hóc Môn. "Bác sĩ ở đây giờ giỏi lắm. Tôi yên tâm rồi, có bệnh gì chắc không lên thành phố nữa đâu" - vừa nhấc chân, trở mình bà vừa vui vẻ nói.

Nhưng thử hỏi có bao nhiêu người bệnh nặng nghĩ như bà Phừng?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Thân phận “tuyến dưới”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.