Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một trí thức cách mạng, một người Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến| 14/01/2012 05:29

(HNM) - 100 bức ảnh tại triển lãm "Trần Duy Hưng-Một người Hà Nội" nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông (16-1-1912) do UBND TP Hà Nội cùng nhiều đơn vị tổ chức khai mạc ngày 12-1-2012, chỉ là phác họa về nhà trí thức cách mạng Trần Duy Hưng, cùng tấm lòng nhân ái và tình yêu Hà Nội của ông. Những câu chuyện về ông kể mãi không hết.

Từ bỏ cuộc sống đầy đủ để đi theo cách mạng

Trần Duy Hưng sinh ra ở thôn Hòe Thị (làng Canh), xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm trong một gia đình trung lưu nền nếp, nho phong. Ông nội là lương y nổi tiếng, còn cha là công chức mẫn cán. Ngay từ những năm tháng còn là học sinh Trường Bưởi và sau đó là Trường Y Hà Nội, Trần Duy Hưng đã tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt phải kể đến việc ông tham gia phong trào Hướng đạo sinh do cụ Hoàng Đạo Thúy là huynh trưởng trên toàn quốc và được tin tưởng cử làm huynh trưởng ở miền Bắc và Hà Nội.

Bác sĩ Trần Duy Hưng vẫy chào người dân trong Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10-1954.

Năm 1939, ông tốt nghiệp bác sĩ loại giỏi, được gia đình giúp đỡ, ông mở một bệnh viện nhỏ có 10 giường ở 73 phố Hàng Bông Thợ Nhuộm. Em gái ông, bà Trần Thị Mỹ làm y tá kiêm hộ lý. Năm 30 tuổi, ông đã là bác sĩ đa khoa nổi tiếng Hà Nội. Bệnh viện của ông không chỉ giúp đỡ người nghèo mà còn là cơ sở an toàn cho những người hoạt động bí mật, khi bị mật thám lùng bắt, họ vào bệnh viện nằm như một bệnh nhân. Nhà văn Nguyễn Đình Thi, nhạc sĩ Văn Cao từng là "bệnh nhân bất đắc dĩ" ở bệnh viện này. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Bảo Đại có mời bác sĩ Trần Duy Hưng làm Bộ trưởng Thanh niên, nhưng ông từ chối.

Uy tín của bác sĩ Trần Duy Hưng với phẩm chất tốt đẹp, lòng nhân ái và độ lượng đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh biết đến. Chỉ một tuần sau ngày giành chính quyền ở Hà Nội (19-8-1945). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân gặp ông, trong bữa cơm thân mật, Người đề nghị ông đảm đương chức vụ Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội. Vốn là người biết mình, bác sĩ Trần Duy Hưng nói: "Cảm ơn Cụ, mong Cụ chọn người xứng đáng hơn vì tôi chỉ biết khám chữa bệnh, không quen làm lãnh đạo". Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh bảo: "Bản thân tôi cũng chưa bao giờ lãnh đạo một đất nước, chúng ta phải vừa làm vừa học thôi". Dù rất kính trọng Cụ Hồ nhưng ông vẫn suy nghĩ về lời đề nghị đó. Xác định đi theo cách mạng là từ bỏ cuộc sống đầy đủ, nên cuối cùng ông nhận lời và từ ngày 30-8-1945, ở tuổi 33, ông đã trở thành Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội (ngày 22-11-1945 đổi thành Ủy ban hành chính Hà Nội).

Sau ngày độc lập không bao lâu, thực dân Pháp lại gây chiến để chiếm lại Hà Nội, ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Trong những ngày nước sôi lửa bỏng ấy, ông đã luôn cùng các đồng chí trong Thành ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tập hợp đoàn kết mọi tầng lớp nhân dân yêu nước kiên cường chiến đấu bảo vệ Thủ đô. Năm 1947, Bác Hồ bổ nhiệm ông làm Thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm Ủy viên Hội đồng Quốc phòng tối cao. Năm 1954, ông được giao làm Thứ trưởng Bộ Y tế. Trong những ngày tháng ở chiến khu, ông luôn được gần gũi chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh và được Người yêu mến và tin tưởng. Tấm gương đức độ của Người là nguồn cổ vũ động viên cho ông, một trí thức yêu nước suốt đời trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày 10-10-1954, trong đoàn quân tiến về tiếp quản Hà Nội, bác sĩ Trần Duy Hưng nhận nhiệm vụ làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính Hà Nội. Sau đó ông trở lại với chức danh Chủ tịch Ủy ban Hành chính, rồi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ngày 4-11-1954 và giữ chức vụ này đến năm 1977.

Nhân văn và vì Hà Nội

Ngày 6-1-1946, nhân dân cả nước đi bầu cử đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam độc lập. Hà Nội đã lựa chọn được 6 đại biểu và cao phiếu nhất là Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau đó đến bác sĩ Trần Duy Hưng. Tại cuộc họp Quốc hội lần thứ I tổ chức vào ngày 2-3-1946 tại Nhà hát Lớn, ông được Quốc hội bầu vào Ban soạn thảo Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với trọng trách này, không chỉ chăm lo tới người dân trong nước ông còn quan tâm đến cả người Việt Nam ở nước ngoài. Báo Cứu quốc ra ngày 6-11-1946, đã đăng ý kiến của ông góp ý kiến cho bản Hiến pháp 1946: "Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bảo đảm về quyền lợi" với mục đích "là để nước ngoài nhận cái địa vị của nước Việt Nam và nhận cái chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa". Những ngày đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thật khó khăn và phức tạp nhưng ông đã tập hợp được đông đảo các tầng lớp quần chúng Thủ đô để "Diệt giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm". Giao thừa Xuân Bính Tuất năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và bác sĩ Trần Duy Hưng đã đi thăm các gia đình nghèo ở Hà Nội khiến họ không thể tin nổi. Chính vì sự tận tâm và uy tín với dân nên kẻ thù luôn tìm cách mua chuộc, hãm hại ông, nhằm làm giảm uy tín của chính quyền, nhưng không thành công, vì ông được dân che chở và bảo vệ.

Là trí thức nên bác sĩ Trần Duy Hưng biết rõ kiến thức là vô cùng cần thiết cho cuộc sống nên đầu những năm 1960, ông thường xuyên cùng cụ Hồ Đắc Điềm (phụ trách bình dân học vụ) đạp xe đến từng lớp học, lặng lẽ vào ngồi xem người ta dạy và học thế nào. Trong chiến tranh chống Mỹ, hàng hóa khan hiếm, cuộc sống người dân thiếu thốn do không có nguồn cung cấp trong khi Hà Nội có khả năng sản xuất được, thế là ông cùng lãnh đạo thành phố quyết định "vượt rào" bằng cách cho các hộ tư nhân sản xuất thủ công một số mặt hàng thiết yếu để cải thiện đời sống cán bộ, nhân dân. Biết tin, Bộ Thương nghiệp phản đối quyết liệt, nhưng Hà Nội vẫn thực hiện nghị quyết đã ban hành. Ông cho rằng, nếu không có hàng hóa thiết yếu thì làm sao cán bộ, công nhân Hà Nội yên tâm công tác và sản xuất để góp phần đánh Mỹ và xây dựng CNXH ở miền Bắc. Trước những giải thích có lý, có tình của ông nên Bộ Thương nghiệp không phản đối nữa. Ngay từ năm 1960, Nhà nước có chính sách phân phối nhà ở cho cán bộ, công nhân viên nhưng được sự nhất trí cao của Thành ủy, Hà Nội đã triển khai bán căn hộ theo cách trả dần để thành phố có thêm ngân sách. Cách làm này cũng bị một số bộ không đồng tình nhưng Thành ủy và cá nhân Chủ tịch Trần Duy Hưng tiếp tục cho thực hiện. Trong những năm chiến tranh ác liệt, ông vẫn mơ một thành phố Hà Nội phải quay mặt ra sông Hồng, hòa mình với con sông Mẹ nghìn đời chảy qua vùng đất này. Chủ tịch Trần Duy Hưng người luôn luôn vì dân, thậm chí tìm mọi cách vì dân và ông là Chủ tịch thành phố chưa từng có thư ký hay người giúp việc riêng. Ông thường tự tay soạn thảo tất cả các văn bản, bài phát biểu… Trừ những lúc đi công tác xa hay tham dự các sự kiện nghi lễ, ngoại giao, còn thì ông tự lái xe đi khắp nơi giải quyết công việc, kiểm tra công tác phòng, chống lụt bão, hộ đê… Những ngày Hà Nội bị máy bay Mỹ ném bom, ông tự lái xe đến tất cả những nơi bị đánh phá, nhiều lần ông trực tiếp giúp các y tá, bác sĩ băng bó cho những người bị thương. Nhiều người dù bị thương đã không cầm được nước mắt trước tấm lòng của vị chủ tịch. Ngày thường, nếu không quá bận, ai cần cũng có thể gặp được ông. Ông có một cuốn sổ ghi lại hầu hết những cuộc gặp gỡ với từng người dân và nguyện vọng của họ với ký hiệu đánh dấu các trường hợp đã hoặc chưa giải quyết. Khi bom Mỹ đánh trúng một góc tòa Lãnh sự quán Pháp, dứt tiếng máy bay ông đã có mặt để thăm hỏi, chia sẻ khi các nhân viên ngoại giao vẫn còn ở dưới hầm trú ẩn. Việc làm đó không chỉ là thông điệp ngoại giao mà còn thấm đẫm tính nhân văn sâu sắc của một trí thức Hà Nội.

(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một trí thức cách mạng, một người Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.