Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Mầm xanh và lời nguyện cầu

Lê Hương - Ngọc Hà| 17/06/2012 04:00

(HNM) - Trường Sa - mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc nơi đầu sóng luôn được nhớ đến như biểu tượng về ý chí và quyết tâm giữ vững chủ quyền lãnh thổ. Song hành cùng những điều cao đẹp ấy, còn có một Trường Sa dung dị, đời thường với rau xanh và trái ngọt, với tiếng trẻ thơ bi bô đánh vần, với tiếng chuông chùa thanh tịnh và những lời nguyện cầu vào mỗi bình minh...



Cuộc sống đời thường trên đảo có rất nhiều điều thú vị mà không phải ai cũng biết đã được nhóm PV Hànộimới ghi lại trong chuyến công tác Trường Sa vừa qua.

Bài 1: Mầm xanh và lời nguyện cầu

Trước khi đi, nghe mấy đồng nghiệp kể, Trường Sa còn thiếu thốn nhiều thứ, tôi tưởng tượng, cuộc sống nơi này chắc hẳn gian truân, khô cằn và tẻ nhạt lắm. Thế nhưng, sau ba ngày vượt trùng dương, đặt chân lên những đảo đầu tiên, dù còn say mướt, nhưng Trường Sa đã làm tôi bừng tỉnh với những hình ảnh tươi rói của cuộc sống thường nhật.

Những chủ nhân tương lai của đảo Trường Sa.

Ươm mầm trong cát

Hình ảnh đầu tiên gây ấn tượng cho nhóm phóng viên chúng tôi khi đặt chân đến đảo Trường Sa Lớn chính là cảnh lũ trẻ thi nhau đạp xe dưới sự cổ vũ nồng nhiệt của cô giáo Bùi Thị Nhung và các bạn của chúng. Theo cô Nhung, đây là hoạt động vận động thân thể sau những giờ học chính khóa. Ở cái thị trấn - thủ đô của huyện đảo Trường Sa này, ngoài nhiệm vụ được coi là thiêng liêng - canh giữ biển đảo, thì việc học hành của lũ trẻ là mối quan tâm của cả quân và dân trên đảo. Lớp học của cô Nhung nằm sát biển. Mỗi ngày được bắt đầu bằng những bài học mới theo chương trình quy định, ngoài ra cô Nhung còn dành nhiều thời gian ôn luyện cho các cháu nắm vững kiến thức, dạy chúng kỹ năng sống, rèn luyện thể chất và sinh hoạt ngoại khóa. Lũ học sinh của cô, đứa nào da cũng nhuốm màu biển, hiếu động, thông minh và rất hào hứng mỗi khi nghe cô giáo kể về thành tích của bộ đội hải quân và biển đảo…

Có lẽ, gắn bó với biển từ nhỏ nên đứa trẻ nào cũng rất yêu biển, say sưa nói về biển. Khi các nhà báo hỏi về những ước mơ sau này, cô học trò lớp 4 Nguyễn Thị My Sen mạnh dạn thưa: "Con muốn trở thành cô giáo như cô Nhung để dạy học và kể chuyện cho các bạn nhỏ trên đảo ạ". Còn cậu em trai 7 tuổi Nguyễn Chin Si của Sen thì nhanh nhảu: "Con sẽ làm bộ đội hải quân, ôm súng canh biển như các chú trên đảo ý". Nhân nói về hai cô cậu học trò này, cô Nhung tự hào giải thích cho các nhà báo về cái tên của hai chị em. Sen là phát âm của từ "Sand" trong tiếng Anh, có nghĩa là "cát", còn Si phát âm của "Sea" có nghĩa là "biển". Khi đặt tên này, vợ chồng anh Nguyễn Xuân Yên và chị Trần Thị Hoa kỳ vọng hai con mình sẽ gắn bó và biết trân trọng và kế tục sự nghiệp của cha anh, gìn giữ từng tấc đất của biển đảo quê hương. Mà không chỉ có Sen và Si ở đảo Trường Sa Lớn đâu nhé, trên quần đảo thiêng liêng này ở đâu cũng có những cái tên đặc biệt, chẳng hạn như cháu Hồ Song Tất Minh được sinh ra ở đảo Song Tử Tây tháng 5-2009. "Hồ" là họ bố, "Song" là đảo Song Tử Tây, còn "Tất Minh" là tên của hai vị tướng của lực lượng hải quân. Đặt tên này bố mẹ bé bảo, mỗi lần nghe ai gọi tên, bé sẽ hiểu được ý nghĩa và sự kỳ vọng của cha mẹ dành cho cháu.

Trở lại câu chuyện học hành trên đảo, cô Nhung cho biết, trước quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự sẻ chia của cả nước, không riêng Trường Sa Lớn, nhiều đảo khác như Song Tử Tây, Sinh Tồn đã xây dựng được trường lớp khang trang, đủ các trang thiết bị phục vụ việc học, vui chơi của trẻ em. Cho dù vẫn còn những khó khăn nhất định do xa đất liền, việc dạy học ví như "ươm mầm trong cát", nhưng đội ngũ giáo viên trên các đảo đã và đang dồn tâm sức giảng dạy để các cháu bằng bạn bè trong đất liền. Bão táp, phong ba khắc nghiệt đến đâu thì những mầm xanh đó vẫn phải được nảy nở, lớn lên từ cát. Đó chính là nhiệm vụ cao cả và thiêng liêng nhất của những người thầy và cũng là lý do cô Nhung quyết định mang theo gia đình nhỏ bé của mình (chồng và 2 con) gắn bó với hòn đảo đầy nắng, gió và cát này.

Chùa Song Tử Tây.

Sức sống của đảo

Ngoài câu chuyện học hành của lũ trẻ, điều thu hút sự quan tâm của các nhà báo chính là đời sống sinh hoạt tinh thần của người dân trên đảo. Cũng thật dễ hiểu, vì ngay bản thân tôi trước khi đến với Trường Sa cũng không thể hình dung được người dân trên đảo sống như thế nào giữa nghìn trùng sóng vỗ. Xã đảo Song Tử Tây, nhìn từ con tàu mang tên Trường Sa 571 hiện ra như một cánh rừng hình bầu dục xanh tít tắp. Màn đón tiếp những vị khách từ đất liền đến thăm của đảo là hồi chuông chùa và những cái bắt tay siết chặt như không muốn rời. Thượng tá Vũ Văn Cương, Đảo trưởng đảo Song Tử Tây đon đả dẫn các nhà báo tham quan cuộc sống của người dân và giới thiệu hoạt động chính quyền xã đảo. Nằm cách bán đảo Cam Ranh hơn 300 hải lý, không chỉ có vị trí quan trọng về an ninh, quốc phòng trên biển, đảo Song Tử Tây còn là ngư trường sôi động, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế biển Việt Nam. Vì vậy, đánh bắt hải sản vẫn là nghề chính của nhân dân trên đảo. Ngoài ra, các hộ còn trực tiếp phối hợp với cán bộ, chiến sỹ trên đảo thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, cứu hộ các ngư dân từ đất liền ra đánh bắt hải sản không may gặp nạn hoặc hết lương thực.

Đến thăm gia đình cháu Hồ Song Tất Minh, cánh nhà báo trầm trồ khen ngợi. Trên diện tích khoảng 200m, ngôi nhà được xây dựng khang trang, bên trong bài trí gọn gàng, ngăn nắp và đầy đủ tiện nghi hiện đại như ti vi, tủ lạnh. Cô phóng viên Đài Truyền hình Hà Nội nhanh tay mở tủ lạnh, trong đó có khá nhiều hoa quả, sữa và cả thực phẩm tươi. Anh Hồ Dương, bố cháu Minh giải thích, có trẻ nhỏ nên hằng tháng gia đình phải gửi tiền các tàu về đất liền mua những thực phẩm thiết yếu này, còn rau xanh và hải sản thì các hộ gia đình trên đảo đều có thể tự túc được. Anh Dương cho biết, nhờ hệ thống điện năng từ gió và ánh mặt trời, mạng điện thoại phủ sóng khắp xã đảo nên cuộc sống nơi đây không khác biệt so với đất liền. Hằng ngày, anh vẫn trò chuyện, thăm hỏi sức khỏe của bạn bè, người thân ở quê Cam Bình - thị xã Cam Ranh, vẫn dõi theo tình hình đất liền, trong và ngoài nước. Lúc trái nắng, trở trời đều được các y, bác sỹ của Bệnh viện 108 tăng cường ra đảo chữa trị kịp thời. Anh Dương tự hào nói "so với đất liền, cuộc sống trên đảo chả thua kém".

Câu nói đầy tự tin của anh Dương xem ra hoàn toàn có cơ sở. Bởi cứ áp vào các tiêu chí "Mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan môi trường, mẫu mực về quan hệ quân - dân", thì Song Tử Tây và nhiều đảo như Sinh Tồn, Trường Sa Lớn cơ bản đã thực hiện được rồi. Tất cả các xã đảo đều xây dựng được các thiết chế văn hóa, trường học, thư viện, phòng đọc sách Hồ Chí Minh, có nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt của cộng đồng dân cư và giáo dục truyền thống lịch sử cho quân dân trên đảo. Hệ thống chính trị ở các xã đảo đã được kiện toàn, hoạt động hiệu quả. Trong đó, đáng kể nhất là mô hình hoạt động của đoàn thanh niên và hội phụ nữ. Tổ chức đoàn thường xuyên tổ chức các hoạt động phù hợp với tuổi trẻ, đặc biệt duy trì tốt phong trào lao động tình nguyện làm sạch đảo, sạch đơn vị. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao gắn kết đoàn viên, thanh niên thường xuyên được tổ chức. Hội phụ nữ các xã đảo đã phối hợp chặt chẽ với MTTQ phát động phong trào xây dựng gia đình văn hóa theo tiêu chí 5 không, 3 sạch, cùng cộng đồng trách nhiệm với nhà trường, đơn vị chăm lo, giáo dục trẻ em.

Vì sự bình yên và trường tồn

Cùng nhau sống trong cộng đồng quân - dân đoàn kết, gắn bó, yêu thương, quan tâm, chăm sóc nhau như anh em một nhà, đó là điều mà tôi được chứng kiến và cảm nhận được trong những ngày đến thăm các đảo. Nhưng còn điều tạo nên ấn tượng đặc biệt cho các xã đảo chính là màn tiếp đón khách bằng hồi chuông chùa thanh tịnh. Những ngôi chùa to, đẹp, cổ kính, ở đó có những bức tượng bằng ngọc linh thiêng, có những đại hồng chung quý giá đan xen trong không gian xanh thắm của cỏ cây, của biển cả càng tôn lên vẻ đẹp thuần khiết và giá trị truyền thống của làng quê Việt Nam tại những hòn đảo nhỏ này. Tại chùa Sinh Tồn, tôi có vinh dự được trò chuyện với đại đức Thích Đức Hỷ sau khi thầy vừa kết thúc một khóa lễ. Say sưa giảng giải ý nghĩa của hai chữ "Sinh Tồn" (sinh có nghĩa là sức sống, là sự sinh trưởng; tồn là tồn tại và phát triển. Sinh Tồn có nghĩa là sinh trưởng, tồn tại và phát triển), đại đức Thích Đức Hỷ chia sẻ, ông rất tự hào được đem tâm nguyện của mình đến sưởi ấm tình quân và dân trên đảo. Mỗi ngày tổ chức đều đặn một khóa lễ cầu nguyện, nhà chùa cầu mong cho cuộc sống bình yên, cho quân và dân trên đảo luôn mạnh khỏe vững chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc. Những lúc như thế, không có sự phân biệt đâu là nhà sư, đâu là quân, là dân, mà tất cả đều một lòng hướng về lời kinh, tiếng kệ, hướng về tâm phật cầu nguyện đem hào quang tình thương đến tất cả với người dân, cho biển đảo thắm mãi màu xanh, cho Trường Sa trường tồn, vĩnh cửu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Mầm xanh và lời nguyện cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.