Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiểm họa từ thuốc diệt cỏ

Nguyễn Tùng| 19/07/2012 07:25

(HNM) - Gần đây, tình hình buôn bán, vận chuyển những loại thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) không rõ nguồn gốc trên địa bàn các huyện biên giới của tỉnh Lào Cai diễn biến phức tạp.


Địa bàn nóng nhất là thị trấn Mường Khương (huyện Mường Khương) nơi có chợ và đường biên giới trên đất liền dài gần 20 cây số. Tại đây, lực lượng biên phòng đã bắt giữ nhiều vụ vận chuyển thuốc diệt cỏ không nhãn mác từ phía Trung Quốc đưa sang chợ Mường Khương để tiêu thụ. Những người dùng thuốc diệt cỏ này để phun cho ruộng trồng ngô, dứa, chuối mà không biết rằng họ đang vô tình tiếp tay hủy hoại dần cuộc sống của chính họ và con cái.


Trạm trưởng Trạm BVTV Mường Khương Lê Thanh Hoa kiểm tra những chai thuốc diệt cỏ không rõ nguồn gốc.

Phun đâu... cháy đấy

Nắng hè gay gắt đổ xuống những nương ngô nằm ngay bên cạnh đường 4D. Nhiều đoạn mùi của thuốc trừ sâu hoặc cũng có thể là thuốc diệt cỏ xộc thẳng vào mũi người đi đường. Anh Giàng Xín Sài, người ở thôn Xéo Tủng, xã Tung Chung Phố, vai đeo bình phun thuốc tỉ mẩn, kiên nhẫn xịt vào từng đám cỏ mọc xanh um ngay cạnh những gốc ngô đang lớn. Tụt xuống nương ngô ở dưới mặt đường mấy chục mét, tôi vừa nói chuyện với anh Sài, vừa phải bịt mũi hoặc tìm hướng đầu gió để đứng bởi mùi thuốc nồng nặc.

- Anh xịt thuốc này để diệt cỏ à? - Tôi hỏi. "Ừ, phun để cho chết cỏ. Thuốc này tốt lắm!". - Anh mua thuốc ở đâu thế? "Mua ở chợ Mường Khương ấy. Sáu mươi nghìn một chai mà". - Sao anh bảo thuốc này tốt? Phun xong thì chỉ hai ngày sau là cỏ chết. Em xuống chợ mua không được. Sao anh lại mua được? "Ồ, chỉ bán cho người quen mặt thôi à! Không bán cho người lạ đâu"...

Đoạn hội thoại bị cắt ngang bởi anh Sài phải đi lấy nước ở tít dưới khe sâu lên pha thuốc diệt cỏ. Mỗi năm Giàng Xín Sài mua một lọ này, pha với nước để xịt cho nương ngô và anh biết chắc rằng chai thuốc này có xuất xứ từ bên kia biên giới.

Cách nương ngô của anh Sài hơn nửa cây số, vợ chồng anh Tráng Mìn Sàng cũng đang phun thuốc diệt cỏ cho nương ngô của gia đình. Mỗi năm anh gieo khoảng 15 cân ngô giống, thu được gần 3 tấn ngô bán đi, thu về khoảng 15 triệu đồng. Giống như anh Sài, anh Sàng mua chai thuốc đang xịt này ở chợ Mường Khương với giá 60 nghìn đồng. Mỗi năm gia đình anh phải mua từ bốn đến năm chai thuốc diệt cỏ mới đủ. Anh Sàng vừa xịt thuốc vừa nói: "Phun thuốc này hiệu quả lắm, đỡ công lắm! Nếu mà phun vào lá là lá cháy đấy!".

Bắt kẻ buôn lậu ngay tại chợ

Người dân, nhất là những người trồng ngô ở vùng biên thường dùng thuốc diệt cỏ vì thấy đỡ tốn công làm cỏ, dễ mua và mua với giá rẻ ngay tại chợ. Mặc dù một số người dân đã thấy tác hại của thuốc diệt cỏ khi các loại rau trồng xen với ngô đều bị chết khô sau khi phun thuốc nhưng họ vẫn dùng. Trung tá Hà Minh Hải, Phó Đồn trưởng nghiệp vụ Đồn Biên phòng Mường Khương (241) nhận định, mặc dù thuốc diệt cỏ có tác hại lâu dài, những người dân chưa hiểu và chưa từ bỏ thói quen trong trồng trọt nên việc thẩm lậu thuốc diệt cỏ qua biên giới vẫn chưa dừng lại.

Sáng 1-1-2012, phát hiện hai người dân ở thôn Lao Chải vận chuyển 3 can lớn có dấu hiệu khả nghi, lực lượng biên phòng đã ngăn chặn kiểm tra. Qua đấu tranh khai thác, hai người này khai nhận là Lồ Sì Xèng (sinh năm 1979) và Vàng Phà Vảng (sinh năm 1971), cùng là người dân tộc Pa Dí, trú tại thôn Lao Chải, thị trấn Mường Khương đang vận chuyển thuê 3 can thuốc diệt cỏ cho một người Trung Quốc có tên là Lý Điền Tường. Họ khai nhận Lý Điền Tường thuê họ với giá 100.000 đồng một can thuốc diệt cỏ từ khu vực mốc 146+500 về đến chợ Mường Khương.

Ngay lập tức, Đồn Biên phòng 241 đã triển khai lực lượng, bắt Lý Điền Tường ngay tại chợ Mường Khương. Tường sinh năm 1980, quốc tịch Trung Quốc, trú tại thị trấn Mộc Xưởng, huyện Mã Quan, tỉnh Vân Nam. Tường khai nhận, hồi 8 giờ sáng 1-1-2012, đã vận chuyển 3 can thuốc diệt cỏ trên qua khu vực mốc 146+500, sau đó thuê Xèng và Vảng vận chuyển xuống chợ Mường Khương để bán. Đồn 241 đã hoàn chỉnh hồ sơ, tịch thu 3 can dung dịch, xử lý hành chính hai người Việt Nam và trao trả Lý Điền Tường cho Trạm Công tác Biên phòng Tân Điếm (Trung Quốc). Trung tá Hà Minh Hải cho biết, Đồn 241 đã chuyển giao 3 can tang vật thu được cho Trạm BVTV huyện Mường Khương vì Biên phòng không có chức năng xử lý số thuốc diệt cỏ này.

Trước đó một năm, tại bãi đỗ phương tiện khu vực cửa khẩu Mường Khương, Đồn Biên phòng 241 cũng đã phát hiện, thu giữ 5 can nhựa chứa 150 lít dung dịch thuốc diệt cỏ do người Trung Quốc sản xuất nhưng không xác định được chủ sở hữu. Đồn Biên phòng 241 đã quyết định tịch thu tang vật, hoàn chỉnh hồ sơ và bàn giao cho Trạm BVTV huyện Mường Khương.

Với chiều dài gần 20 cây số đường biên, việc ngăn chặn những mặt hàng không rõ xuất xứ thẩm lậu qua biên giới không đơn giản. Không phải tự dưng hầu hết người dân đều có thể mua thuốc diệt cỏ tại khu vực xung quanh chợ Mường Khương. Nhưng điều khiến chúng tôi ngạc nhiên chính là số lượng thuốc diệt cỏ chưa tiêu hủy đang được tồn giữ trong kho của Trạm BVTV huyện Mường Khương.

Chưa tiêu hủy vì thiếu kinh phí

Khi theo chân ông Lê Thanh Hoa, Trạm trưởng Trạm BVTV Mường Khương đi vào kho tồn chứa các loại thuốc BVTV không rõ nguồn gốc, chúng tôi thực sự choáng phần vì quá nhiều, phần vì mùi khó chịu xộc thẳng vào mũi và sau đó mắt cay cay. Chỉ vào đống can, lọ, bao bì, hộp… ông Hoa nói: "Đấy anh xem, chỉ riêng chỗ hàng trong kho này của tôi đã khoảng 700 lít các loại, trong đó thuốc diệt cỏ là nhiều nhất. Chỗ hàng này anh em tịch thu từ các chợ trên địa bàn huyện như Mường Khương, Cao Sơn, Pha Long, Nùng Khấu Nhi".

Chỉ vào từng loại chai, ông Hoa nói: Loại đóng chai này là loại cháy nhanh, sáng phun chiều lá cỏ đã héo vàng, tên hoạt chất chính là Paraquat. Loại ở trong can là cháy chậm, sau khi phun khoảng 3 hoặc 4 ngày là cỏ chết cả gốc lẫn thân ngầm ở dưới đất, hoạt chất ghi trên bao bì là Glyfosats. Riêng loại diệt cỏ chọn lọc không ghi tên hoạt chất trên bao bì. Giá của loại thuốc cháy nhanh nhập lậu rẻ hơn một chút so với thuốc có nguồn gốc trong nước, loại cháy chậm thì hàng lậu giá chỉ bằng có một nửa. Còn riêng loại cháy chọn lọc thì giá ngang nhau. Giá rẻ lại diệt được tận gốc cỏ nên loại cháy chậm được người dân Mường Khương ưa dùng. Tuy nhiên, họ không biết rằng tử thần đang rình rập ở ngay dưới nương ngô.

Chi cục BVTV tỉnh Lào Cai đã lấy mẫu thuốc gửi đi phân tích. Kết quả là một loại thuốc diệt cỏ có hoạt chất Glyfosats (loại cháy chậm) với hàm lượng có trong thuốc Trung Quốc cao gấp 2,93 lần so với hàm lượng ghi trên bao bì. Chi cục BVTV tỉnh khẳng định, nếu người dân sử dụng các loại thuốc này tràn lan, không tuân thủ kỹ thuật thì sẽ ảnh hưởng xấu tới môi trường sinh thái, đe dọa sức khỏe cộng đồng và cũng làm giảm chất lượng nông sản dẫn đến khó tiêu thụ.

Đó là chưa kể đến những khó khăn không dễ tháo gỡ trong khâu tiêu hủy các loại thuốc BVTV này. Theo các nhà chuyên môn, hiện ở Việt Nam chỉ có 2 đơn vị có đủ công nghệ để tiêu hủy thuốc BVTV, một ở phía Bắc, một ở phía Nam. Riêng đối với loại thuốc diệt cỏ nếu đốt không đúng quy trình, không tuân thủ quy trình công nghệ sẽ sinh ra chất Dioxin (một loại chất có thể gây quái thai ở người và động vật). Ngoài ra, thủ tục để xin tiêu hủy từ huyện cũng không dễ: Phải lưu kho đủ số lượng, rồi làm tờ trình lên tỉnh, tỉnh sẽ xin kinh phí tiêu hủy, khi có kinh phí mới vận chuyển hàng về Hà Nội. Hiện nay, tổng số thuốc BVTV ngoài danh mục thu giữ, chờ tiêu hủy khoảng 3.000 lít. Và để tiêu hủy số hàng này, Chi cục BVTV Lào Cai vẫn đang chờ UBND tỉnh duyệt kinh phí.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiểm họa từ thuốc diệt cỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.