Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyện buồn ở Nhược Sơn

Trần thị Hoa| 27/08/2012 06:24

(HNM) - Rất háo hức với lời rủ của một cô bạn trẻ mới quen có dự án:


Đền Nhược Sơn trên website của UBND huyện Văn Yên.

Trong chuyến đi một ngày ở đó, tôi được đưa đến một ngôi đền để thắp nhang. Ngôi đền nằm cheo leo cạnh bờ sông với cây đa mấy trăm tuổi. Lúc tôi đứng đó cứ tưởng chừng nó sắp bị cuốn trôi nếu chẳng may có thêm một cơn lũ tràn về trong khi công trình làm kè chưa xong. Có lẽ ai cũng thế thôi, đã đến một nơi mà không hiểu gì về nơi đó thì thật đáng buồn! Lúc chúng tôi đến thì có một cụ già ở tuổi sắp tám mươi chống gậy vừa đến mở cửa đền. Tôi nhìn quanh, rồi vào trong chẳng tìm ra tên đền là gì, thờ ai, nên hỏi cụ thì cụ trả lời không rõ ràng mà chỉ nói đến chuyện Nhà nước đầu tư mấy chục tỷ xây đền và mấy chục tỷ làm kè… Với tôi, những gì cụ cung cấp không phải là thông tin tôi muốn hiểu. Về nhà trọ của một giáo viên cấp I thì tôi mới thỏa mãn những điều muốn biết như ngôi đền tên gì, thờ ai và hiện nay Nhà nước đang làm kè chính là để bảo vệ cây đa. Khi tôi đã về Hà Nội, để củng cố chính xác thông tin mà cô giáo đã kể, tôi lên mạng và đã trích ra từ “Lịch sử văn hóa” trên website của UBND huyện Văn Yên: “… cùng với những truyền thống lịch sử, Văn Yên có đền Nhược Sơn thuộc xã Châu Quế Hạ, Di tích lịch sử cấp quốc gia thờ dũng tướng Hà Khắc Trương trong cuộc chiến chống giặc Nguyên - Mông vào thế kỷ XIII - XIV”. Nhưng theo cô giáo thì vị tướng tên là Chương. Từ đó, trong tôi đặt ra các câu hỏi: Đền được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia mà tại sao lại hoang phế và hiu quạnh thế? Đền đã xây dựng được mươi năm rồi mà không có tấm bia hay tấm biển để giới thiệu tên đền và tóm tắt lịch sử? Lối vào đền gập ghềnh, sạt lở, ngoài đền vắng tanh, sân đền rêu mọc từng cụm, lá rụng đầy kèm các túi rác đựng thức ăn nhanh, có một lu nhỏ chứa nước nhưng khô khốc, trên gốc cây đa mọc đầy cỏ dại, bên trong đền thiếu không khí nghiêm trang. Tôi chưa tìm ra tài liệu lịch sử nói về vị tướng này vì qua Google và Wikipedia Việt Nam không có. Nhìn thực trạng của đền khiến tôi chợt nghĩ: Phải chăng khi các cơ quan chức năng phê duyệt một dự án di tích lịch sử cấp quốc gia mà đã không dự báo, tính toán kỹ lưỡng những yếu tố ổn định của nó để rồi phải chi phí thêm một khoản tiền lớn cho việc làm kè để bảo vệ cây đa? Và có lẽ vì thế mà chính quyền sở tại đã nhanh chóng lãng quên di tích lịch sử cấp quốc gia, mà lẽ ra đã công nhận nó ở cấp cao nhất như thế thì không được bỏ mặc việc giám sát, chăm sóc như hiện nay?

Tôi cho rằng, lẽ ra với một di tích lịch sử cấp quốc gia như đền Nhược Sơn này thì dân chúng của cả nước sẽ phải biết đến và nhất là các cháu học sinh cấp I, II đã và sẽ được tham quan. Nhưng thử làm một cuộc khảo sát sẽ thấy được tỷ lệ học sinh, người dân biết đến đền thờ dũng tướng Hà Khắc Chương là bao nhiêu. Thêm nữa, với thực trạng hạ tầng đường sá như vậy thì dẫu cho có nhiều người biết đi nữa thì chẳng mấy ai đến được và nếu có đến thì chắc chắn họ sẽ không thể học hỏi, khắc ghi được gì ở đó bởi vì thiếu những điểm mấu chốt của một di tích lịch sử về cả hình hài lẫn nội dung, thậm chí một yêu cầu rất đơn giản cũng thiếu nốt đó là việc giới thiệu về ngôi đền. Dứt khoát có nhiều người với cảm giác xót xa giống tôi, nếu họ đã hoặc sẽ thấy đền Nhược Sơn hôm nay! Buồn thay là sự việc đã rồi, không còn gì để cứu vãn tình trạng lãng phí một khoản tiền từ mồ hôi nước mắt của dân như thế!

2. Ngoài câu chuyện về đền Nhược Sơn trên đây, tôi đã học và ghi nhận được nhiều điều qua câu chuyện trong bữa cơm đạm bạc mà rất thân tình với những con người “làm thật ăn thật”, đó là bà hiệu trưởng của trường tiểu học, vài giáo viên và một cán bộ y tế xã thâm niên, mà tất cả là người dân tộc Dao. Họ thật là giỏi! Tôi vô cùng cảm phục họ! Qua họ, tôi hiểu rằng có những nhu cầu cơ bản khác không thể thiếu về giáo dục và y tế mà không thể bỏ qua. Hơn thế, chúng ta dạy học sinh qua sách vở và trên các phương tiện truyền thông đại chúng cách ăn ở, vệ sinh môi trường, nhưng chính những nơi làm nhiệm vụ đó là các cơ sở giáo dục và y tế thì lại không có công cụ để làm. Tôi cho rằng, để đáp ứng những nhu cầu đó không đòi hỏi thêm kinh phí của Nhà nước, điều quan trọng là biết cách phân bổ các hạng mục đầu tư hợp lí mà thôi. Chẳng hạn những công trình xây dựng trường học và các cơ sở y tế cấp xã, huyện thì việc tính toán thu nhỏ, giảm một số hạng mục khác đi sẽ thừa sức để có một khoản nhỏ kinh phí cho việc thiết lập đường dẫn nước, làm hệ thống các vòi và chậu rửa tay cho học sinh và cho nhân viên, cũng như cho người bệnh.

Một điểm khác cũng không thể bỏ qua là thiếu trầm trọng các phương tiện dạy học và thực hành hướng nghiệp. Các tỉnh xa trung tâm như Yên Bái chẳng hạn thì đại bộ phận dân chúng cần tới việc dạy hướng nghiệp từ cấp tiểu học, trung học phổ thông, trong khi đó thì hầu hết các trường quả thật rất thiếu các phòng thí nghiệm, thực hành. Điểm cuối cùng nhưng không phải là thứ yếu đó là nâng cao năng lực cho giáo viên và cán bộ y tế cơ sở. Tôi cho rằng mọi người không nên đưa ra lí do vì thiếu kinh phí... Chúng ta vẫn có thể thực hiện được các nhu cầu tối cần thiết này bằng cách cân đối kinh phí trong đầu tư xây dựng cơ sở hoặc mua sắm thiết bị y tế để chi cho đào tạo nhân lực, đầu tư phòng thí nghiệm và xem đó là những ưu tiên hàng đầu. Một khi học sinh, cán bộ được đào tạo bài bản họ sẽ hiểu năng lực để chọn nghề thích hợp, hiểu được làm gì, làm như thế nào và xoay xở được mọi tình thế tốt nhất trong việc dạy học hoặc chữa bệnh cho dân. Trường học hoặc y tế trong phần lớn các vùng miền của nước ta chưa đòi hỏi sang trọng, thiết bị cao cấp, thay vào đó là cần có một đội ngũ giáo viên, cán bộ y tế được trang bị kiến thức và kinh nghiệm cơ bản. Rất nhiều cơ sở y tế và giáo dục ở nhiều vùng nông thôn, miền núi của Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ, Nepal… đã làm rất tốt việc này, trong khi các cơ sở chưa được bê tông hóa và hiện đại hóa, thậm chí nhiều nơi vẫn chỉ làm bằng gianh tre nhưng bên trong có đủ các phương tiện dạy học hoặc thiết bị y tế thiết yếu, cộng với đội ngũ cán bộ y tế, giáo viên có kinh nghiệm và giàu lòng yêu nghề.

Thực tế cho thấy không ít người có trách nhiệm nghĩ cao hiểu rộng, nhưng lại thiếu tinh thần chịu trách nhiệm với dân, không chịu tìm tòi suy ngẫm và biến tư duy thành hành động. Một nguyên nhân sâu xa có lẽ do không ít trong số họ, những công bộc của dân lại chưa quan tâm đúng mức, sâu sát tới dân, chưa tìm hiểu, lắng nghe dân cần gì và muốn gì. Và đó cũng là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc nhiều chương trình, dự án chúng ta ưu tiên đầu tư cho vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc bị lãng phí, không có hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyện buồn ở Nhược Sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.