Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không dễ hoàn thành chỉ tiêu

Thùy An| 23/10/2011 08:30

(HNM) - Chiếc HCĐ Giải vô địch thế giới của Phan Thị Hà Thanh thực sự là động lực cho đội tuyển Thể dục dụng cụ (TDDC) nữ Việt Nam bước vào SEA Games 26. Nhưng nỗi lo vẫn còn đó vì lâu lắm rồi, TDDC nữ Việt Nam mới dự giải với lực lượng mỏng đến nỗi không đủ số người để tham dự nội dung đồng đội.

Mục tiêu vươn cao

Trước năm 1997, TDDC Việt Nam chưa giành nổi tấm HCV nào tại SEA Games. Lúc ấy, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, lực lượng VĐV mỏng khiến TDDC nữ lẫn TDDC Việt Nam nói chung khó vươn xa. Nhưng sự chịu khó, chịu khổ của các HLV, VĐV TDDC trong những năm đó đã khiến các nhà quản lý tự tin rằng rồi có một ngày TDDC Việt Nam, nhất là TDDC nữ  khẳng định được mình ở đấu trường SEA Games.

Phan Thị Hà Thanh, niềm hy vọng vàng của Đội tuyển TDDC Việt Nam tại SEA Games26.


Thế nên, trước SEA Games 19 năm 1997 ở Indonesia, các nhà quản lý bộ môn cũng như Vụ Thể thao thành tích cao (lúc đó thuộc Ủy ban TDTT) đã đề ra mục tiêu đoạt HCV. Ít ai tin rằng TDDC Việt Nam có thể hoàn thành được mục tiêu đó nếu nhìn vào điều kiện lúc ấy. Nhưng rồi, mục tiêu đó đã được hoàn thành ngoạn mục. Ở bài thi cầu thăng bằng, dù không giành điểm số cao nhưng cô gái Hải Phòng Nguyễn Thị Nga vẫn bước lên bục cao nhất. Chính chiếc HCV đó là động lực để một số địa phương trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tự tin gây dựng lực lượng chuẩn bị cho SEA Games 22, sẽ diễn ra sau đó 5 năm tại Việt Nam. Cuối cùng, màn trình diễn đầy thuyết phục của dàn VĐV TDDC Việt Nam tại SEA Games 22 với sự chói sáng của "Búp bê" Đỗ Thị Ngân Thương đã đưa TDDC lên một vị thế khác ở khu vực Đông Nam Á. Những kỳ SEA Games sau đó, việc TDDC Việt Nam đoạt HCV SEA Games như lẽ đương nhiên.

Từ việc khẳng định được vị thế ở SEA Games TDDC Việt Nam hướng đến những mục tiêu cao hơn, xa hơn như châu Á, thế giới. Sự đầu tư cho TDDC cũng tốt hơn nhiều dù chưa phải ở mức lý tưởng. Nhờ vậy,  Ngân Thương, Phan Thị Hà Thanh mới dần có chỗ đứng trong làng TDDC thế giới. Những năm qua tin vui liên tiếp dội về và gần nhất là chiếc HCĐ Giải vô địch thế giới cùng một suất tham dự Olympic 2012 dành cho Phan Thị Hà Thanh. Thành tích của Hà Thanh rõ ràng sẽ khiến đội TDDC nữ tự tin bước vào SEA Games 26 để có thể đạt mục tiêu giành 2-3 HCV.

Và nỗi lo lực lượng

Nhưng cơ hội giành HCV của TDDC nữ Việt Nam có lẽ lại chỉ dành cho Phan Thị Hà Thanh. Hai đồng đội khác của chị là Đỗ Thị Ngân Thương và Đỗ Thị Thu Huyền đều có những bất lợi riêng. Đỗ Thị Thu Huyền còn quá trẻ nên chỉ đặt mục tiêu học hỏi là chính trong lúc Đỗ Thị Ngân Thương lại đã qua thời đỉnh cao phong độ. Thực ra Đỗ Thị Ngân Thương không dự SEA Games kỳ này. Cô gái Hà Nội này đã chuyển sang học ĐH TDTT để chuẩn bị cho sự nghiệp HLV. Thế nhưng khi đội tuyển quá thiếu VĐV có thể tranh tài tại SEA Games 26, Ngân Thương đã được mời trở lại để chia sẻ gánh nặng huy chương cho Hà Thanh cũng như Thu Huyền. Đã nghỉ tập cường độ cao cả năm trời nên khó có thể đoán định Ngân Thương sẽ thi đấu ra sao tại SEA Games 26 dù cô từng thể hiện khả năng chuyên môn cực tốt ở những kỳ trước. Trong TDDC, VĐV nghỉ tập một tháng đã là cả vấn đề lớn huống hồ là cả năm. Vì vậy, các HLV cũng không dám chắc về cơ hội giành huy chương của Ngân Thương. Họ chỉ hy vọng, kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao cùng năng khiếu trời cho sẽ giúp Ngân Thương hoàn thành nhiệm vụ.

Điều này cũng chỉ ra một khó khăn hiện thời cho TDDC Việt Nam, nhất là TDDC nữ. HLV đội tuyển quốc gia Bùi Thị Giang không giấu nổi sự lo lắng về tuyến VĐV kế thừa khi nhận định "sự chênh lệch giữa lớp VĐV như Hà Thanh, Ngân Thương với phần còn lại là rất lớn". Phía sau họ là khoảng trống lớn. Nhưng ở tầm đội tuyển quốc gia, các HLV không thể giải quyết được vấn đề. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào định hướng phát triển môn TDDC của các địa phương, ngành. Hiện tại, chỉ có rất ít đơn vị phát triển TDDC dù đây là môn thi đấu không thể thiếu tại Olympic hay ASIAD. Đơn giản đây là môn đòi hỏi phải đào tạo công phu từ lúc VĐV còn nhỏ tuổi, phải chịu khó, chịu khổ và kiên nhẫn. Không kể chuyện, trong lịch sử thể thao Việt Nam, chưa từng có tiền lệ VĐV TDDC được đãi ngộ tốt từ chế độ lương, thưởng nên ít gia đình muốn cho con theo tập.

Những khó khăn ấy đã ảnh hưởng đến lực lượng tham dự SEA Games 26 của TDDC nữ Việt Nam (chỉ có 3 VĐV thay vì 6 VĐV để được dự nội dung đồng đội) và sẽ còn kéo dài trong một thời gian không ngắn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không dễ hoàn thành chỉ tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.