Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sức mạnh của lòng yêu nước chân chính

Hoàng Thu Vân| 16/07/2012 06:12

(HNM) - Từ đầu tháng 7-2012 tới nay, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố lớn trong cả nước, một số trang mạng xã hội đã đưa ra lời kêu gọi người dân tham gia tuần hành, biểu tình phản đối việc Trung Quốc công bố mời thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa của Việt Nam; đồng thời ủng hộ Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-6-2012.



Về các cuộc biểu tình, mới nhìn có vẻ như đó là một cách thể hiện lòng yêu nước. Thế nhưng, thể hiện lòng yêu nước mà lại la lối đòi đất, phê phán chính quyền, kích động hằn thù dân tộc, gây rối trật tự công cộng? Bởi vậy, đây không đơn giản là việc biểu lộ lòng yêu nước như người ta vẫn lớn tiếng. Những người kêu gọi, kích động và năng nổ tham gia các hoạt động tuần hành, biểu tình là ai? Đằng sau vấn đề này còn có những mưu đồ chính trị gì khác?
* *
*
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của ta". Bằng tinh thần yêu nước, hàng nghìn năm qua, dân tộc Việt Nam đã vượt qua những chặng đường đầy máu và nước mắt để giành độc lập và bảo vệ chủ quyền đất nước. Bất luận trong hoàn cảnh nào, lòng yêu nước luôn là nền tảng để chúng ta xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, lòng yêu nước của người dân đất Việt đã thực sự là một mạch ngầm đầy năng lượng, luôn chảy xuyên suốt trong lịch sử dân tộc Việt Nam thể hiện qua quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước. Có thể dẫn chứng rất nhiều ví dụ cụ thể về lòng yêu nước. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư chép: Vua thấy Hoài Văn Hầu Quốc Toản, Hoài Nhân Vương Kiện đều còn trẻ tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn kích, tay cầm quả cam, bóp nát lúc nào không biết. Sau đó Quốc Toản lui về, huy động hơn nghìn gia nô và thân thuộc, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ "Phá cường địch, báo hoàng ân" (phá giặc mạnh, báo ơn vua) và xin ra trận giết giặc. Để làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu không chỉ có công lao to lớn của những người lính bộ đội Cụ Hồ vào sinh ra tử mà còn có đóng góp của lớp lớp bà con nông dân "chân chỉ hạt bột", âm thầm tham gia dân công hỏa tuyến, vượt mưa bom, bão đạn tải lương thực, vũ khí, trang thiết bị vào mặt trận. Hoặc trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cùng với các đoàn quân xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước là đội quân tóc dài của miền Nam khiến địch phải kinh hồn bạt vía, là những vùng quê của hậu phương miền Bắc miệt mài công việc ruộng đồng, thắt lưng buộc bụng đóng góp cho chiến trường "thóc không thiếu một cân"… Tóm lại, hàng chục triệu người Việt Nam bình dị, với những hành động, cách thức thể hiện khác nhau, tùy theo điều kiện, hoàn cảnh và công việc của mình đã chuyển hóa lòng yêu nước thành những giá trị cụ thể, tạo nên sức mạnh cộng hưởng của dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc phù hợp với từng giai đoạn và thời điểm lịch sử.

Với cách nhìn như vậy thì hoạt động tuần hành, biểu tình trong thời gian vừa qua cũng là một trong nhiều cách thức thể hiện lòng yêu nước. Trên thực tế cũng có một bộ phận người dân chân chính tham gia vào các hoạt động này với mong muốn thể hiện tình cảm, thái độ của mình đối với chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Tuy nhiên, có thể dễ dàng nhận thấy những người "năng nổ" nhất trong việc kích động, kêu gọi và trực tiếp tham gia tuần hành, biểu tình đều là những nhân vật "có vấn đề" và "có thâm niên" đối với hoạt động này trong thời gian qua. Lý do họ luôn "hăng hái xuống đường" mỗi khi xuất hiện một lý do nào đó là để gây thanh thế, "đánh bóng" danh tiếng và có những động cơ riêng. Nhiều người trong số đó hoặc bất mãn chế độ, hoặc đã từng bị xử lý vì có những hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí công khai đả kích, tuyên truyền chống chế độ, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cá biệt có cả những người thuộc dạng "không bình thường" về tư duy, nhận thức… Không khó khăn lắm để "trích ngang" lý lịch cá nhân của những nhân vật này khi họ luôn được một số trang mạng xã hội trong và ngoài nước tung hô, ca ngợi. Với những con người đó, "lòng yêu nước" như một thứ đồ trang sức xa xỉ để họ lợi dụng trưng diện, làm sang, phục vụ cho những động cơ cá nhân… Vì vậy thật dễ hiểu khi họ luôn cho rằng, chỉ có những người tham gia biểu tình, tuần hành là những người có lòng yêu nước. Và trong thực tế, trên các trang mạng họ đã chửi rủa những người không xuống đường giống họ là hèn, là phản bội Tổ quốc. Với cách lập luận lệch lạc như họ thì hóa ra trên 80 triệu người dân Việt Nam và mấy triệu Việt kiều không xuống đường biểu tình cùng họ là không yêu nước? Sự ngộ nhận đến trâng tráo, thậm chí có người gọi là "bệnh", khiến cho nhiều người dân chân chính bị lôi kéo tham gia vào các hoạt động này đã nhanh chóng nhận ra bản chất vấn đề.

Bên cạnh đó, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi một số đối tượng bị kích động, lôi kéo, tập hợp tham gia các hoạt động này là bà con đang có bức xúc trong việc thu hồi đất, đền bù giải phóng mặt bằng. Tuần hành, biểu tình phản đối Trung Quốc chỉ là hình thức bên ngoài, còn sâu xa bên trong là tạo ra những hoạt động tập hợp lực lượng chống phá chế độ, gây mất ổn định về đời sống chính trị. Chính vì vậy, có thể thấy một "trận địa" được bày đặt, sắp xếp khá công phu, bài bản. Điều đó thể hiện qua việc kêu gọi, đưa ra thời gian, lộ trình… đến chuyện tường thuật, mô tả chi tiết, tổ chức phỏng vấn (những nhân vật "đầu tàu"), bịa đặt, vu cáo cơ quan công quyền như bắt bớ, đánh đập, đàn áp những người tham gia, tổ chức comment phản hồi theo kiểu "tung hứng"… hướng dần mục đích biểu tình sang phản đối chế độ, lấy chuyện yêu nước để đả kích, bôi xấu chính quyền, công an… Phụ họa với các loại thông tin này, một số cơ quan truyền thông cùng các diễn đàn thù địch ở hải ngoại đều cố đua nhau đưa tin kiểu thêm bớt và kèm theo là "phân tích, đánh giá" mang màu sắc kích động chống phá chế độ ta.

Có thể thấy, trong tình hình mới, giữa những quan hệ và biến cố phức tạp của bối cảnh thế giới, chúng ta không ngừng đẩy mạnh công cuộc xây dựng Tổ quốc nhưng cũng không thể lơi là nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Vì vậy, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là hai nhiệm vụ chiến lược hàng đầu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Song, ở vào thời điểm hiện tại, tư duy mới về bảo vệ Tổ quốc đã đưa tới cách tiếp cận mới về bảo vệ Tổ quốc. Đó là kết quả tổng hòa của các yếu tố từ chính trị, kinh tế tới văn hóa, ngoại giao… Chỉ có như vậy mới có thể tạo nên sức mạnh về vật chất, tinh thần để toàn dân tộc có thể đương đầu với mọi thách thức. Điều đó đòi hỏi sự uyển chuyển trong vận dụng, vừa khôn khéo vừa cứng rắn, kiên quyết nhưng phải mềm dẻo, linh hoạt trên nguyên tắc bất di bất dịch là giữ toàn vẹn chủ quyền. Đây cũng là kinh nghiệm ứng xử của cha ông ta hàng nghìn năm qua trong quá trình bảo vệ đất nước.

Trong xu thế hòa bình và phát triển hiện nay, có những vấn đề cần vận dụng theo quan điểm: Chiến lược thắng lợi trọn vẹn

là không cần đánh mà khuất phục được kẻ địch; thận trọng đối với chiến tranh và hạn chế chiến tranh; áp dụng các biện pháp ngoại giao, chú trọng liên minh chiến lược… Trong lịch sử, chúng ta cũng đã có những vận dụng sáng tạo quan điểm nêu trên ở vào từng hoàn cảnh cụ thể và rất thành công.
* *
*
Một đất nước không thể mạnh lên nếu chúng ta không thuận theo xu thế của thời đại. Ở vào những thời điểm đầy thách thức, mỗi người dân cần thể hiện lòng yêu nước của mình bằng những công việc, hành động cụ thể nhằm góp phần xây dựng quốc gia hưng thịnh. Muốn vậy phải phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc để hơn 80 triệu người Việt Nam chung sức đồng lòng, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tận dụng thời cơ phát triển kinh tế đất nước, đồng thời tỉnh táo, linh hoạt nhưng kiên quyết gìn giữ toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc trên cơ sở những bằng chứng lịch sử, pháp lý, phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng ta cũng không cho phép bất cứ cá nhân, thế lực nào lợi dụng để hành động đi ngược lại với lợi ích của dân tộc, lợi ích của đất nước, phá hoại những thành quả cách mạng đã được các thế hệ cha ông dày công vun đắp bằng cả mồ hôi và xương máu.

Đó chính là lòng yêu nước chân chính của những con Lạc cháu Hồng. Và sự ổn định, thanh bình của Thủ đô nói riêng cũng như cả nước nói chung chính là điều kiện không thể thiếu để lòng yêu nước của từng con người phát huy cao độ trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sức mạnh của lòng yêu nước chân chính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.