Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khủng hoảng chính trị tại Syria: Cuộc hòa giải khó khăn

Trung Hiếu| 27/03/2012 06:51

(HNM) - Đó là gánh nặng đang dồn lên vai Đặc phái viên Liên hợp quốc và Liên đoàn Arab (AL) về tình hình Syria, cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan.

Không phải ngẫu nhiên, ngày 25-3, trong cuộc gặp với ông K.Annan tại sân bay Vnukovo-2 trước khi lên đường tới Seoul (Hàn Quốc) dự Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân, Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã nêu rõ, đây có thể là cơ hội cuối cùng của Syria để tránh một cuộc nội chiến đẫm máu và quy mô lớn hơn. Thực tế, những gì diễn ra trong hơn 1 năm qua tại nước này đã dấy lên hồi chuông báo động. Đến nay, theo số liệu chưa chính thức, khoảng 9.100 người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột tại Syria. Nhưng tình hình hiện nay chưa thấy có dấu hiệu hạ nhiệt.

Xung đột, bạo lực đang đẩy nền kinh tế Syria xuống dốc.


Xung đột vẫn diễn ra ác liệt tại thành phố điểm nóng Homs và Hama. Chỉ riêng trong ngày 24-3, bạo lực đã làm ít nhất 24 dân thường, 15 binh lính và 2 tay súng thiệt mạng. Trong khi quân đội của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad liên tục vây hãm, tìm và diệt các phần tử chống đối thì ở phía bên kia, phe đối lập cũng lập nhiều toan tính. Ngày 24-3, người đứng đầu lực lượng nổi dậy quân đội Syria tự do, Đại tá Riad Al-Asaad thông báo thành lập hội đồng quân sự mới. Trong đó tập hợp tất cả các thủ lĩnh quân nổi dậy, nhân vật đào ngũ cấp cao nhất của quân đội Syria, Tướng Mustafa Al-Sheikh. Cùng thời gian này, Hội đồng Dân tộc Syria (SNC), tổ chức đối lập chính ở Syria, đã mời các phe phái phản đối chế độ của ông Bashar Al-Assad nhóm họp tại Thổ Nhĩ Kỳ để vạch ra mục tiêu chung trước cuộc trấn áp phe đối lập của nhà cầm quyền đương nhiệm. Sự kiện này diễn ra ngay trước thềm hội nghị "Những người bạn của Syria" lần thứ hai, dự kiến vào ngày 1-4, tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) do các nước phương Tây tổ chức. Đây là bước đi của phe đối lập tại Syria nhằm tranh thủ hơn nữa sự ủng hộ của Mỹ và đồng minh trong cuộc nổi dậy tại nước này.

Thực tế, phe đối lập ít nhiều đã đạt được những gì họ mong muốn. Mới đây nhất, ngày 25-3, trong cuộc hội đàm tại Seoul, trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh an ninh hạt nhân, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhất trí về cấp viện trợ "phi sát thương" cho quân nổi dậy ở Syria; trong đó có trang thiết bị thông tin liên lạc. Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí "cần có tiến trình" chuyển tiếp sang một "chính phủ hợp pháp" tại quốc gia Trung Đông này. Trước đó, ngày 23-3, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (UNHRC) đã thông qua nghị quyết do Đan Mạch đại diện cho Liên minh Châu Âu (EU) đề xuất, lên án điều mà họ gọi là "xung đột leo thang" và vi phạm tràn lan của các lực lượng Syria; đồng thời mở rộng sứ mệnh của các điều tra viên đang lập danh sách một loạt các tội ác chống lại loài người, kể cả tội hành quyết và tra tấn...

Trong bối cảnh hiện nay tại Syria, trở ngại với Đặc phái viên K.Annan là không nhỏ. Theo kế hoạch hòa bình do ông K.Annan đề xuất và được Tuyên bố của Chủ tịch Hội đồng Bảo an ủng hộ thì các bên ở Syria phải chấm dứt bạo lực ngay lập tức, cho phép triển khai các hoạt động cứu trợ nhân đạo, phóng thích những người bị giam giữ liên quan tới các vụ biểu tình và rút lực lượng an ninh khỏi các thành phố điểm nóng. Thế nhưng, trong bức thư gửi ông K.Annan, Damascus một mặt bày tỏ "mong muốn chấm dứt bạo lực" nhưng cũng yêu cầu các nhóm đối lập có vũ trang hạ vũ khí trước. Tuy nhiên, đây được cho là đòi hỏi khá xa so với yêu cầu của Mỹ và Châu Âu rằng, các lực lượng Syria phải ngừng giao chiến trước. Do đó, có thể hiểu được thách thức mà Đặc phái viên K.Annan đang phải đối mặt.

Dẫu vậy, hy vọng chưa phải là đã hết. Cùng với nỗ lực của ông K.Annan, còn có sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc - hai quốc gia đã hai lần sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm phản đối các nghị quyết lên án chính quyền của Tổng thống Bashar Al-Assad. Thậm chí, Nga nhiều lần hối thúc tất cả các bên lập tức ngừng bắn và mở cuộc đối thoại chính trị toàn quốc mà không có sự can thiệp của nước ngoài. Dư luận hy vọng, sau chuyến thăm Trung Quốc (ngày 27, 28-3), nỗ lực của Đặc phái viên K.Annan sẽ tạo đà cho tiến trình hòa giải, chấm dứt xung đột và giao tranh, cho phép viện trợ nhân đạo cũng như bắt đầu các bước đi chính trị mới tại Syria.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khủng hoảng chính trị tại Syria: Cuộc hòa giải khó khăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.