Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2011: Tỉ lệ “chọi” cao có đáng sợ?

Quỳnh Phạm| 31/05/2011 07:36

(HNM) - Dẫu không có mấy thí sinh cho rằng tỉ lệ

Năm nay Trường Đại học Công nghiệp hà Nội có lượng hồ sơ và ti lệ chọi cao vượt trội. Ảnh: Phương An



"Chọi" ít vẫn khó đỗ

Trên thực tế, khi nhìn vào một tỉ lệ "chọi" cao, người ta thường đánh giá rằng ngành hoặc trường đó đang "hot", hút nhiều hồ sơ. Độ nóng này có thể do sự hấp dẫn của ngành học, do ngành đó có triển vọng việc làm cao, hay là dễ đậu vì điểm chuẩn nhiều năm thấp. Song các chuyên gia vẫn khuyên rằng thí sinh (TS) nên cẩn trọng với tỉ lệ "chọi", chỉ nên coi là thông tin tham khảo chứ không phải là cơ sở cho việc chọn ngành, chọn trường.

Dù mang một ý nghĩa nhất định song TS sẽ rất dễ bị "hớ" với quan niệm tỉ lệ "chọi" cao là khó trúng tuyển, thấp là dễ trúng. Điều đáng lưu ý hơn cả là phải xác định được mối tương quan giữa sức học của TS với mức điểm trúng tuyển của trường đó. Một ví dụ điển hình của trường có tỉ lệ "chọi" không cao trong nhiều năm nhưng lại khó trúng tuyển là ĐH Ngoại thương. Năm nay, tại cơ sở Hà Nội của trường nhận được 8.700, tăng 200 hồ sơ so với năm 2010. Như vậy, với chỉ tiêu là 3.400, tỉ lệ "chọi" của ĐH Ngoại thương cơ sở phía Bắc là 1/3,56 (năm 2010 tỉ lệ này là 1/2,8). Các TS đăng ký dự thi vào trường hầu hết đều có học lực rất tốt. Bởi đầu vào "ít mà tinh" nên điểm trúng tuyển của trường luôn ở hàng top, chỉ những em có điểm thi xuất sắc mới có chỗ trong ngôi trường được mệnh danh là "Harvard của Việt Nam" này. Điểm vào trường thấp nhất năm 2010 là 22 điểm, ngành Kinh tế đối ngoại (thi khối A) có điểm chuẩn là 26. Năm nay, với 24.343 hồ sơ và 4.000 chỉ tiêu, tỉ lệ "chọi" vào Trường ĐH Kinh tế Quốc dân là 1/6,085. Năm ngoái, tỉ lệ "chọi" trường này là 1/5. Còn Học viện Ngân hàng có 14.000 hồ sơ, tính theo khối, tỉ lệ "chọi" khối A là 1/5,7, khối D là 1/10. Năm ngoái, điểm chuẩn thấp nhất vào 2 trường này là 18-19 điểm, trong đó ngành Kiểm toán, thi khối A của Trường ĐH Kinh tế quốc dân lên tới 26 điểm.

"Chọi âm" vẫn không chắc đỗ

Trong khi đó, một trường cũng rất "nóng" khác là ĐH Công nghiệp Hà Nội có lượng hồ sơ và tỉ lệ chọi cao vượt trội lại có điểm chuẩn ở mức trung bình. Năm nay trường có 72.000 bộ hồ sơ với 8.700 chỉ tiêu, tỉ lệ chọi vào trường là 1/8,2, tăng so với tỉ lệ 1/6 của năm 2010. Tuy nhiên, điểm vào trường hằng năm thường chỉ từ 15 đến 18 điểm. Tương tự, Trường ĐH Nông nghiệp năm nay có tỉ lệ "chọi" 1/10 song các năm trước điểm vào trường chỉ nhỉnh hơn điểm sàn không đáng kể, ngành Công nghệ sinh học có điểm trúng tuyển cao nhất: 17 điểm (khối B). Nguyên nhân của thực tế này là bởi số TS dự thi thường thấp hơn rất nhiều so với số hồ sơ. Năm 2010, tỉ lệ thí sinh dự thi của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội là 75%, năm 2009 là 65%. Thí sinh vắng mặt có thể do nhiều lý do như trượt tốt nghiệp, chuyển nguyện vọng sau khi đã nộp hồ sơ vào 2-3 trường.

Năm nay, các chuyên gia tuyển sinh một mặt khuyên TS không nên quá lo lắng trước những trường có tỉ lệ "chọi" cao song cũng cảnh báo TS không nên chủ quan trước những tỉ lệ "chọi" thấp. Trong đó, khó lường nhất là các ngành có quá ít chỉ tiêu mà nhận được nhiều hồ sơ. Năm nay ngành Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Cần Thơ chỉ có 80 chỉ tiêu trong khi nhận được hơn 3.000 hồ sơ, nâng tỉ lệ "chọi" lên mức kỷ lục là 1/38. Bên cạnh đó có những ngành tỉ lệ chọi "âm", số hồ sơ ít hơn chỉ tiêu nhưng trên thực tế TS không phải cứ đủ điểm sàn là đậu. Đơn cử ngành Cử nhân song ngữ Nga - Anh của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh có tỉ lệ chọi là 1/0,2. Nhưng các năm trước đây trường không hạ điểm chuẩn mà thường chờ lấy nguyện vọng 2. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ hai năm nay tỉ lệ chọi chỉ khoảng 1/2,5 - 1/2,7 song điểm vào trường cũng ở mức khá cao, từ 16 đến 21 điểm. Lãnh đạo nhà trường khẳng định: Chúng tôi không quan tâm đến tỉ lệ "chọi", điều quan trọng là cần sinh viên giỏi.

Rất nhiều thông số có thể thay đổi, nhưng trên thực tế mức điểm trúng tuyển thường được giữ ổn định trong nhiều năm liền. Các chuyên gia khuyên TS hãy quan tâm tới thông số này và so sánh với học lực của mình. Điều quan trọng hơn, cần phải làm là TS nên chủ động ôn tập, chuẩn bị kỹ kiến thức và tâm thế bước vào kỳ thi, thay vì bị tỉ lệ "chọi" làm cho lạc hướng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2011: Tỉ lệ “chọi” cao có đáng sợ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.