Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vở kịch "Con vịt trời"

H.Đ| 01/01/2010 10:53

(HNMO) - Đây là một trong những vở kịch tiêu biểu và xuất sắc nhất trong các sáng tác của nhà viết kịch nổi tiếng người Na Uy - Henrik Ibsen. Ở đó, Ibsen đã đạt tới đỉnh cao nhất của thiên tài sáng tác dựa trên một hiện thực đã được quan sát tinh tế, một hiện thực đông đặc và dồi dào những chi tiết lôi cuốn kết hợp với một nghệ thuật dàn dựng tỉ mỉ.

(HNMO) - Đây là một trong những vở kịch tiêu biểu và xuất sắc nhất trong các sáng tác của nhà viết kịch nổi tiếng người Na Uy - Henrik Ibsen. Ở đó, Ibsen đã đạt tới đỉnh cao nhất của thiên tài sáng tác dựa trên một hiện thực đã được quan sát tinh tế, một hiện thực đông đặc và dồi dào những chi tiết lôi cuốn kết hợp với một nghệ thuật dàn dựng tỉ mỉ. 

Vở kịch “Con vịt trời” không phải là cuộc chiến đấu giữa cá nhân với xã hội như vở kịch “Nhà búp bê” nổi tiếng của ông, mà là cuộc chiến đấu trong chính nội tâm của con người. Nó không kết thúc bằng sự chiến thắng của cá nhân dũng cảm và thành thực, mà kết thúc là sự thất bại thảm hại của nhân vật chính và cái chết oan uổng của một đứa trẻ thơ.

Gia đình Êkđal đang sống yên ổn mặc dù nghèo khổ về vật chất và hèn mọn về tinh thần thì bỗng đâu dẫn đến một anh chàng Grêgoa lý tưởng chủ nghĩa, mách bảo chân lý cho họ. Cái chân lý ấy chính là một sự thật nghiệt ngã rằng trung uý Êkđal trước kia đi tù cũng là do Veclê đã hại. Bấy lâu nay những sự giúp đỡ về vật chất của Veclê với gia đình Êkđal chẳng qua chỉ là màn kịch. Gina - vợ của Hialmar chính là người đàn bà cũ của Veclê và Hêtvig con của Hialmar lại là con ruột của Veclê. Khi sự thật được tiết lộ thì gia đình Êkđal mới biết mình như những “con vịt trời” bị trúng đạn và rơi vào khủng hoảng.

Hialmar, nhân vật chính trong vở “Con vịt trời” là một con người không hoạt bát và cũng chẳng có gì hoa mỹ. Anh ta nằm ở trung tâm của một mối ảo tưởng thường xuyên, huênh hoang và vô vị, có tham vọng bắt mọi người phải đánh giá cao mình, những thành tựu tương lai của mình, để anh ta tiện bề lười nhác. Khi đối mặt với một sự thật lớn lao trong đời, Hialmarkhông bước tới chân lý mà lại đòi bỏ đi, nhưng hắn chẳng biết đi đâu bởi bản chất quá nhu nhược, hèn yếu. Hắn gạt bỏ chân lý và khiếp nhược, lại vùi thân vào hư tưởng, nó trở thành một nhu cầu thiết yếu sinh tồn đối với Hialmar.

Bi kịch đã xảy ra với Hêtvig, một cô béngây thơ, trong sáng và rất đáng yêu đã chứng kiến những bất hòa trong cái gia đình mà cô rất mực yêu thương hơn cả bản thân mình, cô đã dùng súng bắn chết con vịt trời nhằm cứu vãn gia đình nhưng cuối cùng lại bắn phải chính mình.

Những con người trong gia đình Êkđal và cả cái môi trường xung quanhnhư bác sĩ Rellinh, như nhà tâm lý Molvik…dường như đã sa chân xuống một ao tù nhiễm độc, mắc chứng bệnh âm ỉ và lặn xuống để chết trong sự âm thầm. Họ giống như “con vịt trời”, bị dính một viên đạn ghém là chìm nghỉm xuống đáy biển và không ngoi lên, an phận với cuộc sống của nó, không có tinh thần và ở lâu trong nhà thì quên mất đời sống tự do…

Nên giả dối hay nên thành thực? Nên che đậy sự thật hay nên mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật? Con người ấy có đáng để biết đến chân lý hay không? Họ liệu có chịu đựng nổi sự thật, chịu đựng nổi chân lý? Hay ta nên ru ngủ họ, nên lừa phỉnh họ? Đó là điều trăn trở, là cái tư tưởng muốn toát ra từ vở kịch “Con vịt trời”. Ibsen đã thẳng tay vạch ra những tiêu cực trong xã hội đương thời. Ông phê phán, tố cáo cái xã hội ấy với đầy những mâu thuẫn, thối nát, những tiêu cực, giả dối đã làm yếu hèn, làm mê muội con người, ru ngủ họ bằng những ảo tưởng còn tồn tại trong tư duy của những cá nhân thuộc giai đoạn lịch sử ấy. Ibsen đã ca ngợi sự trung thực, đề cao sự chân thực tuyệt đối. Mặc dù cũng vì sự trung thực trong cách nghĩ ấy mà Ibsen không tìm được con đường có thiên hướng tích cực cho tương lai, nên đã giải quyết để Hêtvig chết và những người trong gia đình Hêtvig sẽ phải trả giá cho những tháng ngày còn lại của cuộc đời bằng nỗi ân hận, giày vò vì chính những lỗi lầm mà mình đã gây ra.

Quan tâm tới sự thành công đối với nhiều vở kịch của tác giả Henrik Ibsen được dàn dựng trên sân khấu Việt Nam, lần này Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội lại tin tưởng và tài trợ cho Nhà hát kịch Việt Nam tiếp tục dựng vở “Con vịt trời” của Ibsen. Một lần nữa, tác phẩm kịch kinh điển “Con vịt trời” lừng lẫy thế giới lại được vang lên trên sân khấu Thủ đô.

Tác giả: Henrik Ibsen

Đạo diễn: NSND Lê Hùng

Họa sĩ: NSND Phùng Huy Bính

Cố vấn văn học kịch : PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái

Biên tập kịch bản: Trương Nhuận

Biên tập âm nhạc: Lê Tiến

Phụ trách sản xuất chương trình: PGĐ Trần Thị Tố Trinh

Với sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ Nhà hát kịch Việt Nam.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Vở kịch "Con vịt trời"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.