Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gặp lại các thiếu niên du kích

Thi Thi| 14/05/2011 06:58

(HNM) - Buổi ra mắt bộ sách gồm 15 đầu sách nói trên của NXB Kim Đồng thật đặc biệt bởi những sự hội ngộ nhiều ý nghĩa. Hai tác giả Phạm Thắng, Văn Tùng - những nhân chứng sống của "Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt" và "Đội thiếu niên du kích Thành Huế" đã có mặt với những hồi ức sống động.



Các bác cũng mang theo những trang sách đã có mặt từ hơn 30 năm qua, cùng với những ấn bản mới vừa ra mắt để khẳng định sức sống lâu bền của văn học viết về Đội TNTP Hồ Chí Minh.

Bộ sách "70 năm Thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh" của NXB Kim Đồng gợi nhắc Ngày thành lập Đội TNTP Hồ Chí Minh (15-5-1941). Bên cạnh mảng sách truyền thống, kỹ năng, gương sáng đội viên, nổi lên mảng sách văn học viết về Đội. Bạn đọc nhiều lứa tuổi, trong đó có những cán bộ hoạt động Đội, biên tập viên lâu năm đều chung một chia sẻ "Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt", "Đội thiếu niên du kích Đình Bảng", "Đội thiếu niên du kích Thành Huế"… là những tác phẩm đã vô cùng quen thuộc với độc giả suốt mấy chục năm qua, nhưng có lẽ đây là dịp hiếm hoi được gặp tác giả, những nhân chứng sống của lực lượng thiếu nhi anh dũng này.

Bác Phạm Thắng là nguyên mẫu của nhân vật cậu bé Thân "bột" - con nuôi của tên sĩ quan Lămpe trong tác phẩm "Đội Thiếu niên tình báo Bát Sắt". Chính cậu đã mưu trí, bí mật xây dựng, duy trì một "kho" tài liệu mật ngay trong nhà kẻ địch. Chuyện hấp dẫn, đã đành, nhưng khi được gặp gỡ, được biết thêm về các nhân chứng thì cũng thêm phần thú vị. Không chỉ mang theo những câu chuyện kể, tác giả Phạm Thắng còn chia sẻ bộ sưu tập sách về đội TNTP mà bác đã viết và gìn giữ suốt mấy chục năm qua. Trong đó có cuốn "Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt" in lần đầu tiên vào tháng 6-1976.

Còn nhà văn Văn Tùng, từng trong Ban chỉ huy Đội Thiếu niên du kích Thành Huế cũng là tác giả hai đầu sách quan trọng: "Đội Thiếu niên du kích Thành Huế" và "Dấu chân trong rừng". Trong câu chuyện của nhà văn, dường như còn rất nhiều những nhân vật thiếu nhi mưu trí, anh dũng, yêu nước mà ông biết nhưng lại chưa thể kể nhiều với độc giả…

Có thể nói, những tác phẩm văn học dù đã có tuổi đời trên 40 năm vẫn vẹn nguyên sự xúc động. Ở đây có hơi thở tiểu thuyết trinh thám, có giọng điệu ngôn ngữ của trẻ em… Mỗi trang viết đều là sự tương phản mạnh mẽ giữa hình ảnh trẻ thơ và chiến tranh, giữa tấm lòng yêu gia đình, yêu đất nước tha thiết của các đội viên thiếu niên du kích và sự tàn bạo của kẻ thù.

Những cuốn sách viết về lịch sử Đội, về đất nước không "xa vời" như ta nghĩ, nó lặng lẽ đắp bồi lòng yêu nước một cách tự nhiên. Tất cả đều bắt nguồn từ những câu chuyện về tình cha mẹ, anh em, bạn bè, làng xóm như ví dụ tiêu biểu: Tác phẩm văn học thiếu nhi xúc động của Liên Xô (cũ) "Nữ du kích La-ra" có bối cảnh chia ly đầy ẩn ý, khi La-ra nói "Bà ơi, con đi đây, con đi chiến đấu cho Tổ quốc, cho cây cỏ của bà, cho Lêningrat". Những tình huống xúc động như thế không thiếu trong các tác phẩm văn học Việt Nam nói trên. Nhưng như rất nhiều ý kiến băn khoăn: Giữa "rừng" các hình thức giải trí như hôm nay, liệu các em còn lựa chọn những cuốn sách văn học lịch sử như vậy không? Và ai sẽ giúp các em bước qua thành kiến "chuyện cổ tích của các cụ" để khám phá những trang viết đầy xúc động ấy?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Gặp lại các thiếu niên du kích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.