Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chờ đợi những sự “bùng nổ” trên văn đàn trong tương lai

Tuyết Minh| 09/09/2011 23:34

(HNMO)- Sáng 9/9, Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII đã chính thức khai mạc tại Hội trường UBND tỉnh Tuyên Quang. Tham dự hội nghị có 112 đại biểu đến từ 56 tỉnh thành cả nước, trong đó có rất nhiều gương mặt rất trẻ lần đầu đến hội nghị.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN phát biểu
tại Lễ khai mạc Hội nghị Viết văn trẻ Toàn quốc lần thứ VIII.


(HNMO)- Sáng 9/9, Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ VIII đã chính thức khai mạc tại Hội trường UBND tỉnh Tuyên Quang. Tham dự hội nghị có 112 đại biểu đến từ 56 tỉnh thành cả nước, trong đó có rất nhiều gương mặt rất trẻ lần đầu đến hội nghị như: Phạm Nguyễn Ca Dao (17 tuổi), Meggie Phạm (20 tuổi), có những gương mặt đã khá quen thuộc như: Vi Thuỳ Linh, Di Li, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Quang Hưng, Dương Bình Nguyên... Ngoài ra còn có nhiều gương mặt các nhà văn lão thành như: nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhà văn Lê Văn Thảo, nhà thơ Giang Nam, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh, nhà văn Hoàng Quốc Hải, lớp nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Xuân Hà, Y Ban, Phan Huyền Thư...

Theo nhiều cây bút lão thành đánh giá, đây là một cuộc hội thảo làm việc theo đúng tinh thần trẻ trung, thẳng thắn, trung thực nhất từ trước đến nay. Chỉ trong ngày làm việc đầu tiên, Hội nghị đã ghi nhận hơn chục bản tham luận với những ý kiến đóng góp khá thẳng thắn của những cây bút trẻ.

Nhà văn trẻ và thái độ đối với nghề

Các tham luận tại Hội nghị của các nhà văn trẻ đa phần đều đưa ra những ý kiến về thái độ nghiêm túc với nghề, tôn trọng nghề của họ. Như nhà văn Meggie Phạm (Huế) cho rằng, viết không phải để nổi tiếng, để xuất bản sách, để được lăng –xê…viết như để chơi, vì cảm thấy viết rất dễ. Ngay như danh xưng “nhà văn trẻ” cô cũng vẫn cảm thấy ngồ ngộ, cảm giác không quen. Meggie đến với văn chương như một cuộc chơi, cảm thấy viết rất dễ, như một bản năng, nghĩ gì viết nấy. Khi viết ra được thì cảm thấy rất thoải mái, giống như đi tìm nguồn nước, nếu dò đúng mạch dòng suối sẽ phun trào.

Cây bút Miên Di (Gia Lai) đã có một bản “tự phê phán” chính thế hệ mình với tên gọi “Những cây bút dậy thì và trách nhiệm với xã hội”. Anh cho rằng, đời sống văn học trẻ hiện nay đang trầm lắng, một sự im lặng đầy nghi ngại. Tuy rằng nhiều đầu sách vẫn được xuất bản một cách khá “hoánh tráng”, nhưng kể từ “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, chưa có một “vụ nổ” nào xảy ra. Chưa có tác phẩm nào nói tiếng nói thống thiết cất lên từ đáy xã hôi, nói thay cho nỗi niềm cả xã hội. Trong khi, những vụ văn tặc, văn sex... vẫn cứ nổ ra ầm ầm.

Vì thế, sự hối thúc của xã hội là điều dễ hiểu, họ mong mỏi những ngòi bút trẻ, tài năng sẽ nói lên những điều cả xã hội mong chờ. Và các nhà văn trẻ phải gánh trên vai một trách nhiệm xã hội vô cùng to lớn, không thể né tránh nếu còn lương tâm và đạo đức nghề nghiệp.

Nhà văn trẻ quân đội Nguyễn Xuân Thuỷ, tác giả những tập sách về Trường Sa đem tới Hội nghị một tham luận như một lời kêu gọi “Mỗi người viết trẻ hãy làm một thợ lặn giỏi”. Anh cho rằng, trách nhiệm xã hội của người viết văn đầu tiên và trước hết là trách nhiệm đối với chính tác phẩm của mình. Mỗi người viết cần “lặn” vào đời sống, sống hết mình, sống mạnh mẽ, tận cùng, dấn thân vào đời sống để có thể dấn thân trong nghệ thuật”. Mỗi người có một cách dấn thân khác nhau, một cách thu nạp kiến thức riêng dù đi theo một khuynh hướng sáng tác nào cũng cần một kho dữ liệu từ cuộc sống.

Việc Hội Nhà văn thường tổ chức các đợt đi thực tế sáng tác là rất cần thiết. Tuy nhiên, đó chỉ mới là hoạt động bề nổi. Cá nhân mỗi người viết cần có những “chuyến đi của riêng mình”, không theo tính chất hội đoàn, không “trống dong cờ mở”. Bởi không có ai chỉ viết bằng trải nghiệm tự nhiên, bằng những thứ tình cờ thu lượm được từ đời sống.

Nguyễn Xuân Thủy đã thể hiện sự đồng cảm sâu sắc với những trang viết về Trường Sa của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Anh cho rằng, không ai có thể phủ nhận tài năng của nhà thơ Trần Đăng Khoa, nhưng nếu chỉ quanh quẩn ở “góc sân và khoảng trời” thì thần đồng thơ sẽ chẳng bao giờ lớn. Sẽ không thể có “Đảo chìm” nếu như không có những năm tháng Trần Đăng Khoa vượt trùng khơi làm người lính đối mặt với hiểm nguy, mênh mang sóng nước, thực sự sống cuộc sống người lính ở Trường Sa.

Tuy nhiên, Xuân Thủy cũng cho rằng, không phải cứ lặn thật sâu vào đời sống thì sẽ cho ra đời những tác phẩm văn chương chất lượng, nhưng rất nhiều tác phẩm văn chương có giá trị đều xuất phát từ những trải nghiệm đắt giá của tác giả. Một nhà văn có tài sẽ đồng nghĩa với việc nhà văn ấy là một thợ lặn giỏi.

Ở một khía cạnh khác, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho rằng cần “Làm tốt hơn nữa vai trò thắp lửa” của Hội Nhà văn và Ban công tác văn trẻ. Trong thời gian qua, công tác của Hội nhà văn Việt Nam đã có những động thái tích cực, điều này được nhìn nhận qua những việc làm như: kết nạp một số nhà văn, nhà thơ vào Hội, tổ chức những cuộc thi viết, vận động sáng tác…đã có thêm nhiều tác giả trẻ giành được giải cao, ghi nhận, tôn vinh. Tuy nhiên, công tác kết nối, bồi dưỡng những người viết trẻ vẫn dường như còn “bỏ ngỏ”. Đây là trách nhiệm của Hội nhà văn, cũng như thế hệ đi trước, mà nếu nói rộng ra là của tòan xã hội để chung tay tiếp sức cho thế hệ nhà văn trẻ, góp phần kiến tạo dòng chảy văn chương cho hôm nay và ngày mai.

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng chia sẻ kinh nghiệm tại Hội nghị.


Chờ đợi những tài năng

Hội nghị không chỉ là một cuộc hội ngộ, quy tụ những người viết văn trẻ trên cả nước mà còn là diễn đàn để các nhà văn được trao đổi, phát biểu những ý kiến khúc mắc về nghề để có thể đóng góp nhưng tác phẩm chất lượng cho nền văn học Việt Nam nói chung. Chính vì vậy mà tại Lễ khai mạc sáng nay, nhà thơ Hữu Thỉnh gọi đây là một “cuộc hẹn hò thú vị, ghi dấu một lớp nhà văn mới lại đến với văn học”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: “Nếu như các hội nghị lần trước, phần đông đại biểu mới có một chùm thơ, vài truyện ngắn, thì hội nghị lần này, một phần ba số đại biểu đã có những tập sách riêng, nhiều bạn có 2, 3 đầu sách. Số giải thưởng văn học mà các bạn đem về hội nghị này nhiều hơn bất cứ hội nghị nào trước đó”.

Nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định, có thể nói văn học trẻ đã bước qua giai đoạn xuất hiện để tiến đến giai đoạn định hình. Văn học trẻ hiện nay có thể ví như “Dàn đồng ca khá mạnh” nhưng còn ít những giọng lĩnh xướng vang xa. Hay có thể nói “Thêu thùa cho cá nhân thì khéo, may cắt cho thiên hạ còn ít dụng công”. Đó là những đặc điểm thường thấy trong giai đoạn xuất phát. Trên chặng đường mới này, năng khiếu phải trở thành tài năng.

Chia sẻ kinh nghiệm với các nhà văn trẻ, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, nếu hôm qua bạn chỉ cần đam mê là đủ, thì hôm nay đam mê phải trở thành bản lĩnh. Để đi được con đường dài, lâu bền các bạn trẻ phải có một vốn sống, trải nghiệm, dấn thân và dâng hiến tận cùng mà nguồn bổ dưỡng vô tận chính là đời sống. Thoát ly đời sống thì ngay cả thiên tài cũng có nguy cơ thui chột. Thế hệ những người viết văn trẻ chính là đại diện cho nền văn học Việt Nam trong tương lai. Nhưng trước khi tiến thẳng đến tương lai, các bạn nên dành thời gian trò chuyện với hiện tại để có thể mang lại những tác phẩm hướng tới công chúng. Mỗi tác phẩm phải là một thông điệp nồng nàn với đời sống, thắm thiết niềm tin yêu con người, đó là lẽ phải thông thường của văn học và cũng là khát vọng của mỗi người cầm bút.

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, nếu những nhà văn trẻ cùng với tài năng đều làm nghề với thái độ nghiêm túc cao thì chúng ta hoàn toàn tin tưởng và chờ đợi sự bùng nổ của những tài năng trẻ trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chờ đợi những sự “bùng nổ” trên văn đàn trong tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.