Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giao thông Hà Nội: Đi trước, mở đường

Nguyễn Đức| 29/10/2010 07:34

(HNM) - Hà Nội nay đã mang một tầm vóc, diện mạo mới. Không chỉ thay đổi mạnh mẽ về diện tích, dân số sau khi mở rộng địa giới hành chính, hệ thống giao thông, đô thị cũng từng bước phát triển, tạo ra không gian đô thị mới văn minh, hiện đại hơn. Những tòa nhà cao tầng, các khu đô thị mọc lên khắp nơi.

Hầm đường bộ Kim Liên, một trong những công trình hiện đại góp phần giảm tải cho giao thông Thủ đô. Ảnh: Đàm Duy


Với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, ổn định, tình hình an ninh, trật tự bảo đảm, Hà Nội có sức hút mạnh mẽ không chỉ với các nhà đầu tư mà cả với người dân bốn phương. Đây là tín hiệu đáng mừng nhưng kèm theo đó là áp lực lớn về giao thông đô thị.

Những năm gần đây, ùn tắc giao thông luôn là một trong những vấn đề dân sinh bức xúc. Hàng loạt dự án giao thông đô thị đã được thành phố ưu tiên triển khai không chỉ góp phần làm giảm nạn ùn tắc mà còn góp phần tạo dựng bộ mặt đô thị mới văn minh, hiện đại. 5 năm qua, đặc biệt là 2-3 năm gần đây, hàng loạt công trình giao thông lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác như: cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, cầu vượt Ngã Tư Sở, cầu cạn Pháp Vân, Đại lộ Thăng Long, đường Vành đai 3, hầm đường bộ Kim Liên, cầu bộ hành… Có thể khẳng định, những công trình nói trên đã góp phần đáng kể tháo gỡ ngòi nổ ách tắc vốn là vấn đề nan giải với các đô thị lớn. Thêm cầu Thanh Trì, Vĩnh Tuy, cảnh ùn tắc kéo dài trên cầu Chương Dương đã được giải quyết. Cầu vượt, hầm đường bộ đưa vào sử dụng cảnh hỗn loạn phương tiện tại Ngã Tư Sở, Kim Liên… chỉ còn là dĩ vãng. Những cây cầu bộ hành trên nhiều tuyến phố giúp người đi bộ an toàn hơn mà không gây cản trở tới các phương tiện giao thông cũng làm cho diện mạo phố phường Hà Nội văn minh hơn, hiện đại hơn.

Không chỉ giải quyết vấn đề trước mắt, các dự án giao thông đã, đang và sẽ triển khai còn thể hiện tầm nhìn chiến lược của trung ương và thành phố. Cầu Vĩnh Tuy, cây cầu "nội lực" của Hà Nội được thiết kế xây dựng nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu về giao thông kết nối phía Đông Bắc. Cây cầu này đang mang trên mình nhiều "kỷ lục" ở nước ta như: rộng nhất, khẩu độ nhịp dài nhất… Mới hoàn thành giai đoạn một, nhưng các nút giao với quốc lộ 5 và phía Minh Khai là những nút giao hiện đại, đồng bộ, có thể đáp ứng bài toán giao thông cho nhiều năm sau này. Với tầm nhìn như vậy, đường Vành đai 3, cầu Thanh Trì cũng được thiết kế, xây dựng đồng bộ. Ngay khi giai đoạn 1, đường Vành đai 3 hoàn thành, giai đoạn 2, xây dựng cầu cạn ở dải phân cách giữa đã được thực hiện ngay để kết nối với cầu cạn Pháp Vân, cầu Thanh Trì. Đây sẽ là đoạn đường cao tốc trên cao ngay trong lòng Thủ đô. Không thể không kể tới Đại lộ Thăng Long, tuyến đường có quy mô lớn và hiện đại nhất cả nước hiện nay… Những dự án đó sẽ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô trong thời gian gian tới.

Tiềm năng phát triển của Hà Nội còn rất lớn. Với vai trò "đi trước, mở đường", hàng loạt dự án giao thông lớn đã, đang và sẽ được tiếp tục thực hiện để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Trên sông Hồng, cầu Nhật Tân đang được đầu tư xây dựng. Gần đó, sẽ có thêm cầu Tứ Liên. Xa hơn nữa về phía thượng lưu có cầu Vĩnh Thịnh, nối thị xã Sơn Tây với Vĩnh Phúc. Ngoài đường Vành đai 3, sẽ có thêm đường Vành đai 4, Vành đai 5. Xa hơn một chút là các dự án đường cao tốc đang được triển khai như: Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai, Ninh Bình - Cầu Giẽ… Trong nội đô, bên cạnh hệ thống cầu vượt, các tuyến đường sắt đô thị, metro cũng đã được quy hoạch xây dựng, trong đó dự án đường sắt đô thị thí điểm Nhổn - Ga Hà Nội, dự án Cát Linh - Hà Đông đã khởi công xây dựng. Các dự án nói trên đã, đang mở đường, tạo tiền đề cho Thăng Long - Hà Nội bước vững chắc vào thiên niên kỷ thứ hai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao thông Hà Nội: Đi trước, mở đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.