Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát chặt chẽ lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

Lê Hiểu| 13/01/2011 07:19

(HNM) - Thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp cho rằng, cơ quan quản lý nhà nước đang siết quá chặt việc cấp phép lao động nước ngoài tại Việt Nam. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã trao đổi với ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH.

- Việc quản lý người lao động nước ngoài tại Việt Nam tưởng rất chặt nhưng thực tế lại không phải như vậy. Bằng chứng là nhiều sở lao động đã nêu những bất cập khi thực hiện chính sách này. Vậy Bộ LĐ-TB&XH đã có biện pháp gì để giải quyết, thưa ông?

- Nghị định 34/CP của Chính phủ quy định việc tuyển dụng và quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 12-4-2008. Sau đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng có thông tư hướng dẫn thực hiện. Ngay cuối quý I-2010 Bộ LĐ-TB&XH cũng đã có công văn số 828/LĐTBXH-VL về việc tăng cường quản lý lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam gửi các tỉnh, thành phố. Công văn nhắc nhở các sở, ban, ngành và các cơ quan liên quan tiếp tục hướng dẫn các doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động nước ngoài thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật và xác định rõ trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động. Thực tế, công tác quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết, ví dụ như quy định người nước ngoài làm việc có thời hạn dưới 3 tháng không cần phải xin cấp giấy phép lao động đã tạo kẽ hở cho các DN, nhà thầu lợi dụng để đưa lao động phổ thông vào. Quan điểm chung là tạo cơ hội cho lao động trình độ cao và kiểm soát tốt nhập khẩu lao động trình độ thấp và lao động phổ thông vào Việt Nam. Vì thế, mới đây Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ dự thảo nghị định mới để thay thế Nghị định 34/CP về quản lý, cấp phép cho lao động nước ngoài tại nước ta.

- Thưa ông, nghĩa là phải có nghị định mới thay thế cái cũ theo hướng quản lý chặt hơn đối với lao động phổ thông và mở đối với lao động trình độ cao?

- Thay đổi cơ bản trong việc quản lý và cấp phép cho lao động nước ngoài làm việc ở Việt Nam là gỡ bỏ những quy định gây khó, thậm chí bãi bỏ giấy phép lao động đối với những người được xác định là nhân sự cao cấp trong các tổ chức, doanh nghiệp. Giấy phép lao động sẽ là một công cụ để kiểm soát lao động phổ thông vào nước ta tìm việc. Trong khi nước ta vẫn dư thừa lao động phổ thông thì không có lý do gì phải nhập khẩu lao động. Chúng tôi đã có nhiều buổi làm việc với các tổ chức, hiệp hội nước ngoài và tiếp thu tới 90% các ý kiến về quy định này. Những lao động được xác định là có trình độ cao, là đại diện của các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép hoạt

động ở Việt Nam và một số đối tượng sẽ không phải xin giấy phép lao động. Còn lại các thủ tục và quy trình cấp giấy phép lao động sẽ không thay đổi nhưng sẽ thêm các quy định chặt chẽ hơn để kiểm soát lao động nước ngoài vào làm việc là phải có giấy phép.

- Thực tế rất khó kiểm soát lao động phổ thông từ nước ngoài vào nước ta làm việc không phép bới các nhà thầu luôn có đủ chiêu thức để “lách” luật và nhiều địa phương chú trọng đến việc kéo dự án về mà ít quan tâm đến cơ hội tạo việc làm tại địa phương mình. Ông cho biết rõ hơn làm thế nào để kiểm soát vấn đề này?

- Quả thực những năm trước đây là như vậy. Tôi biết, không nhiều địa phương thực sự quan tâm tới vấn đề tạo việc làm cho người lao động dù các báo cáo, nghị quyết... họ đều có đưa ra mục tiêu, kế hoạch. Không ít nơi chỉ quan tâm tới việc cấp phép cho dự án và dừng ở đó hơn là việc dự án đó đi vào hoạt động để tạo việc làm cho bao nhiêu người dân địa phương.

Hiện chúng tôi đã bàn kỹ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đã thống nhất quy định, nhà thầu nước ngoài muốn đưa lao động phổ thông hoặc trình độ thấp vào làm việc phải lên kế hoạch cụ thể và được sự chấp thuận của chủ đầu tư. Quan trọng là nhà thầu phải chứng minh được những vị trí họ không tuyển dụng được lao động Việt Nam. Chủ tịch UBND tỉnh sẽ cho kiểm tra thực tế và quyết định tuyển dụng lao động nước ngoài làm việc theo giấy phép lao động. Định kỳ sẽ có cơ quan thanh tra liên ngành lao động, công an thanh tra việc lao động làm việc có giấy phép hay không. Nếu phát hiện lao động làm việc không giấy phép sẽ buộc xuất cảnh chứ không phải là trục xuất như trước đây. Trước đây quy định trục xuất thì phải do Bộ trưởng Bộ Công an ký quyết định, nhưng nếu quy định buộc xuất cảnh thì chỉ cần giám đốc công an tỉnh ký quyết định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát chặt chẽ lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.