Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị xã Sơn Tây: Đất lúa bị “xẻ thịt”

Nhóm PV Ban NN- NT| 06/04/2011 07:39

(HNM) - Bộ NN&PTNT vừa trình Chính phủ phê duyệt


Dự án "nhòm ngó" đất lúa


Cánh đồng 2 vụ lúa trở thành hồ nước lớn, nhiều chỗ đang được chủ đất san ủi, trồng cây.

Chiều 1-4, có mặt tại khu đồng Cửa Đỗ- Suối Ốc, thôn Đồng Trạng, xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây, chúng tôi chứng kiến hàng ngàn mét vuông đất hai vụ lúa đã biến thành hồ nước. Men theo hồ nước này là đất vườn, ao hồ, đất trồng cây hằng năm và đất thủy lợi (Suối Ốc) đã được chủ đất xây kín cổng, cao tường… Theo các hộ thôn Đồng Trạng, khu hồ nhân tạo mới được lập nên này vốn là đất sản xuất nông nghiệp chuyên lúa và đất vườn của nhiều hộ dân. Cách đây khoảng 5 năm, 2 hộ có ruộng giáp cống Cửa Đỗ đã tự chặn cửa cống để lấy nước thả cá, còn các hộ khác vẫn cấy lúa. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cổ Đông Bùi Văn Thịnh, mới đây UBND xã đã nhận được thông tin và đang xác minh việc ông Nguyễn Thanh Hải, người địa phương đã mua gom tất cả diện tích đất ở khu đồng Cửa Đỗ - Suối Ốc với diện tích khoảng 5ha (gồm cả đất 2 vụ lúa, đất vườn, ao hồ, thủy lợi…) của các hộ. Khoảng 3 tháng trở lại đây, có người đã đắp chặn cống tiêu Cửa Đỗ lại để ngăn nước, biến khu đồng cấy 2 vụ lúa thành hồ lớn. Chủ nhiệm HTX nông nghiệp thôn Đồng Trạng Nguyễn Quang Sáng cho biết, do cống Cửa Đỗ bị chặn nên cánh đồng Gốc Mít phía dưới thường xuyên thiếu nước.

So với bản đồ xã Cổ Đông đo năm 2002, diện tích đất hai lúa bị biến thành đất hồ rộng 10.245m2 gồm 4 thửa: thửa 101 diện tích 5.085m2, thửa 127 là 1.876m2, thửa 141 là 3.119m2 và thửa 1.444 diện tích 163m2. Ngoài ra, 4 thửa khác vốn là đất trồng cây hằng năm, đất vườn, đất ao hồ, thủy lợi (Suối Ốc) gồm các thửa 102, 136, 121, 131 với tổng diện tích đất 17.580m2 và 30.000m2 đất khác của các hộ đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng dù chưa được ai phê duyệt.

Điều đáng nói là diện tích đất trên chủ yếu là đất sản xuất nông nghiệp nhưng theo nhiều người dân địa phương, chủ đầu tư gom đất không nhằm mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mà đang có ý định "chạy" dự án để làm du lịch(?) Nếu dự án này "trôi" thì tình trạng chuyển đổi bừa bãi hoặc đẩy giá đất lên cao sẽ khiến công tác quản lý đất đai trở nên hết sức phức tạp.

Có hay không chuyện "bật đèn xanh"?

Mặc dù cánh đồng Cửa Đỗ - Suối Ốc bị chuyển đổi sai mục đích từ lâu, chủ thu gom đất đã xây tường bao, cổng sắt giữ đất, chặn cống tiêu Cửa Đỗ… nhưng ông Hà Trường Sơn, Chủ tịch UBND xã Cổ Đông cho rằng: Xã mới chỉ nhận được thông tin từ ngày 24-3, qua đơn thư nặc danh. Ông Sơn lý giải rằng, Cổ Đông quá rộng, tổng diện tích là 2.500ha trong khi số cán bộ cũng chỉ như các xã khác. Đáng chú ý, thị xã Sơn Tây liên tục thay đổi cán bộ địa chính xã, từ năm 2006 đến nay, xã 6 lần thay cán bộ địa chính, trong đó có người do thị xã cử về, rất khó khăn trong nắm đồng đất nên không kịp thời phát hiện sai phạm. Ông Sơn cũng khẳng định, khu đồng Cửa Đỗ - Suối Ốc chưa được quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, khi được hỏi vì sao vi phạm xảy ra đã lâu, UBND xã lại không kịp thời phát hiện thì ông Chủ tịch chỉ im lặng.

Việc tự ý chuyển đổi đất lúa sang mục đích khác là vi phạm Luật Đất đai, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự trị an trên địa bàn, gây bức xúc trong dư luận. Mặc dù tình trạng trên kéo dài đã lâu song các cấp chính quyền xã Cổ Đông lại không hề biết? Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Phan Thị Hảo, tình hình quản lý, sử dụng đất đai ở Cổ Đông hết sức phức tạp, nhiều cán bộ của xã này đã vi phạm, bị xử lý. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để tăng hiệu quả là rất tốt, UBND thị xã khuyến khích nhưng phải đúng quy trình và chỉ trên cơ sở sản xuất lúa ở đó thực sự kém hiệu quả. UBND thị xã Sơn Tây sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn và UBND xã Cổ Đông kiểm tra, có biện pháp xử lý.

Bài học ở Cổ Đông trong buông lỏng quản lý đất đai một thời gian dài trước đây khiến một số cán bộ chủ chốt của xã bị cơ quan pháp luật khởi tố, xử lý vẫn còn đó. Tuy nhiên, dư luận tiếp tục đặt câu hỏi, vì sao hàng ngàn mét vuông đất 2 lúa chuyển đổi sai mục đích vẫn ngang nhiên tồn tại? Vì sao việc chuyển đổi đất nông nghiệp "giữa ban ngày" mà chính quyền địa phương lại không biết để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời? Sự việc trên cần được các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị xã Sơn Tây: Đất lúa bị “xẻ thịt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.