Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không quyết liệt, khó hiệu quả

Thúy Nga| 16/03/2010 08:21

(HNM) - Ngày 10-3, Nghị định số 04/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực phòng, chống lụt, bão (PCLB) của Chính phủ chính thức có hiệu lực. Ông Phùng Xuân Dụng, Chi cục phó Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội cho rằng, nghị định đã thể chế hóa mức xử lý liên quan đến lĩnh vực PCLB. Việc thực thi có thể khó, nhưng phải làm quyết liệt mới góp phần nâng cao được ý thức, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân trong việc tham gia PCLB.

Mọi hành vi vi phạm đều bị xử phạt

Trong thời gian dài, kể cả chính quyền và người dân ở một số nơi, nhất là địa phương vùng thường xuyên bị lũ, bão gây hại, còn thiếu ý thức trong PCLB, thiên tai. Nhưng từ ngày 10-3-2010 trở đi, tất cả các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có hành vi vi phạm trong lĩnh vực PCLB đều bị xử phạt hành chính, tùy theo mức độ, tính chất của vụ việc (mức phạt tối đa cho một hành vi vi phạm là 40 triệu đồng). Những hành vi trước đây không bị xử lý như neo đậu tàu, thuyền, bè, mảng và các phương tiện khác không phép hoặc sai phép vào công trình PCLB, nay áp dụng nghị định mới sẽ bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng. Đáng lưu ý, nghị định quy định, các tổ chức, cá nhân phát hiện công trình PCLB bị hư hỏng, sự cố mà không thông báo cho cơ quan có trách nhiệm để có biện pháp xử lý kịp thời cũng bị phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.

Xây dựng mái đê sông Đáy. Ảnh: Thái Hiền

Nếu như những năm trước, tại một số tỉnh khu vực miền Trung thường xảy ra tình trạng khai thác bừa bãi rừng chắn sóng, rừng phòng hộ khiến nạn cát bay, cát nhảy hoành hành, tới đây, với hành vi phá hoại hoặc khai thác không đúng quy định cây chắn sóng sẽ bị xử phạt từ 15-20 triệu đồng. Hành vi lấn chiếm đê kè, các công trình thủy lợi sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Mức phạt sẽ tăng lên từ 20 đến 30 triệu đồng cho hành vi xây dựng công trình khác làm hư hỏng một phần hoặc toàn bộ công trình PCLB. Mức phạt cao nhất từ 30-40 triệu đồng cho hành vi xây dựng không phép hoặc sai phép kho chứa lương thực, chất độc hại, chất nổ, nhiên liệu, vật tư trong vùng phân lũ, vùng thường bị ngập lụt. Với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện nếu không có quy trình vận hành hồ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cũng bị phạt tiền từ 20-40 triệu đồng. Hoặc đã có quy trình vận hành, song vận hành sai quy trình cũng phải chịu xử phạt với mức 20-40 triệu đồng.

Có thể nói, Nghị định 04.CP ra đời cho thấy sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ góp phần giải quyết, khắc phục những vấn đề bức xúc liên quan đến lĩnh vực xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCLB xảy ra phổ biến trong thời gian qua.

Nâng cao ý thức, trách nhiệm

Theo nhận định của nhiều chuyên gia quản lý đê điều, công trình thủy lợi, việc thực thi Nghị định 04.CP có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào chính quyền cơ sở. Ông Phùng Xuân Dụng cho biết, ngày 2-8-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định quy định xử phạt hành chính về đê điều, quy định rõ các chế tài xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thủ tục xử phạt đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm đê điều, trong đó có một số nội dung liên quan đến bảo vệ công trình PCLB. Mặc dù có cây "gậy" trong tay hơn 2 năm qua, nhưng chính quyền ở nhiều địa phương đã buông lỏng trách nhiệm quản lý, chưa áp dụng các chế tài xử phạt hành chính để xử lý dứt điểm vi phạm, hậu quả là vi phạm cũ không được xử lý lại phát sinh thêm vi phạm mới. Theo thống kê của Chi cục Đê điều và PCLB Hà Nội, trên địa bàn Hà Nội hiện đang tồn tại 4.613 vụ vi phạm Luật Đê điều (từ năm 2009 đến nay phát sinh thêm 440 vụ), trong đó huyện Ứng Hòa là một trong những điểm "nóng". Từ năm 2009 đến nay, tại huyện này đã phát sinh 185 vụ vi phạm, nâng tổng số vụ vi phạm lên 2.215 vụ, chiếm hơn 40% tổng số vụ vi phạm toàn thành phố. Nguyên nhân cũng là do địa phương không xử lý triệt để ngay từ khi phát hiện vi phạm. Trong quá trình xử lý vụ việc, cán bộ địa phương còn có thái độ nể nang, né tránh trách nhiệm nên hiệu quả xử lý không cao. Đã vậy, những cán bộ có trách nhiệm ở huyện Ứng Hòa còn đổ trách nhiệm để xảy ra vi phạm tràn lan, phức tạp như hiện nay một phần do Hạt Quản lý đê điều. Bởi khi phát hiện vi phạm, Hạt chỉ lập biên bản mà không đôn đốc địa phương xử lý.

Theo Nghị định số 04/2010/ NĐ-CP, chủ tịch UBND cấp xã, phường, thị trấn có quyền xử phạt tiền tối đa là 2 triệu đồng; cấp quận, huyện mức xử phạt tối đa 30 triệu đồng và cấp tỉnh, thành phố là 40 triệu đồng. Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra chuyên ngành (Bộ và sở NN&PTNT), Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển tùy thuộc vào hành vi vi phạm của mỗi tổ chức và cá nhân mà áp dụng mức xử phạt hành chính cụ thể. Nghị định là chế tài điều chỉnh nhiều hành vi vi phạm. Nhưng để thực thi có hiệu quả, cần nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn dân và sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền cấp cơ sở, nếu không lại rơi vào cảnh "đánh trống bỏ dùi".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Không quyết liệt, khó hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.