Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao vai trò của nữ trí thức đối với sự nghiệp CNH-HĐH đất nước

Lan Hương| 16/03/2010 16:27

(HNMO) – Sáng 16/3, tại Hà Nội, Hội liên hiệp phụ nữ VN và Đại học quốc gia HN đã tổ chức hội thảo khoa học “Nữ trí thức VN đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đến dự hội nghị có đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch nước…

(HNMO) – Sáng 16/3, tại Hà Nội, Hội liên hiệp phụ nữ VN và Đại học quốc gia HN đã tổ chức hội thảo khoa học “Nữ trí thức VN đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đến dự hội nghị có đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư TƯ Đảng, GS.TS Nguyễn Thị Doan, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Chủ tịch nước…

Phát biểu tại hội thảo, ThS Nguyễn Thị Thanh Hòa, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ VN cho biết: Đội ngũ trí thức nữ Việt Nam có mặt ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại… trong đó chủ yếu là ở lĩnh vực giáo dục đào tạo (chiếm 53,2%). Với đức tính cần cù, cẩn thận; được đào tạo cơ bản cả trong và ngoài nước; phát huy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, chị em nữ trí thức đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu cùng phụ nữ nông dân, công nhân đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đội ngũ trí thức nữ ngày càng trưởng thành. Nữ có trình độ từ Cao đẳng trở lên chiếm gần 50%, trong đó Thạc sỹ chiếm 39,1% trên tổng số Thạc sỹ; phụ nữ làm chủ đề tài cấp Nhà nước, Bộ/ngành ngày càng tăng; có nhiều đề tài được ứng dụng thực tế; đem lại lợi ích to lớn cho đất nước, cho người dân. Nhiều chị tích cực học tập bằng nhiều hình thức để nâng cao trình độ và kỹ năng nghề nghiệp.

Đến nay, ngày càng có nhiều cá nhân và tập thể các nhà khoa học nữ được nhận giải thưởng Vifotec của Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật VN, Bằng lao động sáng tạo của Tổng liên đoàn lao động VN, Giải thưởng Kovalevskaia qua 25 năm đã trao cho 15 tập thể và 34 cá nhân có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học. Giải thưởng Phụ nữ VN qua 7 năm đã trao cho 22 tập thể và 44 cá nhân có thành tích xuất sắc trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội…


Ba nữ tiến sỹ khoa học đầu tiên của VN nhận giải thưởng của L'Oreal Unesco vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học. 

Tuy đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, đóng góp vào sự phát triển của đất nước, song thực tế đội ngũ nữ trí thức VN vấn còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống và nhiều trở ngại, hạn chế trong bước đường phấn đấu trưởng thành.

Theo GS.TSKH Vũ Minh Giang – Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội: Khó khăn trước hết là sự khác biệt về giới khiến người phụ nữ phấn đấu trở thành một nhà khoa học khó khăn hơn nam giới. Khác với nam giới, các cán bộ khoa học nữ phải dành nhiều thời gian cho thiên chức làm mẹ, công việc nội trợ, quán xuyến gia đình, chăm sóc con cái và nhiều việc vô danh khác… Đó là chưa kể tới những thách thức của tư tưởng định kiến. Nhiều người chồng đã không ủng hộ vợ tham gia công tác chuyên môn, nghiên cứu khoa học, trong khi hầu hết các bà vợ đều ủng hộ chồng mình làm lãnh đạo, quản lý…Bên cạnh đó, có một thực tế là số lượng các nhà khoa học nữ tham gia quản lý nhà nước ở các cấp còn thấp và càng ở cấp cao, tỷ lệ này càng thấp hơn. Tại Viện Khoa học Tự nhiên VN và Viện Khoa học Xã hội VN là các trung tâm khoa học lớn nhất VN, không có cán bộ nữ tham gia ban lãnh đạo và là Viện trưởng, có rất ít là Phó viện trưởng…

Nhìn chung, đội ngũ trí thức nước ta hiện nay còn chưa tương xứng với tiềm năng và với yêu cầu mới của đất nước, đặc biệt trong thời đại kinh tế tri thức và hội nhập. Để xây dựng và phát triển tiềm lực của đội ngũ trí thức trong giai đoạn hiện nay, Đảng và Nhà nước ta cần có những biện pháp, chính sách phù hợp như: chính sách và chiến lực đào tạo nguồn nhân lực trí thức, đặc biệt là nữ trí thức. Chính các chế độ, chính sách hợp lý đối với trí thức nói chung và nữ trí thức nói riêng sẽ trở thành động lực hết sức quan trọng để động viên, thu hút và nâng cao khả năng lao động, sáng tạo.

Đồng tình với quan điểm trên, đồng chí Trương Tấn Sang nói: Thế kỷ 21 sẽ chứng kiến nhiều biến đổi. Khoa học và công nghệ có nhiều bước tiến nhảy vọt. Vấn đề bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ là một trong tám mục tiêu Thiên niên kỷ. Đảng ta xác định mục tiêu đến năm 2010, VN cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Như vậy, con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có những bước phát triển tuần tự, vừa có những bước nhảy vọt. Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, cần xây dựng đội ngũ trí thức, trong đó bao gồm nữ trí thức lớn mạnh đạt chất lượng cao, số lượng và cơ cấu hợp lý, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Muốn vậy, các nghị quyết của Đảng về công tác phụ nữ và xây dựng đội ngũ trí thức phải thật sự đi vào cuộc sống; cả hệ thống chính trị cũng như toàn thể chị em phụ nữ đồng lòng, nỗ lực thực hiện, biến Nghị quyết của Đảng thành hành động và hiệu quả cụ thể.

Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn một số, khuyết điểm, hạn chế như trong Nghị quyết số 11 và Nghị quyết số 27 của Đảng đã chỉ rõ: “Chính sách, phương pháp công tác vận động phụ nữ còn thiếu cụ thể, sát hợp với từng đối tượng, khu vực, vùng, miền, chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu mới”, “nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác trí thức chậm đi vào cuộc sống”, “đánh giá, sử dụng trí thức không đúng năng lực và trình độ, ngay cả với những trí thức đầu ngành”, “thiếu những cơ chế thích hợp để phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài”… Thêm vào đó, mặt trái của cơ chế thị trường và những tác động của quá trình công nghiệp hóa đã và đang làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội ảnh hưởng trực tiếp tới phụ nữ. Hiện tượng phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn diễn ra dưới nhiều hình thức. Những khuyết điểm, hạn chế đó đã tạo ra những lực cản, ảnh hưởng không tốt tới sự phát triển và cống hiến của đội ngũ trí thức, nhất là nữ trí thức.

Nghị quyết số 27 của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức đã xác định rõ quan điểm chỉ đạo: “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng và chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị. Đầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. Nghị quyết số 11 của Bộ chính trị về công tác phụ nữ đã đề ra mục tiêu: “Đến năm 2020, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ đáp ứng cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”…

“Tôi hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến tổ chức cuộc hội thảo hôm nay với chủ đề “ Nữ trí thức VN đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Đây là một việc làm thiết thức, góp phần đưa các Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống” – đồng chí Trương Tấn Sang nói.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về vai trò, trách nhiệm của nữ trí thức trong hoạt động khoa học và công nghệ; nữ trí thức trong lĩnh vực lãnh đạo và quản lý; nữ trí thức trong tham gia giải quyết các vấn đề xã hội… Qua đó, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ nữ trí thức ngang tầm với yêu cầu, nhiệm vụ của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Đó là, hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của trí thức; Xây dựng chính sách trọng dụng, đãi ngộ và tôn vinh trí thức; Tạo chuyển biến căn bản trong đào tạo, bồi dưỡng trí thức; Củng cố và phát triển các hội trí thức; Nâng cao chất lượng công tác lãnh đạo của Đảng đối với trí thức; Xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học nữ có trình độ cao; Tạo chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ; Xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt hệ thống luật pháp, chính sách về bình đẳng giới…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vai trò của nữ trí thức đối với sự nghiệp CNH-HĐH đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.