Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

An Trân| 01/04/2010 07:26

Không xây khu lưu giữ hiện vật gửi tới ngàn năm sau (HNM) - Sáng 31-3, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã có buổi giao ban với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội quý I-2010 và các công việc chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

* Không xây khu lưu giữ hiện vật gửi tới ngàn năm sau
(HNM) - Sáng 31-3, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội đã có buổi giao ban với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội quý I-2010 và các công việc chuẩn bị Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Bá Hoạt


Nhận diện, tháo gỡ khó khăn
Quý I, kinh tế Thủ đô đã vượt qua khủng hoảng, đạt tốc độ tăng trưởng khá, tổng sản phẩm nội địa GDP ước tăng 8,7%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 12,4%. Các hoạt động thương mại, dịch vụ diễn ra sôi động, tổng mức lưu chuyển hàng hóa tăng 20,5% so với cùng kỳ. Sản xuất nông nghiệp cũng được chú trọng, đến nay 100% lúa vụ xuân và 85% diện tích rau màu các loại đã hoàn thành. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Cán sự Đảng UBND TP Hà Nội, trong những tháng đầu năm, nền kinh tế của Thủ đô vẫn tiềm ẩn những dấu hiệu không khả quan như, chỉ số giá tiêu dùng tăng, chỉ riêng trong tháng 3 đã tăng 0,75% so với tháng 2 có Tết Nguyên đán và nếu so sánh với tháng 12-2009, chỉ số giá đã tăng lên 4,72%. Bên cạnh đó, số lượng khách quốc tế đến Hà Nội trong quý I giảm 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái cũng là một vấn đề đáng lo ngại khi năm 2010 đã được chọn là Năm Du lịch quốc gia tại Hà Nội.

Theo Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Nội Phạm Quang Long, có hai nguyên nhân dẫn đến việc khách du lịch nước ngoài đến Hà Nội giảm. Thứ nhất là trong quý I, các công ty du lịch và hệ thống khách sạn đồng loạt tăng giá phòng và giá các tua du lịch đến Hà Nội. Đây là hiệu ứng của việc chỉ số giá tiêu dùng quý I trên địa bàn Thủ đô tăng gần 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân thứ 2, du khách tới Hà Nội ít còn bởi công tác xúc tiến, quảng bá du lịch hiện nay còn kém. "Cách làm cổ điển, doanh nghiệp (DN) không chịu bỏ tiền, chỉ chờ Nhà nước nên hiệu quả thấp" - ông Phạm Quang Long nhìn nhận.

Nhiều ý kiến đề nghị thành phố kiểm soát chặt và có biện pháp hữu hiệu để bình ổn giá, tránh hiện tượng neo giá hay đầu cơ tích trữ. Liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Thị Hà Ninh cho biết, thời gian qua sở đã tham mưu cho thành phố tiến hành nhiều biện pháp bình ổn giá thông qua việc yêu cầu các cơ sở SX-KD thực hiện niêm yết, công khai giá, hỗ trợ giống, giá phân bón cho người nông dân và thực hành tiết kiệm chi tiêu công. Để việc thực hiện đạt kết quả, thời gian tới, Hà Nội sẽ tăng cường công tác quản lý giá, tăng lượng dự trữ hàng hóa vào các thời điểm nhạy cảm, tạo điều kiện để các DN nâng cao năng lực cạnh tranh. Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Thống kê Nguyễn Châu Hà đề nghị, ngoài các biện pháp bình ổn giá, các DN cần đẩy mạnh sản xuất, hạn chế nhập ngoại và vận động nhân dân thực hiện "Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo chỉ rõ: Nhiều việc thành phố đã giao cụ thể, "cầm tay chỉ việc" rõ ràng nhưng các địa phương, đơn vị triển khai vẫn chậm, thiếu năng động, sáng tạo. Nhấn mạnh việc phải tạo mọi điều kiện cho DN, người dân thúc đẩy SX-KD, Chủ tịch yêu cầu: Trách nhiệm đã phân rõ, các đơn vị liên quan phải chủ động, nếu cứ mơ hồ thì hiệu quả không thể cao được.

Vào giai đoạn nước rút
Phát biểu kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nhấn mạnh, nhiệm vụ còn lại của 9 tháng cuối năm 2010 hết sức nặng nề. Đó là cần tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt trên 10%, đồng thời tăng cường các biện pháp kiểm soát thị trường, kiềm chế lạm phát tăng cao trở lại. Bí thư Thành ủy chỉ rõ 3 nhiệm vụ chính của thành phố trong việc chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Đó là công tác chỉnh trang đô thị, bảo đảm vệ sinh, cảnh quan môi trường. Việc thực hiện các công trình, dự án trọng điểm cần chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, đặc biệt là tổ chức chu đáo kịch bản của 10 ngày Đại lễ. Đề cập tới vấn đề chặt cây cũ, trồng mới cây xanh trên một số tuyến phố đang được dư luận quan tâm, Bí thư Thành ủy lưu ý, việc trồng cây xanh trên các tuyến phố phải theo danh mục cây xanh đường phố, chứ không phải để cho người dân trồng tự phát. Theo hướng đó, Hà Đông bỏ các loại cây không đồng nhất, cây tạp như bàng, sấu, phượng để thay bằng cây sao đen là một chủ trương đúng nhưng cần có cách làm phù hợp, tuyên truyền rộng để tạo đồng thuận cao. Đây là việc làm hướng tới cái chung, cái tổng thể lâu dài không phải vài năm tới mà vài chục năm tới con đường này sẽ là con đường đẹp.

Nhấn mạnh vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu các sở, ngành phải giải quyết công việc theo hướng tập trung, kiên quyết, dứt điểm, năng động và sáng tạo. Về các dự án chỉnh trang, Bí thư Thành ủy lưu ý, phương án thi công phải khoa học, hợp lý, không cho phép kéo mãi tình trạng hôm nay đào lên, lấp xuống, sang năm lại đào. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cũng khẳng định, chuẩn bị cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội không chỉ là mít tinh, lễ hội mà cùng với đó phải là phát triển kinh tế - xã hội, tăng tốc tiến độ các công trình, dự án trọng điểm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Đồng chí cũng yêu cầu, cùng với các nhiệm vụ trên, toàn đảng bộ cần tập trung làm tốt công tác xây dựng Đảng. Trong đó, trọng tâm là chỉ đạo tổ chức tốt đại hội Đảng bộ các cấp, tranh thủ được trí tuệ của toàn đảng bộ, các đồng chí lão thành, các nhà khoa học và nhân dân Thủ đô đóng góp xây dựng các văn kiện của đại hội. Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị mong muốn, với tinh thần "Đoàn kết, năng động, sáng tạo, kỷ cương, văn minh, thanh lịch", các cấp, các ngành, các đoàn thể thành phố sẽ tập trung chỉ đạo đồng bộ, quyết liệt hơn nữa để thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch năm 2010 và cả nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIV của Đảng bộ thành phố.

Không xây khu lưu giữ hiện vật gửi tới ngàn năm sau

Liên quan đến thông tin Hà Nội muốn chọn 1.000 hiện vật mang nét đặc trưng văn hóa của các tỉnh, thành, lưu giữ dưới lòng đất cho các thế hệ mai sau cũng như việc thực hiện dự án khu lưu giữ xây dựng trên diện tích 1.000m2 trong khuôn viên Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, huyện Từ Liêm) để cất giữ hiện vật, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị khẳng định: "Đây là một ý tưởng không có tính khả thi và tôi chính thức nói với báo chí là Hà Nội sẽ không thực hiện việc này". Bí thư Thành ủy nêu rõ, dự án các hiện vật gửi đến mai sau chưa được cấp nào phê chuẩn nhưng đã vội vàng công bố và đó chỉ là ý tưởng của một vài người.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.