Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 4: Huyền thoại sông Hàn

Đức Hải| 01/04/2010 07:37

(HNM) - Đã 35 năm trôi qua kể từ ngày khắp thành phố biển vang rộn lời ca:

Sông Hàn (Đà Nẵng). Ảnh: Thái Hiền


Ký ức ngày giải phóng
Nhà của Đại tá Lê Ngọc Bảy, nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1, (Trung đoàn 96 thuộc Mặt trận 4 Quảng Đà) ở một khu phố mới bên sông Hàn. Đường phố thoáng đãng, tăm tắp biệt thự, nhà liền kề khoe màu sơn mới lấp lóa dưới nắng.

"Hồi giải phóng tôi mới 25 tuổi…"- ông Bảy bồi hồi: "Quãng 7h sáng 29-3-1975, tiểu đoàn đang trú quân tại thôn Phái Nhì, Phái Ba của xã Điện Hòa (huyện Điện Bàn - bấy giờ thuộc tỉnh Quảng Đà) tôi được gọi về thôn Phái Nhất, nhận lệnh trực tiếp từ Mặt trận: "Tiểu đoàn 1 lập tức thọc sâu, đánh chiếm Tòa Thị chính Đà Nẵng và Quân vụ thị trấn". Tôi lập tức điện cho tiểu đoàn, bố trí trinh sát nắm tình hình, phối hợp với du kích xã Điện Thắng chặn xe tải, xe khách trên quốc lộ 1 lại, cho quay đầu về hướng Bắc, sẵn sàng thần tốc tiến về Đà Nẵng. Khi đơn vị cơ động xuống quốc lộ 1 đã thấy tàn quân của chính quyền Sài Gòn và dân di tản lũ lượt chạy đến đó rồi. Quân trang, súng ống, đồ đạc vứt đầy đường. Tôi bố trí 2 đại đội lên 6 ô tô chạy về Đà Nẵng, còn C3 và C hỏa lực hành quân bộ theo sau. Tiểu đoàn thần tốc tiến vào trung tâm thành phố lúc 11h, đã thấy anh em biệt động thành cắm cờ ở Tòa Thị chính".

Kể chuyện ngày giải phóng, ông Lê Công Thạnh, nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà, gật gù: "Trừ một số cuộc đụng độ ở ngoại vi như căn cứ Non Nước, sân bay Nước Mặn, sân bay Đà Nẵng, biển Mỹ Khê, còn các mũi tiến công vào nội thành đều không gặp kháng cự". Thì ra, trước đó Đặc khu ủy Quảng Đà đã chỉ thị: "Huyện tự giải phóng huyện, xã tự giải phóng xã, tập trung lực lượng vũ trang chủ lực giải phóng thành phố". Sau khi Huế, Tam Kỳ, Quảng Ngãi thất thủ, Tướng Ngô Quang Trưởng chuồn ra Hạm đội 7 từ ngày 28-3, quân đội Sài Gòn từ quan đến lính đều hoang mang, rã đám. Ngày 28-3, hơn 3.000 tân binh ở Trung tâm Huấn luyện Hòa Cầm nổi dậy, làm binh biến. Chớp thời cơ, lực lượng vũ trang chính trị (các đoàn thể nông dân, phụ nữ) khắp nơi đồng loạt nổi dậy giành chính quyền, tước vũ khí ngụy quân rồi kéo vào thành phố, phối hợp với tự vệ mật, biệt động thành chiếm công sở, đồn cảnh sát. Quần chúng vừa đi vừa hò reo, khí thế ngất trời. Kể đến đây, ông Thạnh cất giọng đầy sảng khoái: "Tụi nó lo chạy thí mẹ, hơi sức đâu mà chống cự"!

Cuộc tiến công và nổi dậy giải phóng thành phố Đà Nẵng diễn biến nhanh đến bất ngờ ngay cả với "người trong cuộc": Trước đó, Khu ủy Khu 5, Đặc khu ủy và Mặt trận 4 Quảng Đà xác định, đêm ngày 29 các đơn vị tiếp cận mục tiêu, rạng sáng 30 sẽ nổ súng tiến công, đánh chiếm thành phố. Tuy nhiên, ngay tối 28-3, ông Trần Hưng Thừa, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà (được cử vào Đà Nẵng nắm tình hình) đã viết giấy gửi ra Sở chỉ huy Mặt trận: "Ngô Quang Trưởng đã bỏ chạy ra Hạm đội 7. Quân địch vô cùng rối loạn, thành phố gần như bỏ ngỏ. Đề nghị lực lượng vũ trang vào giải phóng thành phố ngay, không chờ đến ngày 30".

Kỳ tích bên sông Hàn
Lần đầu đến Đà Nẵng nên anh bạn trẻ cùng đi có vẻ lạ lẫm khi thấy thành phố biển sạch sẽ, quy củ, nhất là không thấy bóng người ăn xin, lang thang. Tôi giải thích rằng, đó không chỉ là kết quả của những cuộc "ra quân" dịp kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, mà là thành tựu của một chính sách an sinh xã hội độc đáo, đậm tính nhân văn đã được chính quyền thành phố thực hiện từ 10 năm nay, đó là chính sách "5 không, 3 có" (không có người đói, không có người mù chữ, không có người lang thang và ăn xin, không có người nghiện ma túy trong cộng đồng, không xảy ra án giết người để cướp của; có nhà ở, có việc làm, có nếp sống văn hóa - văn minh đô thị).


Với ông Viên Đình Tâm, Trưởng ban Tuyên giáo Hội Cựu chiến binh thành phố, cũng như với nhiều người dân Đà Nẵng, ngày 1-7-1997 là một cột mốc lịch sử đáng nhớ: Đà Nẵng trở thành đô thị loại 1 trực thuộc trung ương, mở ra thời cơ và vận hội để thành phố biển bước vào thời kỳ phát triển mới. Sau 13 năm, kinh tế Đà Nẵng đã tăng trưởng cao, GDP tăng gấp 4 lần, thu nhập bình quân năm 2010 dự kiến đạt 2.000 USD/người; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng du lịch và dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, lấy du lịch làm mũi nhọn; đáng chú ý là trong hai năm liền Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh... Tuy nhiên, chính tốc độ đô thị hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị mới là thành tựu nổi bật nhất của Đà Nẵng. Không gian đô thị của thành phố hiện nay đã rộng gấp 4 lần so với năm 1997, diện mạo đô thị ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp. Hàng trăm kilômét đường giao thông được làm mới và mở rộng, hàng chục khu dân cư mới, hàng nghìn căn hộ chung cư được xây dựng. Từ chỗ quay lưng với biển, Đà Nẵng đã có mặt tiền là biển, với con đường ven biển từ Sơn Trà đến Điện Ngọc, "ăn theo" là những khu du lịch, khu chung cư cao cấp. Đặc biệt, trong quá trình giải tỏa, mở rộng đường nội thành, hơn 90 nghìn người dân đã tình nguyện hiến đất, không nhận đền bù. Đó thực sự là một kỳ tích đáng nể, kỳ tích của sự đồng thuận, đồng lòng!

Đứng bên sông, bạn đồng nghiệp Đà Nẵng chỉ vào cầu quay Sông Hàn, nói: "Đây là cây cầu có sứ mệnh mở đường để thành phố tiến những bước dài trong lĩnh vực đô thị hóa". Quả thực sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến những cây cầu ở Đà Nẵng. Cầu Sông Hàn và mới đây là cầu Thuận Phước, tương lai không xa là cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý, đã và sẽ tiếp tục "nối nhịp bờ vui", đánh thức tiềm năng của một vùng ven biển phía Đông rộng lớn. Những cây cầu hiện đại, mỗi cầu là một công trình nghệ thuật, với kiến trúc đa dạng, độc đáo khác nhau, đã tạo nên niềm cảm hứng về một thành phố trẻ, năng động đang chuyển mình mạnh mẽ.

Trong dòng người đứng ngắm những chùm pháo hoa muôn sắc soi bóng lung linh xuống dòng sông Hàn, từ cuộc thi pháo hoa quốc tế có không ít cựu chiến binh có mặt trong đoàn quân thần tốc tiến vào giải phóng Đà Nẵng năm xưa. Sau 35 năm trở lại, họ đã được chứng kiến những kỳ tích, như huyền thoại ở thành phố biển. Đó là những huyền thoại của thời kỳ đổi mới, những huyền thoại bên bờ sông Hàn!

Đúng 5h30 ngày 28-3, pháo binh ta nổ súng tấn công sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn, cảng Sơn Trà, căn cứ Non Nước… cắt đứt đường rút chạy bằng đường không và đường biển của quân đội Sài Gòn.
Ở hướng Bắc và Tây bắc, Sư đoàn 325 và Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) theo quốc lộ 1 và đường 14, vượt qua đèo Phước Tượng, Lăng Cô, đèo Hải Vân, vào trung tâm thành phố rồi tiến ra bán đảo Sơn Trà. Hai trung đoàn của Sư đoàn 304 chiếm Trung tâm Huấn luyện Hòa Cầm, sau đó tiến vào sân bay Đà Nẵng.
Ở hướng Nam, Sư đoàn 2 (Quân khu 5) cùng bộ đội địa phương Quảng Đà vượt sông Thu Bồn đánh chiếm thị trấn Vĩnh Điện, theo đường số 1 tiến vào trung tâm thành phố Đà Nẵng, đánh chiếm căn cứ Bộ Tư lệnh Sư đoàn Không quân và Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1.
Các đơn vị của Mặt trận 4 Quảng Đà, được tăng cường một trung đoàn của Sư đoàn 2, đánh hướng Đông, chiếm các vị trí ven biển từ Non Nước, Ngũ Hành Sơn lên Sơn Trà. Tiểu đoàn 1 (Trung đoàn 96) theo quốc lộ 1 thọc vào trung tâm, cùng biệt động thành đánh chiếm Tòa Thị chính và Quân vụ thị trấn. Đúng 11h ngày 29-3, cờ Giải phóng tung bay trên nóc Tòa Thị chính, báo tin thành phố Đà Nẵng đã hoàn toàn giải phóng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 4: Huyền thoại sông Hàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.