Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 6: Chuyện lính biệt động

Đức Huy| 06/04/2010 07:19

(HNM) - Không hiểu thế nào mà suốt chặng Huế - Đà Nẵng - Tam Kỳ - Quy Nhơn - Tuy Hòa - Nha Trang, đến đâu tôi cũng được gặp những người lính biệt động năm xưa.

Sân bay quốc tế Đà Nẵng, nơi trước đây đã diễn ra những trận đánh ác liệt của biệt động thành Đà Nẵng.


Chiến công của biệt động quận Nhất

Những người biết chuyện thường bảo Kiều Đa là đặc công biệt động thành. Thêm hai từ "đặc công" là bởi trước năm 1975 ở Đà Nẵng có tới 4 loại đặc công: đặc công căn cứ chuyên đánh cứ điểm lớn, đặc công nước, đặc công cơ động thường đánh địch đi càn, dã ngoại. Lính đặc công biệt động, như đội của Kiều Đa được huấn luyện như đặc công thường, nhưng lại học thêm kỹ năng đánh trong thành phố.

Hồi ấy Đà Nẵng có 3 đội đặc công biệt động thành, đều mang tên Anh hùng Lê Độ. Kiều Đa chỉ huy đội cánh đông quận Nhất - được coi là địa bàn quan trọng nhất bởi cơ quan đầu não hành chính - quân sự của địch đều nằm ở đây.

Kiều Đa kể: "Bọn tôi hoạt động bất hợp pháp, hợp pháp đủ cả. Quan điểm là đánh lớn, lực lượng nhỏ, không đánh thì thôi, đã đánh là đánh sâu, hiểm, tưng bừng khói lửa nên địch sợ lắm. Như năm 1974, khi địch ném bom Thượng Đức giải vây cho Sư đoàn Thủy quân lục chiến, bọn tôi nhận lệnh đánh kho bom Đà Nẵng để chi viện cho mặt trận Thượng Đức. Lính đội tôi chỉ có anh Minh, đang làm nhiệm vụ bảo trì trong hàng ngũ địch là có thể nhận nhiệm vụ này. Thế là một mình Minh làm nổ tung kho bom lớn. Nói vậy để thấy giá trị của một lính biệt động thành".

Cuối tháng 3-1975, cơ hội giải phóng Đà Nẵng đã đến rất gần. Ngày 25-3, Kiều Đa về Điện Hòa nhận nhiệm vụ, được trên giao đánh Tòa thị chính, Sở chỉ huy Quân đoàn 1 ngụy, Đài phát thanh và khu Quân vụ thị trấn. Lúc ấy, trên cơ sở tình hình mặt trận Tây Nguyên và Huế, Bộ Chỉ huy mặt trận Quảng Đà xác định thời điểm tổng tiến công có thể là ngày 30 hoặc 31-3. Tới chiều 28-3, qua giao liên từ Điện Bàn, Kiều Đa biết địch đã rệu rã lắm rồi. Lính biệt động quận Nhất thì đã vào vị trí tập kết cả, có cần chờ đợi nữa không?

Sớm 29-3, Kiều Đa cùng đồng đội tìm đường vào nội thành. Địch chốt đầy cầu Cẩm Lệ, cầu Đỏ, thủy quân lục chiến nêm cứng Đò Xu. Kiều Đa cùng Trần Phú quay về đường Trưng Nữ Vương, vào đến Tòa thị chính thì đã 9 giờ sáng. Cả tòa nhà im ắng lạ thường. Họ xông vào, tầng 1 rồi tầng 2, tầng 3 la liệt súng ống, tài liệu. Những ly sữa vẫn còn ấm. Lính biệt động thành gỡ ảnh Nguyễn Văn Thiệu, cờ ba que...

Mũi đánh Sở chỉ huy Quân đoàn 1 không thuận lợi bằng mũi của Kiều Đa. Huỳnh Ngọc Châu, Khu trưởng biệt động Hòa Cường nói: "Lúc ấy, mũi của tôi có 15 người, được giao nhiệm vụ đánh từ Cẩm Lệ xuống Sở chỉ huy Quân đoàn 1 và chốt lại ở cầu Đờ-lát (nay là cầu Trần Thị Lý) để ngăn không cho địch chạy sang khu vực quận Ba. Chiếm UBND xã Hòa Cường, để lại 1 tổ, 7 người tiến ra cầu Trịnh Minh Thế (nay là Nguyễn Văn Trỗi) thì chạm thủy quân lục chiến địch. Đánh rất ác. Nguyễn Văn Dự hy sinh, 2 người khác bị thương. Ngày cuối cùng không đơn giản như nhiều người nghĩ đâu!".

Ai vào Tòa thị chính đầu tiên?
Đến bây giờ, đó dường như vẫn là câu hỏi mở, dù tấm bia trong khu vườn thuộc UBND TP Đà Nẵng (Tòa thị chính cũ) ghi công biệt động thành Đà Nẵng và các chiến sĩ Trung đoàn 96 (mặt trận Quảng Đà) là những người đầu tiên làm chủ Tòa thị chính.

Trong những ngày ở Đà Nẵng, chúng tôi đã được gặp nhiều lính biệt động thành, gặp Đại tá Hồ Viễn, phái viên Sư đoàn 2 (Quân khu V), người nhất quyết "chúng tôi (tức Sư đoàn 2 - Quân khu V) là những người chiếm sân bay Đà Nẵng chứ không phải xe tăng Quân đoàn 2 vào đầu tiên như mọi người nghĩ".

Đại tá Hồ Viễn nói: "Sau khi chiếm sân bay Đà Nẵng, chúng tôi lên xe chạy đến những mục tiêu quan trọng khác. Vào đến Tòa thị chính thì lính Trung đoàn 1 của Sư đoàn 2 đã ở đó rồi. Chuyện ai vào Tòa thị chính trước, thôi thì các anh muốn viết thế nào cũng được, vì có thể khu đó rộng, anh vào cửa trước, anh vào cửa sau, nhưng đó là những gì tôi chứng kiến".

Kiều Đa thì nói cụ thể hơn: "Lúc ấy, tôi giao cho 5-6 anh em ở gần chia nhau đi cắm cờ quanh khu vực và trên nóc Tòa thị chính. Tôi còn nhớ lối lên nóc tòa nhà khó lắm, phải chui qua lỗ mới lên được. Đêm ấy, đèn vẫn sáng choang, nước chảy ầm ầm. Đấy là nhờ công của ủy ban khởi nghĩa đã vận động, giác ngộ quần chúng tham gia giữ gìn thành phố".

Vậy thì ai đã vào Tòa thị chính đầu tiên?

Bà Phan Thị Hạnh, biệt danh hoạt động Mười “lì” ôn lại những hồi ức 35 năm trước.


Chuyện của Mười "lì"
Hôm vào Nha Trang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Khánh Hòa Nguyễn Ngọc Nhị giới thiệu với tôi gần chục địa chỉ, trong đó có "cô Mười lì". Chẳng cần tra hồ sơ, Trưởng ban Tuyên giáo của Hội, Nguyễn Quang Triệu cũng đọc được cho tôi địa chỉ của cô Mười: tổ 13, đường Đệ - phường Vĩnh Hòa - TP Nha Trang).

Cô Mười tên thật là Phan Thị Hạnh, sinh năm 1946, con gái duy nhất trong một gia đình có tới 10 anh em trai. Cũng như đa số lính biệt động, cô Mười gia nhập hàng ngũ những người "thoắt ẩn thoắt hiện" từ lúc 14-15 tuổi, đơn giản là "cha mẹ tôi theo cách mạng, cha thì ở tù mút mùa, họ Phan bị địch nắm đầu; đi học, ác ôn chỉ vào mặt nói đây là nhà cộng sản nòi, tôi thề có chết cũng phải trả thù".

Lúc thoát ly, "mấy ảnh Tỉnh ủy nói con gái, cho học đánh máy, tôi tuyên bố cho đánh thì ở, chứ không ngồi một chỗ". Đánh được mấy trận, địch bố phòng đầu trên đầu dưới, Phan Thị Hạnh vẫn bám địa bàn, "uýnh" liên tục. Có lần, cô cùng cấp trên là Đặng Nhiên vào nhà cơ sở, thế nào mà bị lộ. Địch quây kín, Phan Thị Hạnh cùng Đặng Nhiên rút lên lầu. Giữa lúc chín phần chết, Đặng Nhiên ghé tai: "Lộ rồi, sẵn sàng chết cho Tổ quốc nghe em". Cô Hạnh nói "Anh yên tâm!". Đặng Nhiên cầm tạc đạn chọi ngay giữa đội hình địch rồi cả hai lao xuống. "Tôi lao theo, K59 quất lia lịa rồi phóc qua bờ tường, đi suốt đêm về cơ sở ở Vĩnh Ngọc". Sau trận ấy, lính địch kể lại với nhau về "con mụ bay trên trời xuống" còn mấy chị trên Tỉnh ủy bảo "giờ phải gọi mày là Mười lì, vì mày lì quá thôi".

Mười "lì" có lối đánh rất bạo. Như người ta, đánh mìn thì rải dây cỡ dăm chục mét cho an toàn, Mười "lì" chỉ rải 20 mét, cho chắc ăn, mìn nổ là trào máu miệng vì sức ép. Đào hầm thì thích chọn ngay chỗ giáp địch. Những năm bám cơ sở, cô Mười đào cả thảy hơn bốn chục hầm, được dân ủng hộ mà lộ cũng nhiều. Nằm hầm, địch vây ráp, có khi chục ngày "không còn nước tiểu mà uống". Những lần bung hầm chọi lựu đạn tự giải vây, cô Mười đúc kết "quan trọng là phải giữ được bình tĩnh, đối mặt với cái chết là được". Địch ớn lắm, dán tường khắp Nha Trang treo giải thưởng 1 triệu đồng và biệt thự cho ai bắt được Mười "lì". Cô Mười nghe chuyện, đêm đến ra đường dán thông điệp "giá đó còn quá rẻ!"...

Giải phóng Nha Trang rồi, sau này cũng có nhiều lần phản động tìm cách hại gia đình Mười "lì". Cô Mười chuyển ra ngoại ô, khu đồi trống ở đường Đệ bây giờ. "Lúc ấy, cả khu đồi không có một bóng người. Tôi dựng túp lều tạm, đèn dầu leo lét. Đào giếng, hỏng 8 cái quạt thông gió mới có nước". Thương binh 2/4, đến giờ đầu vẫn còn mảnh đạn, lại bị ảnh hưởng chất độc da cam, Phan Thị Hạnh vẫn không khi nào ngừng nghĩ về những người đã nuôi nấng mình trong chiến tranh. "Cơ sở tội lắm, lộ là cả nhà tan nát. Có công là vậy mà giờ nhiều người rất khổ", cô Mười nói.

Bởi thế mà Phan Thị Hạnh phấn đấu làm giàu, "khá lên mới giúp được nhiều người, chứ phần tôi hưởng chế độ người nhà liệt sĩ, lại là thương binh nặng, có gì phải nghĩ nhiều". Cô Mười "lì" ngày nào giờ đã là gương điển hình CCB sản xuất giỏi toàn quốc, được 500 dân bầu làm tổ trưởng tổ dân phố 13. Là chủ doanh nghiệp Hòa Hiệp chuyên về chăn nuôi, trồng trọt, vận tải, bỏ tiền làm đường đã đành, tết nào cô Mười cũng đi xin tài trợ cho dân. "Có cho tiền tôi cũng không lấy, chỉ nhận dầu ăn, mì, gạo về phát tại chỗ. Tết vừa rồi tôi xin được hơn 4 tấn gạo, mì cho dân đó" - cô Mười nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 6: Chuyện lính biệt động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.