Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoạt động xúc tiến du lịch: Triển khai tùy tiện, thiếu chuyên nghiệp

Thu Trang| 24/02/2010 07:35

(HNM) - Ngay trong dịp Tết Canh Dần, tín hiệu vui đã đến với ngành du lịch Việt Nam khi hầu hết các điểm du lịch đều thu hút nhiều khách trong và ngoài nước (tăng từ 30 đến 50% so với Tết Kỷ Sửu). Tuy nhiên, để có được sự tăng trưởng ổn định và lâu dài, ngành du lịch cần có chiến lược quảng bá, xúc tiến bài bản - điều mà trong suốt 10 năm qua (từ năm 2000 đến 2009) vẫn chưa thực hiện được một cách rõ ràng. Bước sang năm 2010, hoạt động xúc tiến du lịch có tạo được bước đột phá?

Đầu năm 2010, đông đảo khách du lịch quốc tế đã đến tham quan Hà Nội. Ảnh: Lê Tuấn


Thiếu chuyên nghiệp suốt 10 năm

Gần 10 năm qua, ngân sách trung ương chi cho hoạt động xúc tiến du lịch vào khoảng 150 tỷ đồng nhưng ông Nguyễn Quý Phương, Vụ phó Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) vẫn cho rằng khoản kinh phí đó là quá eo hẹp. Điều đó lý giải vì sao hoạt động xúc tiến du lịch của Việt Nam ở nước ngoài thiếu tính chuyên nghiệp và luôn gặp khó khăn.

Theo ông Phương, thay vì tổ chức các hoạt động xúc tiến liên tục tại một số thị trường trọng điểm, ngành du lịch mới thực hiện được 1 sự kiện/năm (hoặc tại hội chợ, hoặc tại road show - quảng bá điểm đến). Với hình thức xúc tiến như vậy, du lịch Việt Nam không tạo được tiếng vang với giới truyền thông và các hãng lữ hành ở nước ngoài. Trong khi đó, các nước trong khu vực thường dành cho xúc tiến du lịch khoảng vài chục triệu USD/năm. Một số nước như Thái Lan, Malaixia, Inđônêxia đã chi ít nhất 1 triệu USD cho một lần tham gia hội chợ ITB Berlin (Đức).

Ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, trong khi ở nhiều nước trên thế giới có quỹ dự phòng du lịch thì Việt Nam lại không có. Do đó, khi chương trình khuyến mãi kích cầu du lịch "Ấn tượng Việt Nam" trong năm 2009 được triển khai, ngành du lịch chỉ đủ sức quảng bá ở trong nước chứ không thể khuếch trương ra nước ngoài. Nếu được quảng bá rầm rộ, chắc chắn lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2009 sẽ không dừng lại ở con số 3,8 triệu lượt người.

Một hạn chế lớn cho công tác xúc tiến cũng được ông Nguyễn Quý Phương thẳng thắn chỉ ra, đó là ngành du lịch nước ta không có văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm. Điều đó khiến cho mọi thông tin về tiềm năng du lịch Việt Nam không đến được với bạn bè quốc tế. "Thông thường, các nước đều mở văn phòng đại diện tại các thị trường trọng điểm và nhờ đó, họ có thể đạt mức 80-100 nghìn lượt khách đến mỗi năm", ông Phương nói.

Du khách "một đi không trở lại"
Dựa vào kinh nghiệm nhiều năm làm xúc tiến, vị Chủ tịch Tập đoàn Interface Tourism (Pháp) đã nhận xét: Việt Nam có cả một kho tàng văn hóa lịch sử phong phú cùng vô vàn cảnh đẹp mà tạo hóa ban tặng nhưng các bạn lại không biết tận dụng và phát huy lợi thế. Đơn cử như nước láng giềng Thái Lan, dù không có được bề dày lịch sử hay phong cảnh sơn thủy hữu tình như Việt Nam nhưng họ lại làm du lịch rất chuyên nghiệp. Một nghiên cứu cho thấy, trong số các du khách Pháp đến Thái Lan thì có 1/3 đến lần đầu, 1/3 đến lần thứ hai và 1/3 đã đến nước này nhiều lần. Điều đáng buồn là với Việt Nam, có 85% khách Pháp chỉ đến một lần".

Còn theo ông Paul Stoll, Tổng Giám đốc Tập đoàn Celadon International, khoảng một nửa trong số 1 tỷ du khách trên thế giới thuộc dạng allocentric (ít quan tâm đến giá, có học vấn, thích điểm đến mới, quan tâm đến văn hóa và con người...) và 1/3 số này thích đến châu Á. Như vậy, lượng khách dạng trên có vào khoảng 160 triệu người và họ có quan tâm đến Việt Nam. Tuy nhiên, mỗi năm Việt Nam mới đón được 4 triệu trong số đó. Còn Thái Lan đã thu hút 15 triệu, Malaixia 22 triệu, Inđônêxia 6,3 triệu và Trung Quốc là 126 triệu khách.

Vị chuyên gia này cho rằng, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế thu lợi nhuận cao thì cần tập trung đầu tư cho công tác quảng bá, xúc tiến. Dù hoạt động này đòi hỏi nguồn kinh phí lớn nhưng hiệu quả mang lại rất cao. Trung bình, nếu bỏ ra 1 đồng sẽ thu về 6, thậm chí là 10 đồng.

Bao giờ mới hiệu quả?
Để công tác quảng bá du lịch đạt hiệu quả, theo ông Paul Stoll, ngay trong năm 2010, Việt Nam cần phải tập trung quảng bá và xây dựng hình ảnh thông qua các sản phẩm du lịch đặc trưng như món ăn ngon, bộ môn nghệ thuật đặc trưng, di tích, võ thuật... Đặc biệt, "sản phẩm" du lịch mà Việt Nam cần đầu tư quảng bá trong năm 2010 là Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, Năm Du lịch quốc gia 2010 và Festival Huế.

Không cần phải có một chương trình quảng cáo quá tốn kém, ông Paul Stoll nói, việc quảng bá nên được thực hiện thông qua mạng truyền thông xã hội và công cộng có hợp đồng với một công ty PR (truyền thông) giỏi. Công ty này sẽ sử dụng kiến thức, sự am hiểu thị trường để tạo ra một chiến lược quảng cáo và quảng bá phối hợp dựa trên khẩu hiệu như "Hãy đến với Việt Nam bây giờ" (nhằm gửi thông điệp "Bây giờ là lúc Việt Nam cần du khách chứ không phải là sau này"). Bên cạnh đó, Việt Nam nên hợp đồng với các văn phòng đại diện ở nước ngoài để quảng bá du lịch. Đó là cách làm hiệu quả bởi các văn phòng như thế này hiểu rõ thị trường nước sở tại.

Theo ông Nguyễn Quý Phương, Tổng cục Du lịch cần sớm xây dựng thương hiệu mới (logo và slogan marketing) phù hợp với giai đoạn phát triển tới đây của ngành du lịch. Để công tác xúc tiến du lịch thực sự đạt hiệu quả, sự ủng hộ của các ngành, các cấp và sức mạnh tổng lực của các doanh nghiệp du lịch vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động xúc tiến du lịch: Triển khai tùy tiện, thiếu chuyên nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.