Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đền tội sau 8 năm bị truy lùng

Minh Nhật| 22/03/2010 07:34

(HNM) - Gần 11 giờ trưa ngày 9-3, một chiếc xe máy đỗ xịch trước cửa quán cà phê internet tại Pamulang, phía Tây thủ đô Giacácta (Inđônêxia). Người đàn ông đi xe tuổi độ từ 30 đến 40 bước vào quán, trong khi người phụ nữ đi cùng sang trung tâm thẩm mỹ bên cạnh. Khoảng 10 phút sau, quán cà phê hai tầng này nhanh chóng nằm dưới sự kiểm soát của đơn vị chống khủng bố Inđônêxia, Detachment 88.

Cảnh sát trưởng Inđônêxia công bố bức ảnh của tên Đumatin đã bị tiêu diệt.


Người ta nghe thấy tiếng súng vang lên và sau đó một thi thể được đưa ra. Người phụ nữ ở cửa hàng kế bên cũng bị bắt giữ cùng người quản lý của khu tổ hợp thương mại. Ngay sau đó, một số nguồn tin đã nhận định, nhiều khả năng kẻ bị bắn chết là Đumatin, phần tử vũ trang bị truy lùng gắt gao nhất xứ Vạn đảo.

Một ngày sau, kết quả giám định ADN chứng minh thông tin trên là sự thật. Đumatin, nghi phạm chính cuối cùng trong vụ đánh bom Bali thảm khốc năm 2002 đã bị tiêu diệt sau những cuộc săn lùng gắt gao của lực lượng an ninh. Cuộc tấn công này là một phần của chiến dịch truy quét các phần tử khủng bố ở khắp Inđônêxia sau khi nhà chức trách phát hiện một trại huấn luyện Hồi giáo ở Achê, trên đảo Xumatra vào tháng trước.

Đumatin còn được biết đến với cái tên Joko Pitono và có biệt danh "Thiên tài", là một thành viên cao cấp của nhóm vũ trang Jemaah Islamiah (JI). Hắn là một chuyên gia thuốc nổ và được cho là kẻ đã kích hoạt những quả bom trong vụ khủng bố Bali bằng điện thoại di động cũng như lên kế hoạch cho hành động tấn công bằng bom xe trong vụ đánh bom kinh hoàng ngày 12-10-2002, cướp đi sinh mạng của 202 người, một nửa trong số đó là công dân Ôxtrâylia. Không chỉ nhà chức trách Inđônêxia săn đuổi y, Chính phủ Mỹ cũng đã treo giải thưởng 10 triệu USD cho ai cung cấp thông tin để bắt giữ hoặc hạ sát Đumatin. Điều đó cho thấy mức độ ảnh hưởng và nguy hiểm của phần tử khủng bố khét tiếng này.

Mang quốc tịch Inđônêxia và sinh ra tại miền Trung Giava năm 1970, Đumatin xuất thân là một nhân viên bán xe hơi. Chưa rõ thời điểm chính xác hắn bắt đầu tham gia các hoạt động cực đoan, song tên này là một trong những nhân vật thân tín của Adahari Huxin, một trong những kẻ chủ mưu vụ đánh bom Bali cùng một số vụ khủng bố khác và đã bị tiêu diệt năm 2005. Do vậy, cho dù không được huấn luyện một cách bài bản, Đumatin vẫn có những kỹ năng đặc biệt và nhiều người tin là do sự hướng dẫn của Adahari. Theo Asia Pacific Foundation, phần tử này nằm trong số ít thành viên của JI có thể chế tạo và kích nổ những quả bom clorat và nitrat cỡ lớn.

Tuy nhiên, Đumatin cũng đã từng tham gia huấn luyện tại một trại khủng bố ở Ápganixtan trước khi trở về Inđônêxia vào giữa những năm 1990, nơi hắn là thành viên thường xuyên của trường Hồi giáo tại Xôlô do Abu Baka Baasyir, lãnh đạo tinh thần của JI thành lập. Nhưng, cái tên Đumatin chỉ bắt đầu "mang tầm cỡ quốc tế" khi hắn được xác định là nghi phạm chủ chốt trong vụ đánh bom thảm khốc trên hòn đảo du lịch Bali.

Trên thực tế, Đumatin đã dạt sang miền Nam Philíppin từ năm 2003, sau vụ Bali và tham gia huấn luyện các tay súng vũ trang ở những trại khủng bố bí mật. Năm 2005, quân đội nước này thông báo đã tiêu diệt được y trong một cuộc không kích. Tuy nhiên, tin tức trên sau đó được xác định là không chính xác. Sau đó 2 năm, vào tháng 1-2007, phía Philíppin lại cho biết, Đumatin đã trúng đạn trong một cuộc đụng độ giữa quân chính phủ và lực lượng Abu Sayyaf nhưng không rõ mức độ.

Các nhà nghiên cứu chủ nghĩa khủng bố trong khu vực lo ngại Đumatin và một số thành viên khác của JI, đặc biệt là Umar Patếch đã liên minh với Abu Sayyaf, nhóm vũ trang cực đoan tại miền Nam Philíppin. Theo đó Abu Sayyaf sẽ hỗ trợ JI và đổi lại, tổ chức vũ trang này hướng dẫn việc chế tạo bom và huấn luyện cho lực lượng Abu Sayyaf.

Tiêu diệt Đumatin được xem là một thắng lợi lớn trong nỗ lực chống khủng bố của lực lượng an ninh Inđônêxia; đồng thời kết thúc cuộc truy tìm dài ngày một trong những kẻ đã gây ra cái chết của 202 người trong vụ khủng bố khủng khiếp gần 8 năm trước.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đền tội sau 8 năm bị truy lùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.