Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mặt trời không thể cứu trái đất khỏi hiện tượng ấm lên toàn cầu

H.V| 16/03/2010 16:41

(HNMO) - Mặt trời xuất gần như toàn bộ năng lượng vào bầu khí quyển của trái đất thông qua sự bức xạ điện từ. Vì vậy, khi ngôi sao gần chúng ta nhất giảm lượng phát nhiệt, có người nghĩ rằng, bầu khí quyển của trái đất sẽ lạnh hơn, hoặc ít nhất, không nóng lên.


Xét ở góc độ nào đó, điều này là sự thật.

Nhưng một nghiên cứu xuất bản trên tạp chí Lá thư nghiên cứu địa vật lý cho biết, thậm chí cả khi mặt trời bắt đầu một giai đoạn dài hoạt động ì trệ thì điều này cũng không thể kìm hãm được sự nóng lên của trái đất do hiệu ứng khí gas nhà kính.

Kể từ thế kỷ 13, mặt trời đã trải qua 4 giai đoạn hoạt động ì trệ, trong đó có 1 giai đoạn được cho là đã góp phần dẫn tới hiện tượng nhiệt độ thấp một cách bất thường ở châu Âu vào thế kỷ 17 và 18 (còn được gọi là Kỷ băng hà ngắn ngủi). Giai đoạn lạnh giá kéo dài này xảy ra đồng thời với một giai đoạn yên lặng rất dài trên bề mặt mặt trời.


Dẫu mặt trời bước vào giai đoạn hoạt động ì trệ kéo dài, cũng không thể giúp trái đất tránh khỏi sự ấm lên toàn cầu do hiệu ứng nhà kính gây ra.


Lần theo số lượng điểm đen mặt trời, các nhà thiên văn học nhận thấy rằng, từ năm 1645 đến 1715, đĩa của mặt trời hoàn toàn "trắng".

Nếu mặt trời thiếu các điểm đen, điều này có nghĩa rằng, đó là một sự suy giảm về năng lượng từ, thể hiện một sự sản xuất năng lượng thấp hơn. Điển hình, cứ mỗi 11 năm, mặt trời lại đi qua các đỉnh và các đáy trong sản xuất năng lượng.

Vậy nếu mặt trời lại tiếp tục một giai đoạn ỳ trệ kéo dài khác thì sao? Liệu rằng chu trình này của mặt trời có thể làm chậm lại, hoặc thậm chí là đảo ngược, sự nóng lên của trái đất do hiệu ứng nhà kính gây ra hay không?

"Quan điểm rằng chúng ta sẽ trải qua một Kỷ băng hà ngắn ngủi mới nếu mặt trời thực sự đi vào giai đoạn hoạt động ì trệ là hoàn tòan sai", Georg Feulner thuộc Viện nghiên cứu ảnh hưởng khí hậu Potsdam, trưởng nhóm nghiên cứu nói.

Nếu việc thải khí gas gây hiệu ứng nhà kính vẫn tiếp tục tăng lên mà không được ngăn chặn thì nhiệt độ trung bình toàn cầu được dự đoán sẽ tăng thêm từ 3,7-4,5 độ C vào cuối thế kỷ 21. Và nếu mặt trời bước vào một giai đoạn hoạt động ì trệ kéo dài khác thì sự suy giảm về nhiệt lượng mặt trời cũng chỉ có thể làm giảm độ nóng trên trái đất được khoảng 0,3 độ C vào cuối thế kỷ này.

Mặt trời không thể giúp chúng ta chống đỡ được với sự nóng lên toàn cầu. Sự ấm lên toàn cầu sẽ lấn át bất cứ tác động "làm lạnh" nào từ sự giảm sản xuất năng lượng của mặt trời.

Julie Arblaster, nhà nghiên cứu khí hậu thuộc Viện khí tượng học Úc và Trung tâm quốc gia nghiên cứu về khí quyển ở Colorado cho rằng, những kết luận trong nghiên cứu mới nhất hoàn toàn thống nhất với những nghiên cứu trước đó được tiến hành khi thử tìm hiểm mối quan hệ phức tạp giữa mặt trời và khí quyển trái đất.

Tuy nhiên, bà chỉ ra rằng, việc suy giảm 0,25% trong sự chiếu rọi của mặt trời là "sự suy giảm lớn nhất mà chúng ta có thể hi vọng trong thế kỷ tới".

"Điều này cho thấy rằng bất cứ thay đổi nào của mặt trời, thậm chí là những thay đổi lớn, sẽ chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ trong việc làm giảm sự ấm lên toàn cầu", bà nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mặt trời không thể cứu trái đất khỏi hiện tượng ấm lên toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.