Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều doanh nghiệp nỗ lực tìm đầu ra

Khánh Khoa| 18/02/2010 07:09

(HNM) - Sau nhiều năm phải nhập khẩu xi măng và clinke để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước, từ năm 2010, lượng xi măng sản xuất trong nước được dự báo sẽ vượt nhu cầu tiêu thụ trong nước. Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi các địa phương, đề nghị dừng việc đăng ký đầu tư dự án xi măng mới và thực hiện các giải pháp kích cầu thị trường xi măng nội địa.


Đến năm 2015 sẽ thừa 14 triệu tấn xi măng?


Công ty Cổ phần Xi măng  Tiên Sơn, huyện ứng Hòa. Ảnh: Bá Hoạt


Tính đến cuối năm 2009, cả nước đã có 97 dây chuyền sản xuất xi măng, với tổng công suất thiết kế 57,4 triệu tấn được đầu tư và đưa vào khai thác. Như vậy, năm 2010, với 18 dây chuyền xi măng mới dự kiến được hoàn thành, tổng công suất xi măng thiết kế sẽ được bổ sung thêm 11,72 triệu tấn/năm. So với nhu cầu tiêu thụ, sản lượng xi măng sản xuất trong nước sẽ vượt khoảng 2 triệu tấn. Năm 2011, với dự kiến 12 dây chuyền mới hoàn thành, đưa vào khai thác, sản lượng xi măng sản xuất sẽ vượt nhu cầu 8 triệu tấn. Năm 2012, dự kiến sản lượng xi măng sản xuất vượt 15 triệu tấn so với nhu cầu tiêu thụ khi có thêm 7 dây chuyền mới đưa vào khai thác. Đến năm 2015, so với nhu cầu, lượng xi măng sản xuất trong nước sẽ vượt khoảng 14 triệu tấn. Sau nhiều năm phải nhập khẩu xi măng và clinke, từ năm 2010, Việt Nam đứng trước nguy cơ dư thừa xi măng. Vì vậy, ngay từ đầu năm 2010, Bộ Xây dựng đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ đề nghị ngừng đăng ký đầu tư các dự án xi măng, hoãn triển khai một số dự án xi măng đầu tư mới đang trong giai đoạn chuẩn bị thủ tục và các dự án quy mô nhỏ; đồng thời giãn tiến độ để có thể vận hành sau năm 2015 các dự án đã chuẩn bị đầu tư nhưng chưa sử dụng đến nguồn vốn vay từ ngân hàng, chưa ký hợp đồng mua sắm thiết bị.

Xuất khẩu hay kích cầu nội địa?

Trước tình hình sản lượng sản xuất trong nước có thể vượt nhu cầu tiêu thụ, kích cầu xi măng được xem là giải pháp quan trọng nhằm mở rộng thị trường cho ngành. Theo Bộ Xây dựng, căn cứ trên tăng trưởng GDP, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản... nếu có giải pháp tăng lượng tiêu thụ xi măng cho công trình giao thông, xây dựng thì sức tiêu thụ xi măng sẽ tăng đáng kể. Vì vậy, Bộ đã kiến nghị và Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo nghiên cứu triển khai chương trình xây dựng đường giao thông bằng bê tông xi măng và chương trình thay thế gạch đất nung bằng gạch không nung. Đường bê tông xi măng cũng được lồng ghép trong các chương trình xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn, hạ tầng kỹ thuật nông thôn (làm đường liên thôn, liên xã, liên huyện, đường biên giới...). Nếu chương trình thay thế gạch đất nung vừa kích cầu tiêu thụ xi măng, vừa tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và tạo điều kiện công nghiệp hóa ngành xi măng thì làm đường bằng bê tông xi măng có tính ổn định, tuổi thọ công trình cao hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, việc triển khai chương trình còn chậm, bởi vốn đầu tư cho đường bê tông xi măng lớn hơn bê tông nhựa thông thường.

Ngoài kích cầu trong nước, nhiều DN đã tính đến việc tìm đường "xuất ngoại" cho sản phẩm của mình. Nhằm tạo điều kiện, khuyến khích DN xuất khẩu xi măng, Bộ Xây dựng cũng đề nghị ban hành cơ chế hỗ trợ chuẩn bị thị trường, tăng cường xúc tiến thương mại từ trước năm 2010. Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) được coi là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đưa xi măng ra thị trường quốc tế, tạo cơ hội lớn cho việc xuất khẩu mặt hàng này. Năm 2009, các nhà máy xi măng mang thương hiệu Vinaconex như xi măng Cẩm Phả, xi măng Yên Bình đạt sản lượng hơn 2,5 triệu tấn. Ngoài phần tiêu thụ trong nước, trong đó phần lớn chuyển vào bình ổn cho thị trường phía Nam, một phần sản phẩm đã được xuất khẩu. Chia sẽ kinh nghiệm từ chính các đơn vị thành viên của mình, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem) Nguyễn Ngọc Anh cho rằng, điều đầu tiên phải làm để đưa sản phẩm ra thị trường thế giới chính là tự đổi mới tư duy. "Còn tình trạng cát cứ, giấu thông tin, không biết chia sẻ giữa các DN trong cùng tổng công ty hay nói cách khác, các DN không có sự đồng lòng, chung sức, cùng hướng đến mục tiêu chung thì sản phẩm Việt Nam khó lòng tìm được sức mạnh, vươn ra châu lục, thế giới"- ông Ngọc Anh nói.

Tuy nhiên, dù kích cầu thị trường trong nước hay xuất khẩu, vấn đề cốt tử vẫn là khâu quy hoạch và dự báo phải chuẩn xác. Thực tế đã cho nhiều bài học đắt mà việc dư thừa sản phẩm hôm nay là sự trả giá cho việc quy hoạch và dự báo thiếu chuẩn xác của ngày hôm qua.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhiều doanh nghiệp nỗ lực tìm đầu ra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.