Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

Hương Ly| 19/02/2010 07:34

(HNM) - Báo cáo môi trường kinh doanh năm 2009 do Ngân hàng thế giới (WB) công bố cho thấy, nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam phải tốn tới hơn 1.000 giờ trong năm để thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) thuế. Kết quả rà soát do Tổng cục Thuế cũng cho thấy, có tới 258/338 thủ tục cần được đơn giản hóa.


Ngành thuế đặt mục tiêu cắt giảm 30% TTHC, chống tham nhũng, lãng phí và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng cho DN. Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Hạnh Thu, đây là con đường duy nhất để ngành chuyển mình, đáp ứng yêu cầu quản lý theo mô hình hiện đại, tạo sự chuyển biến về "chất" trong công tác.

76% thủ tục thuế cần được đơn giản hóa

Hướng dẫn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục nộp thuế tại Chi cục Thuế quận Ba Đình.  Ảnh: Trung Kiên


Tại hội thảo "Đơn giản hóa TTHC thuế theo Đề án 30 của Chính phủ" diễn ra mới đây tại Hà Nội, Tổng cục Thuế đã công bố kết quả khảo sát 338 TTHC thuế hiện hành. Theo đó, ngành thuế đề nghị bãi bỏ 11, thay thế 4, sửa đổi bổ sung 243 TTHC; đề nghị bỏ 27 mẫu đơn, sửa đổi, bổ sung 185 mẫu đơn, mẫu tờ khai. Ngành đề xuất đơn giản hóa 258/338 TTHC, đạt 76%. Từ thực tế trong thu ngân sách nhà nước, nhiều cán bộ trong ngành đã đề xuất phương án tiếp tục đơn giản hóa TTHC. Phó trưởng ban Kê khai Trần Ngọc Kim nhận xét, vẫn còn nhiều thông tin trên biểu mẫu tờ khai quy định chưa phù hợp, làm cho người nộp thuế thường khai thiếu hoặc khai không đúng. Việc kết nối liên thông giữa các cơ quan thuế - sở kế hoạch và đầu tư - công an trong việc cấp đăng ký kinh doanh, mã số thuế, con dấu cho DN mới thành lập chỉ dừng lại ở cơ chế giải quyết, chưa có sự tích hợp thông tin. Mặc dù đây là mô hình "Một cửa liên thông", song trên thực tế các cơ quan vẫn phải nhập số liệu nhiều lần, hồ sơ luân chuyển thủ công, tiêu tốn nhiều thời gian và công sức cho cả cơ quan quản lý và DN. Để đơn giản thủ tục đăng ký thuế (ĐKT), cần phân loại theo nhóm đối tượng kinh doanh và theo quy trình, trong đó, quy định rõ thủ tục ĐKT mới, thủ tục thay đổi thông tin... Nên rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục ĐKT từ 5 ngày xuống 2-3 ngày tại cấp cục, từ 10 ngày xuống 5 ngày tại cấp chi cục thuế. Về lâu dài, cần hợp nhất thủ tục cấp mã số thuế cá nhân với số chứng minh thư nhân dân...

Liên quan đến thủ tục hoàn thuế, nhiều đại biểu cho rằng, theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, thủ tục hoàn thuế được chia thành hai trường hợp: hoàn thuế trước, kiểm tra sau và kiểm tra trước hoàn thuế sau. Tuy nhiên hiện nay, các quy định chưa làm rõ trường hợp nào, đối tượng nào, loại thuế nào sẽ hoàn thuế trước hay hoàn thuế sau. Vì vậy, quy định hoàn thuế hiện hành với 36 thủ tục còn khá rắc rối, người nộp thuế không biết mình thuộc diện nào và phải chờ đợi bao lâu mới được hoàn thuế. Cán bộ thuế cũng lúng túng trong việc phân loại hồ sơ hoàn thuế. Để hoàn thuế nhanh, nên đơn giản hóa thủ tục này theo hướng người nộp thuế sau khi tính toán, nếu thấy đủ điều kiện được hoàn thuế theo quy định thì đánh dấu vào ô đề nghị hoàn thuế. Hồ sơ kèm theo chỉ nộp những thông tin phục vụ việc kiểm tra, đối chiếu nhằm giảm tải công việc cho cơ quan thuế và thời gian chờ đợi...

Giảm thủ tục gắn với giảm chi phí

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Hạnh Thu nhấn mạnh, việc thực hiện Đề án 30 trong ngành phải gắn với 2 nhiệm vụ cụ thể: cắt giảm trên 30% TTHC và việc cắt giảm này phải giảm bớt chi phí cho người nộp thuế. Việc loại bỏ bớt thủ tục thuế không thực sự cần thiết nhằm tạo thuận lợi cho DN nhưng vẫn phải bảo đảm quản lý chặt chẽ các đối tượng nộp và tránh rủi ro cho cơ quan thuế. Năm 2010, một trong ba mục tiêu lớn của ngành là đẩy mạnh cải cách, hiện đại hóa hệ thống và nâng cao chất lượng đội ngũ, tăng cường kỷ luật. Cải cách, hiện đại hóa là nhiệm vụ cấp bách, có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo động lực để hoàn thiện ngành, từ đó tác động tích cực tới phát triển kinh tế - xã hội. Cơ quan thuế các cấp phải tạo ra sự chuyển biến thật sự về cải cách TTHC; hiện đại hóa nghiệp vụ kê khai, nộp thuế điện tử và xây dựng cơ sở thông tin về người nộp thuế... đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại. Toàn ngành cần siết chặt kỷ luật nội bộ, đổi mới phương pháp làm việc nhằm tạo sự chuyển biến về chất trong công tác.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.