Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo Luật Thuế môi trường: Khuyến khích sản xuất sạch

Hương Ly| 19/03/2010 08:10

(HNM) - Ô nhiễm môi trường luôn là vấn đề "nóng". Do vậy dự thảo Luật Thuế MT thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Dự kiến, những mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường như xăng, dầu, túi ni lông, thuốc bảo vệ thực vật... sẽ phải nộp thuế MT.

Các chuyên gia cho rằng, việc thu thuế MT sẽ khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh (SXKD) theo mô hình "sạch" và tăng thêm nguồn thu cho ngân sách. Tuy nhiên, việc thu thuế phải hợp lý, tránh hệ lụy ảnh hưởng đến hoạt động SXKD.

Chính sách bảo vệ môi trường còn bất cập

Tình trạng SXKD gây ô nhiễm MT thời gian qua đã cho thấy những bất cập trong việc thực thi và áp dụng chính sách bảo vệ MT ở nước ta. Tại hội thảo góp ý dự thảo Luật Thuế môi trường do Bộ Tài chính phối hợp với Dự án Star-Vietnam (USAID - Mỹ) diễn ra mới đây tại Vĩnh Phúc, nhiều đại biểu đã góp những ý kiến xác thực nhằm giảm tác động xấu của sản xuất và tiêu dùng đến MT; nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thải gây ô nhiễm.

Xăng và  những mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sẽ phải đóng thuế. Ảnh: Duy Tuấn

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh, việc ban hành và thực thi chính sách bảo vệ MT ở nước ta còn nhiều bất cập, các quy định về phí MT hiện hành mới chỉ dừng lại ở mục tiêu huy động đóng góp một phần của những đối tượng xả thải, hỗ trợ làm sạch MT. Trong các sắc thuế có liên quan như thuế tiêu thụ đặc biệt, thu nhập DN, xuất nhập khẩu, mục tiêu bảo vệ MT chỉ là lồng ghép. Việc ban hành Luật Thuế MT sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, khuyến khích phát triển kinh tế đi liền với giảm ô nhiễm MT; nâng cao ý thức bảo vệ MT của toàn xã hội, góp phần thay đổi nhận thức của nhân dân trong sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời, luật này sẽ giúp tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ MT; thực hiện cam kết của Chính phủ với cộng đồng quốc tế...

Nội dung của dự thảo lần này đã được cụ thể hóa. Khi Luật Thuế MT được thực thi, các nhóm hàng gây ảnh hưởng xấu tới MT và tổn hại đến sức khỏe con người, như túi nhựa xốp và thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm hạn chế sử dụng… sẽ phải trả phí MT. Một số mặt hàng như thuốc lá, pin ắc quy, axít vô cơ, sơn công nghiệp… sẽ tạm thời chưa áp dụng thuế MT do đã trả phí bảo vệ MT hay phí tiêu thụ đặc biệt.

Cân nhắc "liều lượng" khi thu thuế

Theo các chuyên gia, quy định đối tượng chịu thuế của Luật Thuế MT cần mở rộng phạm vi áp dụng cho cả những hành vi, những quy trình sản xuất gây tổn hại tới MT. Bởi mức độ thiệt hại và hậu quả của những hành vi gây ô nhiễm sẽ tác động lâu dài và nặng nề hơn nhiều so với các sản phẩm hàng hóa. Điều đó sẽ bảo đảm tính công bằng để điều chỉnh các mối quan hệ kinh tế trong thị trường. Tuy nhiên, việc sử dụng công cụ thuế như một giải pháp tài chính điều chỉnh sản xuất và tiêu dùng theo hướng bảo vệ MT nếu "liều" và "lượng" không hợp lý sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh, khó kích thích hoạt động của DN và khó đạt được mục tiêu thay đổi nhận thức, thói quen của người tiêu dùng. Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than và khoáng sản cho biết, khung thuế từ 6 đến 30 đồng/kg cho các sản phẩm của ngành là khá cao và chưa sát với thực tế. Quặng cũng nên được xếp vào danh sách đối tượng chịu thuế nhằm mục tiêu khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, giảm sự phụ thuộc vào năng lượng có nguồn gốc hóa thạch... Chuyên gia Andrew Stephens, đại diện dự án Star-Vietnam cho rằng, từ kinh nghiệm thực tiễn của các nước như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… bên cạnh việc ban hành Luật Thuế MT, Việt Nam cần khuyến khích các sáng kiến, các giải pháp thay thế, đủ sức cạnh tranh, độ tin cậy và an toàn, đồng thời cần tạo thêm cơ hội lựa chọn cho nhà SXKD và người tiêu dùng tìm đến những phương pháp giảm ô nhiễm mới.

Tại tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây có nêu rõ, việc thu thuế phải tính đến sự hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm năng lực cạnh tranh và xuất khẩu của hàng hóa; phân biệt rõ thuế MT đánh vào sản phẩm gây ô nhiễm khi sử dụng và phí bảo vệ MT đánh vào nguồn gây ô nhiễm khi sản xuất. Như vậy, sau khi ban hành, Luật Thuế MT sẽ góp phần khuyến khích các hành vi sản xuất "sạch" và góp phần tăng thu cho ngân sách. Theo kế hoạch, dự thảo Luật Thuế MT sẽ trình, xin ý kiến Quốc hội vào tháng 5 và có thể được thông qua vào tháng 10-2010.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo Luật Thuế môi trường: Khuyến khích sản xuất sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.