Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đất đã chuyển mình

Ghi chép của Lê Hoàng Anh| 01/04/2010 07:18

(HNM) - Mới ngoài 50 tuổi nhưng xem ra Chủ tịch UBND xã An Phú (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) Nguyễn Thế Nghĩa có bề dày đáng nể về thời gian tham gia công tác ở địa phương. Tính đến năm 2010 này, ông Nghĩa đã làm Chủ tịch được 6 năm và trước đấy là 14 năm giữ cương vị Phó Chủ tịch UBND xã.

Do đó, mọi chuyện của An Phú ông tương đối rành rọt, lại thêm cái chất lính (ông vốn là bộ đội xuất ngũ trở về quê hương) nên cách trả lời các câu hỏi của ông khá thẳng và mộc. Và cứ thế, tôi đã hiểu thêm nhiều về cái xã duy nhất của Thủ đô còn nằm trong diện 135, tức là thuộc dạng được ưu tiên đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo…

Vùng trũng... trũng đủ mọi đường

Với 23 cây số vuông, xã An Phú chiếm khoảng 10% diện tích của huyện Mỹ Đức. Như vậy, so với 22 xã trong huyện, An Phú không nghèo về diện tích. Tuy nhiên, trên thực tế thì An Phú lại… không giàu. Nếu như bình quân thu nhập đầu người của toàn huyện đạt 7,4 triệu đồng/năm - một con số cũng còn khá khiêm tốn, thì ở An Phú con số đó mới là hơn 3,2 triệu đồng, có nghĩa là trung bình mỗi tháng, một người dân của An Phú có thu nhập chỉ khoảng gần 260 nghìn đồng…

Vì thế, như ông Nghĩa kể, đi họp trên huyện lần nào cán bộ xã cũng "lẩn" xuống ngồi phía dưới. Nói đến khổ, nói đến nghèo ở Mỹ Đức, thế nào người ta cũng nhắc đến An Phú. Thật là ngượng với chính cái tên của xã, ông Nghĩa thật thà. Giờ thì cả Hà Nội đều biết cái sự nghèo của địa phương rồi. Tính về cấp xã thì thành phố cũng chỉ còn duy nhất An Phú được "xếp" vào diện 135.

Gia đình anh Trần Văn Dần chăm sóc ruộng bí xanh cho thu hoạch 80 triệu đồng/năm.

Đúng là "tiếng nổi như cồn", thì người ta chỉ giấu cái sự giàu chứ ai giấu chuyện nghèo? Nhưng vì đâu nên nỗi thì không phải ai cũng rành rẽ. An Phú là xã bán sơn địa gồm những dãy núi đá vôi bao bọc lấy một cái "lòng chảo khổng lồ" chứa lũ rừng ngang của tỉnh Hòa Bình, đồng thời làm nhiệm vụ phân lưu, chứa nước là sông Hồng khi huyện Mỹ Đức được giao nhiệm vụ bảo đảm an toàn vùng trung tâm Hà Nội. Chỉ cho tôi mấy ngôi nhà cũ sập xệ ở các thôn Dọc Éo, Bơ Môi, Ái Nàng... ông Nghĩa bảo, trước đây dân An Phú làm nhà bao giờ cũng lấy tre, gỗ dựng một chiếc gác xép ngay trong nhà để có thể sơ tán lương thực và đồ đạc khi nước dâng. Mà ở đây, chuyện lũ lụt nước ngập hàng mét, thậm chí nhấn chìm cả nóc nhà một tầng đâu phải là hiếm. Xưa, hầu hết các thôn trong xã mỗi năm chỉ cấy được độc một vụ lúa. Vào mùa nước, cả xã như một ốc đảo, bốn bề trắng xóa. Thế nên dân An Phú mới có câu "6 tháng đi chân, 6 tháng đi tay", có nghĩa là một nửa năm muốn đi đâu đó phải chèo thuyền mà đi. Ông Nghĩa phân trần, chúng tôi gắng mãi năm vừa rồi lương thực mới đạt mức trung bình khoảng 460 kg/người, thôi thì cũng gọi là tạm đủ ăn.

Quả thực những năm trước cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng người dân An Phú. Cũng không phải bà con biếng làm, nhưng có muốn siêng cũng không có đất. Còn nhớ, cuối năm 2008 khi Thủ đô mới mở rộng địa giới hành chính, Tết Nguyên đán năm đó, một tờ báo mạng nêu rằng trẻ con An Phú thất học, vậy là tôi ào về An Phú để rõ chuyện thực hư. Cuối cùng, thông tin đó là không chuẩn xác. Buổi trưa, thầy hiệu trưởng cứ tần ngần "trình bày hoàn cảnh" địa phương để nhà báo… "thông cảm" và mời tôi về thăm nhà ăn bữa cơm, uống chén rượu nhạt, đồng thời khoe cái địa thế gần chỗ làm. Thầy nhiệt tình quá làm tôi không nỡ từ chối. Rồi trong bữa cơm thầy bảo, từ ngày thầy làm hiệu trưởng, số lượt giáo viên xin chuyển công tác khỏi địa bàn này còn lớn hơn số thầy cô giáo trường đang quản lý. Nghe mà buồn, nhưng lại càng quý hơn khi vẫn còn những thầy cô nhà tận Hà Đông hằng ngày vẫn miệt mài cả đi lẫn về gần 90km để đem cái chữ dạy bọn trẻ, rồi có cả những người còn đang ở tạm dãy nhà công vụ ọp ẹp của trường. Đầu chiều, khi tôi rời trường xuống những điểm lớp lẻ đặt ở các thôn, lại càng biết thêm nhiều chuyện. Để bọn trẻ đến được lớp cũng không dễ dàng gì. Nhiều em, nhà cách lớp học 4-5km, một chặng đường không ngắn so với lứa tuổi dưới 10. Mà mùa khô đi bộ thì chỉ mỏi, còn mùa mưa đường nhão nhoét, đất "quý" người cứ quyện lấy những bàn chân nhỏ xíu làm cho đi lại càng khó khăn, thậm chí cả sự nguy hiểm của vùng trũng, vùng úng đang rình rập. Nhiều thầy, cô còn phải trèo núi vào tận thung sâu để vận động bố mẹ các em cho con đi học. Thì ngoài vụ lúa, dân ở đây cũng chỉ còn biết bắt con tôm, con tép trong đầm hay vượt núi vào rừng kiếm củi, trồng sắn… Một cô giáo dạy lớp 3 ở điểm trường thuộc thôn Đồng Văn, có gần 20 năm công tác ở An Phú cho biết "bí quyết" kéo học sinh đến lớp là trích một phần trong số tiền lương ít ỏi của mình ra mua sẵn vở và bút, để cháu nào thiếu thì… "cấp". Nếu không thế, có những học sinh sẽ nghỉ học vì lý do bố mẹ chưa có tiền mua bút, mua vở. Ông Chủ tịch UBND xã ngậm ngùi: Cả một khoảng thời gian dài, con em An Phú theo học được cấp 3 hiếm lắm, có khi đếm trên đầu ngón tay. Đây cũng chính là cái mấu chốt mà các thầy cô giáo ở đây yêu nghề và tự hào bởi phần đông con các giáo viên, hết cấp 2 đều được bố mẹ cho về trọ, theo học những trường điểm ở "ven Đáy" (có nghĩa là ven sông Đáy, khu vực trung tâm của huyện Mỹ Đức). Biết là tốn kém, là phải gắng, nhưng phải có cái chữ thì mới hết nghèo được. Đúng là sướng vì có chữ, nhưng cũng khổ vì cho con có chữ…

Vừa là vùng sâu, vùng xa của huyện, của thành phố, An Phú lại có hơn 70% dân cư là bà con dân tộc Mường. Do vậy, còn một nỗi lo khác nữa đó là chuyện dân số kế hoạch hóa gia đình. Chuyện này cũng làm cho đời sống ở cái "lòng chảo khổng lồ" này thêm chật vật. Chung quy là do trong tư duy chưa có sự bình đẳng giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn tồn tại. Thế nên như ông B.N.Đ ở thôn Đồng Chiêm cứ cố mãi, cố mãi để sinh quý tử, giật mình nhìn lại mới hơn 50 tuổi đầu đã có tới 12 đứa con thì ước nguyện mới thành. Hai người con gái lớn của ông Đ. giờ đã lập gia đình, không biết có phải kế thừa "gien trội" của ông hay không mà cô nào cũng muốn "đông cửa, vui nhà" cho dù đã kịp có 3-4 đứa đủ nếp đủ tẻ. Có năm riêng tại thôn này, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên chiếm tới 50%. Cứ dắt díu nheo nhóc như thế hỏi tại sao suốt ngày không quần quật lo kiếm miếng ăn?

Bề bộn "Đại công trường" An Phú

Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Sang đã dùng hình ảnh đó để phác họa bức tranh toàn cảnh của mảnh đất này hôm nay. Có nhiều số liệu rất đáng chú ý là bằng nguồn kinh phí của thành phố và của huyện, trong năm 2009, huyện Mỹ Đức đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho An Phú gồm: gần 130 tỷ đồng xây dựng hệ thống đê điều và các công trình thủy lợi; hơn 50 tỷ đồng để bê tông hóa đường liên xã, liên thôn; hơn 10 tỷ đồng để nâng cấp và xây dựng trường học… Kinh phí bỏ ra là không nhỏ, nhưng điều quan trọng hơn là số tiền ấy sử dụng vào việc gì trước, việc gì sau, đâu là "chiếc cần câu" mà những người dân của một xã thuần nông như An Phú đang cần?

Đúng là ngày hôm nay, đi tới chỗ nào ở An Phú cũng thấy đồng tiền đang được gấp rút đầu tư một cách bài bản. Trước tiên là đê Đồng Chiêm, đê vùng 700 mẫu, đê Ái Nàng, đê Nam Hưng - Quán Mai, đê Thanh Hà cùng hệ thống thủy lợi nội đồng đang được gấp rút hoàn chỉnh trong mùa khô này. Mai đây, người dân trong xã không còn lo ngại sự đe dọa của con nước trong những tháng mùa mưa. Và như các cụ dạy, có "an cư" thì mới "lạc nghiệp" được. Nghe ông Chủ tịch xã giới thiệu tác dụng của từng con đê, bất giác tôi lại nhớ bài thơ Anh chủ nhiệm của Hoàng Trung Thông: "Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh/ Vẽ cả ngày mai thành bức tranh…". Năm 2009, vùng 70 mẫu rồi Đồng Chiêm, Nam Hưng, Quán Mai, bà con nông dân đã có 2 vụ lúa ăn chắc, không còn e ngại chuyện nước ngập trắng đồng. Những chỗ khác, nơi thì cấy được 1 vụ lúa rồi sau đó tận dụng trồng màu, lại còn 70ha đang được cải tạo hệ thống tiêu nước để nuôi trồng thủy sản, ông Nghĩa hào hứng, riêng dự án này thành phố đã lên kế hoạch, đầu tư kinh phí tới 90 tỷ đồng…

Trưởng thôn Đinh Công Võ (sinh năm 1979) kể, 648 hộ dân của thôn Đồi Dùng năm 2008 còn 20 hộ thuộc diện nghèo nhưng đến nay chỉ còn 9 hộ. Ngay như chuyện dồn điền đổi thửa, thôn phải làm quyết liệt mới xong. Bà con nông dân ta thì vốn không thích sự xê chuyển, mà ruộng thì mỗi nơi một ít, nay cấy chỗ này, mai lên tít chỗ kia. Đi lại cũng khổ mà làm lụng cũng vất vả, chằng chịt những bờ vùng bờ thửa. Nay ruộng đồng chưa được thẳng cánh cò bay nhưng cũng đưa được cơ giới vào hoạt động để đỡ sức người. Chỗ nào quy hoạch trồng lúa, trồng màu hay nuôi trồng thủy sản… đều rõ ràng. Ông Nghĩa trầm ngâm, xã làm được vậy cũng mất hơn 3 năm để vận động bà con đấy. Để chứng minh bằng người thực việc thực, trưởng thôn Đinh Công Võ dẫn tôi ra đồng nơi anh Trần Văn Dần cùng vợ và con gái lớn đang chăm sóc ruộng bí xanh. Anh Dần kể, nhà có 4 khẩu, được 1,5 mẫu đất, mỗi năm trồng 1 vụ lúa ít ra cũng thu được trên 2 tấn thóc rồi trồng bí xanh, xen kẽ thêm cây vụ đông. Như năm trước, riêng trồng bí xanh gia đình anh Dần thu hoạch 2 lứa được gần 80 triệu đồng…

Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thế Nghĩa, làm cán bộ ở An Phú nhiều chuyện phải cầm tay chỉ việc cụ thể cho bà con thì người dân mới tin, mới làm theo. Trong đó điển hình là việc xây dựng nếp sống mới. Bà con của 13 thôn trong xã đều đã ngồi lại với nhau để thảo ra quy ước về làng văn hóa, những hủ tục cũ như ăn uống rượu chè linh đình khi nhà có việc hiếu, việc hỷ đều được bãi bỏ. Nay tổ chức đám cưới, đám tang, người dân không còn phải lo mất hàng năm "kéo cày trả nợ" như trước. Cảnh nhậu nhẹt rượu chè bê tha cũng theo đó mà giảm hẳn. Đặc biệt, như ông Nghĩa kể, đã 2 năm nay ở An Phú thực hiện việc không mời nhau thuốc lá khi gia đình có việc. Riêng chuyện này cũng tiết kiệm được khá nhiều tiền. Thu nhập hằng tháng còn thấp như vậy mà còn nghiện ngập thì làm sao mà khá được. Nói chung, từng việc người dân sẽ tự giác làm khi trực tiếp nhìn nhận ra sự lợi hại. Việc tạo điều kiện cho con em học cái chữ hay thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình cũng vậy. Do đó, như năm trước cả xã chỉ còn 28 trường hợp sinh con thứ 3, tỷ lệ phát triển dân số còn ở mức 1,2%. Kết quả đó chưa phải là cao, nhưng so với "đặc thù" của xã trong những năm trước thì cũng đã tiến bộ rất nhiều. Hay như chuyện học, đối với số học sinh tốt nghiệp THCS, đã có trên 50% tiếp tục theo học THPT và trên 20% số đó đã thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng…

Có thể nói ở An Phú "đất đã chuyển mình", một không khí sôi động và khẩn trương xuất hiện ở khắp nơi. Những trường lớp mới xây hoặc đang được đầu tư cải tạo đã ra dáng lắm. Nhà văn hóa thôn Đình, Đồng Văn, Rộc Éo, Nam Hưng… còn tươi màu vôi mới. Trong tầm mắt khi nhìn về những dãy núi đá vôi sừng sững bao quanh vùng lòng chảo này đã thấy mướt mát màu xanh của đồng ruộng, của cây trái đơm hoa kết quả. Những ngôi nhà 2 tầng, 3 tầng người dân tự xây cũng xuất hiện nhiều hơn khi vùng trũng không còn sợ lụt…

Cứ đà này, một ngày không xa, An Phú sẽ vững bước thoát nghèo. Trong tư duy của cán bộ địa phương hay mỗi người dân sẽ không chỉ canh cánh nỗi lo về cái ăn, cái mặc mà phải là năng động làm giàu trên chính mảnh đất này. "Đại công trường" An Phú đang bề bộn công việc để xây dựng nền tảng cho tương lai - để mảnh đất này không chỉ "an" mà còn "phú" như chính cái tên của nó...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đất đã chuyển mình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.