Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nga, Kazakhstan và Belarus: Định hình không gian kinh tế mới

Quỳnh Chi| 13/12/2010 08:20

(HNM) - Năm tháng sau khi Bộ luật Thuế quan của Liên minh thuế quan Nga - Kazakhstan - Belarus chính thức có hiệu lực, ngày 9-12, tại phiên họp mở rộng lãnh đạo các nước tham gia Cộng đồng kinh tế Á - Âu tổ chức ở Mátxcơva, cả 3 nước đã thông qua tuyên bố về thành lập Không gian kinh tế thống nhất (CES).

Hơn 1 năm qua, ngay từ khi Liên minh thuế quan Nga - Kazakhstan - Belarus được thành lập đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của liên minh này. Lập luận của họ đưa ra là, Cộng đồng các quốc gia độc lập, Cộng đồng kinh tế Á - Âu và Hội nhập Liên minh Nga - Belarus đều chưa cho thấy sự thành công. Vì thế, cuộc kết hợp mới giữa 3 nước như trên khó tránh khỏi lối mòn cũ. Điều then chốt là giữa các nước thành viên khó mà thống nhất với nhau vì không quốc gia nào muốn nhượng bộ.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo 3 nước đang cho thấy liên minh thuế quan và không gian kinh tế thống nhất giữa 3 nước không phải chỉ là một kế hoạch trên giấy.

Để đạt được điều này, cả Nga, Kazakhstan và Belarus đã vượt qua không ít bất đồng. Thực tế là, 3 nước từng luôn phát sinh những va chạm về lợi ích thương mại, thậm chí có lúc đã ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế thương mại thông thường. Cuộc tìm kiếm phương thức phân phối công bằng làm hài lòng các bên có lúc đã rất khó khăn. Nhưng cuối cùng các nhà lãnh đạo "bộ tam" cũng đã thông qua 3 văn kiện nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc hình thành CES, gồm: Hiệp định về chính sách kinh tế vĩ mô nhất quán; Hiệp định về tạo điều kiện luân chuyển tự do luồng vốn trên các thị trường tài chính, và Hiệp định về các nguyên tắc nhất quán của chính sách tiền tệ. Như vậy, toàn bộ 17 văn kiện liên quan tới việc xây dựng CES giữa Nga, Kazakhstan và Belarus đã được ký kết.

Hiện tại, tổng dân số của Nga, Kazakhstan và Belarus gần 180 triệu người, chiếm gần 83% tổng tiềm năng kinh tế của Liên Xô trước đây. Tổng thu nhập quốc nội (GDP) của 3 nước đạt 2 nghìn tỷ USD và tổng kim ngạch trao đổi hàng hóa vào khoảng 900 tỷ USD, sản lượng lúa mì chiếm 12% tổng sản lượng thế giới. Với sự kiện hình thành CES, trong vòng 5 năm tới, GDP của liên minh này có thể tăng thêm 5% và trong 10 năm tới sẽ tăng từ 15% đến 17%. Không dừng lại ở đó, trong tương lai gần, Kyrgyzstan và Tagikistan cũng sẽ gia nhập CES. Đây sẽ là một cầu nối tiềm năng cho một liên kết mới giữa các nước có vai trò tiếp nối trên lục địa Á - Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nga, Kazakhstan và Belarus: Định hình không gian kinh tế mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.