Theo dõi Báo Hànộimới trên

Haiti: Rối loạn sau bầu cử

Kim Phượng| 13/12/2010 08:30

(HNM) - Giữa tuần qua (8-12), trong khi hậu quả động đất chưa khắc phục hết và dịch tả vẫn đang hoành hành thì Haiti - đất nước nhỏ bé vùng Caribe lại chìm trong làn sóng biểu tình phản đối kết quả cuộc bầu cử Tổng thống hôm 28-11.

Người biểu tình đốt phá trên một đường phố ở Port-au-Prince, Haiti ngày 9-12.


Theo kết quả sơ bộ do Hội đồng Bầu cử lâm thời (CEP) công bố ngày 7-12, cựu Đệ nhất phu nhân Mirlande Manigat dẫn đầu với 31,37% phiếu ủng hộ, đối thủ tiềm năng của bà là Jude Celestin về thứ hai với 22,49% phiếu bầu. Không ứng cử viên nào giành được quá 50% số phiếu bầu, nên 2 ứng cử viên có số phiếu cao nhất này sẽ bước vào cuộc bầu cử vòng hai, dự kiến diễn ra trung tuần tháng 1-2011. Hàng nghìn người ủng hộ ứng cử viên Michel Martelly (người giành phiếu bầu cao thứ 3 (21,84%) trong cuộc bầu cử tổng thống, do đó mất quyền tham gia tranh cử vòng hai) đã tuần hành qua các đường phố lớn ở thủ đô Port-au-Prince để phản đối kết quả bầu cử.

 Những người biểu tình quá khích đã đốt phá khoảng 90% tòa nhà công cộng trong thành phố, trong đó có cả trụ sở đảng Thống nhất (INITE) cầm quyền bị họ cáo buộc gian lận. Các trụ sở ngân hàng, nhà riêng, trường học và một đài phát thanh thuộc sở hữu của ứng cử viên có quan hệ gần gũi với đảng cầm quyền cũng trở thành mục tiêu của cuộc đốt phá. Đã có ít nhất 4 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ biểu tình và giới chức Haiti buộc phải đóng cửa các sân bay. Nhiều hãng hàng không quốc tế như American Airline của Mỹ hay Air Transat của Canada đồng loạt hủy các chuyến bay đến quốc gia vùng Caribe này.

Franz Large, một bác sĩ ở thủ đô Port-au-Prince cho biết, người dân rất tức giận vì ban bầu cử quốc gia đưa tên rất nhiều người đã chết trong trận động đất hồi đầu năm nay vào danh sách cử tri, trong khi nhiều người còn sống thì bị gạt ra khỏi danh sách. Mục đích cốt để mang lại lợi ích cho các ứng viên được nhắm trước, trong đó có Jude Celestin, Giám đốc một công ty xây dựng nhà nước Haiti là người mà Tổng thống sắp mãn nhiệm René Préval muốn đưa lên chiếc ghế này. Thêm vào đó, chiến thắng sít sao với cách biệt chưa đầy 1% phiếu bầu của ông Jude Celestin, đại diện của đảng cầm quyền, trước ứng cử viên về thứ ba là Michel Martelly đã làm dấy lên những nghi ngờ về gian lận tại quốc gia có lịch sử về độc tài và biến động chính trị này.

Tổng thống đương nhiệm René Préval đã kêu gọi người dân bình tĩnh và chấm dứt bạo hành. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực ở Haiti; đồng thời kêu gọi lãnh đạo Haiti cũng như các đảng phái chính trị có trách nhiệm trấn an và kêu gọi những người ủng hộ bình tĩnh. Chính quyền Mỹ cũng kêu gọi chính quyền Haiti nhanh chóng ổn định tình hình. Trước tình hình bạo lực gia tăng, ngày 9-12, CEP đã ra quyết định kiểm lại toàn bộ phiếu bầu trong cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội hôm 28-11 vừa qua ở nước này, do những nghi ngờ cho rằng đảng cầm quyền đã gian lận phiếu bầu.

Cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội ở Haiti diễn ra ngày 28-11 vừa qua nhằm lựa chọn người thay thế ông René Préval làm tổng thống, 11 thượng nghị sĩ và 99 nghị sĩ Quốc hội, giữa lúc đất nước tan hoang sau trận động đất hồi tháng 1 năm nay làm 250.000 người chết và đẩy hơn một triệu người vào cảnh màn trời chiếu đất. Từ giữa tháng 10 tới nay, Haiti còn phải đối phó với bệnh dịch tả mà theo thống kê mới nhất đã làm hơn 2.000 người thiệt mạng.

Là một trong những quốc gia bị nạn tham nhũng hoành hành nghiêm trọng nhất thế giới, Haiti đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức. Hiện tại, công việc tái thiết, phục hồi Haiti sau động đất dường như chưa được bắt đầu. Việc dọn dẹp các đống đổ nát đòi hỏi tốn kém tiền bạc và nhân lực lớn, nhưng thách thức lớn nhất là giải quyết nơi ăn chốn ở cho hơn 1,5 triệu người bị mất nhà cửa do động đất và đẩy lùi được dịch tả đang hoành hành. Vì vậy, dù ứng cử viên nào giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ở quốc gia này cũng sẽ phải giải quyết nhiều bài toán "hóc búa" của đất nước này.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Haiti: Rối loạn sau bầu cử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.