Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc tranh giành quyền lực dai dẳng

Minh Nhật| 03/01/2011 07:37

(HNM) - Cuộc tranh giành quyền lực có một không hai tại Bờ Biển Ngà chưa hề có dấu hiệu đi đến hồi kết khi thế giới đã bước sang năm mới 2011 với nhiều hy vọng.

Không nhân nhượng trước những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế, chẳng sợ hãi với tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực hợp pháp từ chính phủ các nước Tây Phi, thậm chí sẵn sàng khước từ cuộc gọi của người đứng đầu Nhà Trắng, Tổng thống mãn nhiệm Laurent Gbagbo chưa hề có ý định giao lại quyền bính cho Tổng thống đắc cử.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tăng cường an ninh tại Bờ Biển Ngà.

Trong khi đó, vị Tổng thống được thế giới công nhận Alassane Ouattara sau bầu cử hồi cuối tháng 11-2010 vẫn phải hoạt động trong sự bảo vệ của 10.000 nhân viên gìn giữ hòa bình tại khách sạn Golf ở thủ đô Abidjian.

Sự mừng vui của người dân quốc gia Tây Phi nhỏ bé trước cuộc bầu cử được xem là cơ hội lịch sử nhằm chấm dứt 10 năm khủng hoảng chính trị đã nhanh chóng bị dập tắt bởi bạo lực leo thang. Hơn một tháng sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, đụng độ giữa hai lực lượng đối lập ở Abidjian đã cướp đi sinh mạng của khoảng 200 người dân vô tội. Ông Gbagbo đang bị chỉ trích nặng nề vì thông tin cho rằng nhà riêng của những người đối lập đã bị đánh dấu theo một kế hoạch thanh trừng đầy tính toán. Lo ngại tham vọng quyền lực sẽ xóa sạch những thành quả của cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên sau 10 năm, Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn một cuộc tấn công vào "trụ sở" của chính phủ mới ở khách sạn Golf. Tuy nhiên số phận chính phủ của Tổng thống dân cử Ouattara đang ở thế khó khăn hơn dự đoán khi ông Gbagbo nắm trong tay quân đội và nhiều cơ quan trọng yếu. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo này cũng không tỏ ra nao núng trước sức ép dồn dập, kể cả việc bị Liên minh châu Âu (EU) áp dụng lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản. Những gì diễn ra khiến nhiều người tin rằng cuộc tranh chấp chiếc ghế tổng thống tại Bờ Biển Ngà rất khó giải quyết bằng giải pháp ngoại giao và quốc gia này đang trong bóng đen nội chiến đẫm máu như giai đoạn 2002-2003. Niềm mong mỏi về một đất nước ổn định có vẻ như đang tiêu tan nhanh chóng khi dòng người chạy sang quốc gia láng giềng Liberia để lánh nạn ngày một dài thêm. Liên hợp quốc đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nhân đạo khi có ít nhất 20.000 người dân tị nạn Bờ Biển Ngà đã tràn sang trú ẩn ở đất nước Liberia vốn cũng chẳng giàu có. Nếu tình hình chính trường tiếp tục bế tắc, số người buộc phải bỏ nước tha hương được dự báo có thể lên đến 30.000 người.

Công cụ đối thoại vẫn đang được sử dụng triệt để nhằm thuyết phục ông Gbagbo bàn giao chính quyền. Không chỉ người dân đất nước trồng nhiều cacao nhất thế giới mà cả cộng đồng quốc tế đều mệt mỏi trước cuộc xung đột hiện nay tại đây. Cơ hội hòa bình vẫn còn cùng niềm khát khao hợp pháp của 21 triệu người dân quốc gia nhỏ bé từng tan nát bởi nội chiến này. Điều đó hy vọng giúp Bờ Biển Ngà tránh một thảm họa diệt chủng đang cận kề để hướng đến quỹ đạo dân chủ hứa hẹn sẽ đem lại sự yên bình và thịnh vượng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc tranh giành quyền lực dai dẳng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.