Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Áo vàng” lên biên giới

Đình Hiệp| 10/01/2011 08:07

(HNM) - Giữa lúc lực lượng

Các binh sỹ Campuchia tại khu vực biên giới giáp Thái Lan.


Với lý do phản đối phiên tòa sơ thẩm của Campuchia xét xử 7 công dân Thái Lan xâm nhập biên giới trái phép, trong đó có Nghị sỹ đảng Dân chủ Thái Lan Panich Vikitsreth và thủ lĩnh phe "áo vàng" Veera Somkwamkid, hàng trăm thành viên "áo vàng" cuối tuần qua đã thẳng tiến đến thị trấn biên giới Sa Kaeo dọa xông vào lãnh thổ Campuchia để đòi chính phủ nước này trả tự do cho 7 công dân Thái Lan. Hành động của lực lượng "áo vàng" Thái Lan khiến dư luận không khỏi lo ngại rằng căng thẳng biên giới giữa hai nước có thể lại xảy ra.

Đây không phải lần đầu tiên lực lượng "áo vàng" làm căng thẳng quan hệ Thái Lan - Campuchia. Các cuộc biểu tình lật đổ chính quyền của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2006 cũng đã chứng kiến màu sắc của "áo vàng". Cùng với các cuộc biểu tình phản đối sửa đổi Hiến pháp, năm 2010 vừa qua lực lượng "áo vàng" đã bất chấp lệnh giới nghiêm phát động nhiều cuộc biểu tình ở thủ đô Bangkok phản đối chính phủ về vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Campuchia. Với những người biểu tình "áo vàng" do PAD cầm đầu, bản ghi nhớ được đảng Dân chủ cầm quyền ký với Campuchia năm 2000 đã mở đường cho Campuchia tuyên bố chủ quyền khu vực tranh chấp xung quanh đền Preah Vihear trên biên giới hai nước.

Vụ xét xử 7 công dân Thái Lan xâm nhập biên giới trái phép dù là sự kiện đáng tiếc nhưng chưa thể ảnh hưởng đến quan hệ bang giao Thái Lan - Campuchia. Song, việc Thủ tướng Abhisit cử ông Veera - lãnh đạo Mạng lưới người Thái yêu nước - được xem như một thủ lĩnh của phe "áo vàng" - tham gia đoàn thị sát biên giới để rồi bị bắt trong vụ việc nêu trên cho thấy tầm ảnh hưởng của "áo vàng" với chính quyền Bangkok hiện nay. Sự can dự ngày càng lớn mang tính phe phái trong hoạt động của chính quyền không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ ở tầm quốc gia mà còn khiến chính trường Thái Lan có thể phức tạp hơn. Bởi chính "áo vàng" là lực lượng tuần hành rầm rộ hồi năm 2006 dẫn đến cuộc đảo chính vào tháng 9 cùng năm lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Tiếp theo là sự kiện cũng do những người "áo vàng" tạo ra khi chiếm giữ khu nhà chính phủ và hai sân bay tại thủ đô cuối năm 2008, khiến hơn 300.000 khách du lịch bị kẹt lại Bangkok và làm kinh tế nước này thiệt hại nghiêm trọng. Lực lượng "áo vàng" còn gây áp lực buộc chính quyền của Thủ tướng Somchai Wongsawat, em rể ông Thaksin, phải từ chức...

Kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva dự kiến diễn ra trong nửa đầu năm nay được kỳ vọng sẽ góp phần giảm xung đột chính trị ở quốc gia Đông Nam Á này khi một Quốc hội mới ra đời. Song, việc đảng đối lập Vì nước Thái đang lên kế hoạch trình kiến nghị bất tín nhiệm với chính phủ khi Quốc hội Thái Lan họp trở lại (vào ngày 21-1), cùng sự nổi dậy của lực lượng "áo vàng" không chỉ ở Bangkok mà đã lên đến biên giới Campuchia, sẽ là thách thức lớn với Thủ tướng Abhisit Vejjajiva trong những ngày tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Áo vàng” lên biên giới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.