Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lebanon: Chìm trong khủng hoảng

Kim Phượng| 17/01/2011 07:12

(HNM) - Một lần nữa đất nước Lebanon lại đối mặt với khủng hoảng chính trị sau khi Phong trào Hồi giáo Hezbollah cùng các đồng minh rút khỏi nội các trong tuần qua do bất đồng kéo dài về cuộc điều tra vụ sát hại cựu Thủ tướng Rafik Hariri năm 2005.

Với 11 bộ trưởng trong nội các gồm 30 thành viên từ chức, Chính phủ non trẻ 14 tháng tuổi của Lebanon sụp đổ. Nguyên nhân của vụ từ chức tập thể này nhằm phản đối Thủ tướng Saad Hariri cho phép Tòa án đặc biệt về Lebanon (STL-do LHQ bảo trợ) điều tra vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri năm 2005 (cha của Thủ tướng Saad Hariri).

Các bộ trưởng tuyên bố từ chức trong cuộc họp báo ở Beirut, Lebanon ngày 12-1.

Hezbollah không thừa nhận có bất kỳ vai trò nào trong vụ việc này. Thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah chỉ trích tòa án là âm mưu của Mỹ cũng như Israel và thúc giục Thủ tướng đương nhiệm Saad Hariri không công nhận nó. Tuy nhiên, vị Thủ tướng người Sunni này đã bác bỏ yêu cầu của Hezbollah. Bất đồng về phiên tòa đã làm Chính phủ Lebanon tê liệt trong nhiều tháng qua. Hơn thế, căng thẳng trong nội bộ chính quyền Beirut gia tăng khi có tin STL chuẩn bị công bố cáo trạng với một số thành viên Hezbollah được cho là có liên quan tới vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafik Hariri.

Trên thực tế, cuộc chiến do Israel khởi xướng nhằm vào Lebanon từ 12-7 đến 11-8 năm 2006 là ngòi nổ cho cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ ở đất nước vốn là miếng mồi của những tranh giành tôn giáo và ảnh hưởng ngoại bang này. Ngay khi cuộc chiến chấm dứt, Lebanon rơi vào khủng hoảng về thể chế khi phe đa số trong nghị viện, Phong trào 14/3 và phe đối lập không thể đạt được một thỏa hiệp chính trị nhằm đưa đất nước trở về trạng thái bình thường.

Do hệ lụy của vụ ám sát cựu Thủ tướng Rafic Hariri (2005), chưa bao giờ (kể từ khi nội chiến kết thúc năm 1990) Lebanon lại rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị trầm trọng đến như vậy. Vì thế, Chính phủ đoàn kết dân tộc Lebanon - một liên minh mong manh được thành lập tháng 11-2009, gồm 15 bộ trưởng thuộc Liên minh 14/3 do Thủ tướng Saad Hariri đứng đầu và được Arập Xêút, phương Tây ủng hộ, 10 bộ trưởng thuộc Liên minh 8/3 được Xyri và Iran ủng hộ và 5 bộ trưởng thân Tổng thống Suleiman.

Một lần nữa, cuộc ra đi của Hezbollah có thể khơi mào cho bất ổn chính trị kéo dài ở Lebanon. Ngay khi Chính phủ Lebanon sụp đổ, hàng ngàn binh sĩ Israel đã được đặt trong tình trạng báo động cao. Nhiều người quan ngại rằng, khủng hoảng chính trị sẽ tạo thành bạo lực mới ở biên giới Israel và Lebanon. Nhà Trắng đã ra tuyên bố chỉ trích động thái của Hezbollah; đồng thời cảnh báo, bất kỳ đe dọa hoặc hành động nào cũng có thể gây bất ổn cho đất nước Lebanon.

Theo Hiến pháp Lebanon, Chính phủ sẽ sụp đổ khi có hơn 1/3 thành viên nội các từ chức. Ngày 13-1, Tổng thống Lebanon Michel Suleiman đã yêu cầu Thủ tướng Saad Hariri vẫn tạm điều hành Chính phủ. Thủ tướng Hariri chưa đưa ra bình luận gì về động thái của Hezbollah; song ông đã cắt ngắn chuyến thăm Mỹ để sớm tới Pháp hội đàm với Tổng thống Nicolas Sarkozy vì Lebanon từng là thuộc địa của Pháp nên Điện Elysee có ảnh hưởng khá lớn với chính trường quốc gia này.

Cuộc khủng hoảng Lebanon cho dù khó đi đến một kịch bản bạo lực, nhưng dư luận khu vực vẫn lo ngại động thái của Hezbollah sẽ lại gây ra cuộc xung đột mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lebanon: Chìm trong khủng hoảng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.