Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thái Lan: Nguy cơ khủng hoảng mới

Đình Hiệp| 10/02/2011 07:11

(HNM) - Không nhượng bộ trước sức ép ngày một tăng từ phe

Ngày 9-2, Thái Lan tăng cường an ninh tại Bangkok để đối phó với cuộc biểu tình của lực lượng “áo vàng”. Ảnh: Reuters


Như vậy, sau chưa đầy hai tháng dỡ bỏ, ISA lại được tái áp dụng tại 7 quận - nơi có trụ sở tòa nhà chính phủ và một số địa điểm trọng yếu của thủ đô Bangkok. Theo đó, lực lượng an ninh Thái Lan có thể tạm giam những đối tượng khả nghi tới 7 ngày để thẩm vấn.

Cùng với cuộc "biểu dương lực lượng" luôn rình rập của phe "áo đỏ" do phong trào Mặt trận Thống nhất dân chủ chống độc tài (UDD) phát động, ngọn nguồn bất ổn nhiều ngày qua tại Bangkok lại được cho là xuất phát từ phe "áo vàng". Với cáo buộc chính phủ đã thất bại trong việc điều hành đất nước cũng như giải quyết tranh chấp biên giới với quốc gia láng giềng Campuchia và cuộc chiến chống tham nhũng không hiệu quả, hàng nghìn người ủng hộ PAD mới đây tuyên bố tăng cường biểu tình và đe dọa sẽ chiếm giữ các vị trí trọng yếu tại thủ đô Bangkok vào ngày mai (11-2) - thời điểm Quốc hội Thái Lan thảo luận về việc sửa đổi Hiến pháp - nhằm gây sức ép để buộc Thủ tướng Abhisit Vejjajiva từ chức.

Trong thời điểm hiện nay ở Thái Lan, sự kiện ISA trở lại đường phố Bangkok được xem là giải pháp cần thiết để chính quyền nước này kiểm soát tình hình và bảo đảm an ninh tại những nơi mà PAD có thể chọn để biểu tình. Song về lâu dài, rõ ràng thực thi ISA tại Bangkok chưa hẳn là giải pháp tối ưu khi PAD vẫn khăng khăng đòi giải tán nội các với 3 yêu sách gồm hủy Bản ghi nhớ (MOU) ký với Campuchia năm 2000, rút khỏi Ủy ban Di sản thế giới và không cho phép binh sỹ và dân thường Campuchia hiện diện tại những khu vực mà PAD cho là thuộc lãnh thổ Thái Lan. Cuộc khuấy động trở lại ngày một tăng của "áo vàng" khiến ứng xử trong quan hệ láng giềng Thái Lan - Campuchia thêm phức tạp. Tuy nhiên, dường như đây chưa phải là tất cả những gì đang diễn ra trên chính trường Thái Lan. Điều khiến dư luận Thái Lan lo ngại hơn chính là PAD lợi dụng bất đồng về biên giới với Campuchia như một "quân bài" để làm suy yếu đảng Dân chủ cầm quyền (DP) của Thủ tướng A.Vejjajiva trong cuộc đấu giành quyền lực hiện nay. Thoạt nhìn thật khó hiểu khi cách đây không lâu DP và PAD được ví như "anh em sinh đôi" khi luôn sát cánh bên nhau trong cuộc lật đổ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra (năm 2006) và sau đó là những chính phủ thân Thaksin (2008). Nhưng nay chính PAD lại muốn hạ bệ nội các đương nhiệm như một bước quyết định để buộc Thủ tướng A.Vejjajiva phải ra đi. Nếu nhìn một cách toàn diện thì bất đồng giữa PAD và DP hiện nay không quá khó hiểu. Ngược dòng thời gian, ngay sau khi thành lập chính quyền vào cuối năm 2008, DP từng bước tách khỏi đồng minh PAD để xây dựng một tập hợp trung lập về chính trị. Vì cho rằng, đã giúp DP lên nắm quyền nên PAD phải được "trả công" xứng đáng. Thế nhưng, những người "áo vàng" cảm thấy bị vỡ mộng khi hàng loạt lãnh đạo PAD bị truy tố vì vi phạm pháp luật khi tổ chức biểu tình. Từ một thế lực hùng hậu trên chính trường, PAD có nguy cơ trắng tay khi cuộc tổng tuyển cử sắp diễn ra. Trong bối cảnh như vậy, các bước đi của PAD với những cuộc biểu tình không nằm ngoài mục đích thu hút sự ủng hộ của dư luận trong nước. Và sự thể như đang diễn ra tại Thái Lan cho thấy điều đó.

Trước sức ép ngày một tăng, Thủ tướng A.Vejjajiva ngày 9-2 tuyên bố sẽ tổ chức tổng tuyển cử trong nửa đầu năm nay nếu không tiếp tục xảy ra bạo loạn chính trị ở nước này. Đây có thể là cơ hội để Thái Lan lấy lại hình ảnh thân thiện cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Song nếu cuộc đấu giành quyền lực tái diễn - đặc biệt khi cuộc xung đột biên giới với Campuchia tiếp tục là "quân bài" trong tay PAD - có thể Thái Lan lại rơi vào cuộc khủng hoảng mới. Kịch bản tồi tệ này sẽ không chỉ ảnh hưởng đến người dân Thái Lan mà còn tác động đến sự phát triển chung của gia đình ASEAN.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thái Lan: Nguy cơ khủng hoảng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.