Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nước cờ mạo hiểm của Thủ tướng Abhisit?

Tuấn Minh| 13/05/2011 06:50

(HNM) - Sau nhiều tranh cãi cũng như hoài nghi của dư luận, cuối cùng thời gian biểu cho cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn tại Thái Lan cũng đã được Thủ tướng Abhisit Vejjajiva ấn định vào ngày 3-7 tới, sau khi Quốc vương Bhumibol Adulyadej phê chuẩn sắc lệnh giải tán Hạ viện ngày 10-5 vừa qua.

Dù còn không ít thách thức trong nỗ lực hàn gắn vết thương trong lòng dân tộc sau một loạt chia rẽ thời gian qua, việc tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn đã cho thấy quyết tâm lớn của Thủ tướng Abhisit để giành lại hình ảnh đất nước Chùa tháp thân thiện và một nền kinh tế phát triển năng động hàng đầu trong khu vực ASEAN được thúc đẩy nhờ ổn định trật tự xã hội.

Biểu tình đường phố của lực lượng “áo đỏ” vẫn là thách thức lớn với Chính phủ Thái Lan.


Chưa đầy 24 giờ sau khi sắc lệnh giải tán Hạ viện được ban bố, mọi công việc chuẩn bị cần thiết cho cuộc tổng tuyển cử đã được Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) xúc tiến khẩn trương. Ngoài việc giúp các đảng đăng ký ứng viên tham gia bầu cử trong thời gian dự kiến từ ngày 19 đến 28-5, ủy ban này đã cho thành lập 11 đội làm việc khác nhau để chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc tổng tuyển cử sắp tới.

Tổng tuyển cử được xem là cuộc đua tranh khá gay gắt giữa đảng Dân chủ cầm quyền (DP) của Thủ tướng Abhisit Vejjajiva với các đảng đối lập trong chính phủ, nhất là các "thân hữu" của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Cử tri Thái Lan sẽ lựa chọn 500 hạ nghị sĩ so với 480 hạ nghị sĩ của khóa trước. Trong số này, 325 hạ nghị sĩ được bầu trực tiếp theo đơn vị bầu cử và 125 hạ nghị sĩ được bầu theo danh sách đảng. Trong bối cảnh xã hội Thái Lan vẫn chia rẽ sâu sắc sau các cuộc biểu tình quy mô lớn gây bạo động của lực lượng "áo đỏ" chống chính phủ ở thủ đô Bangkok đầu năm 2010 khiến hơn 90 người thiệt mạng, cuộc đua sắp tới được dự báo sẽ quyết liệt hơn bao giờ hết.
Việc giải tán cơ quan lập pháp cao nhất để mở đường cho cuộc bầu cử được Thủ tướng Abhisit kỳ vọng như một bước tiến mới giúp Thái Lan giải quyết những vấn đề quan trọng của đất nước một cách hiệu quả thông qua tiến trình dân chủ. Thẳng thắn thừa nhận những mâu thuẫn chính trị trong nước vẫn tồn tại dai dẳng khi thách thức cả về phát triển kinh tế, chống tham nhũng đến ma túy cũng như giải quyết tranh chấp biên giới chưa thể đi đến hồi kết, Thủ tướng Abhisit một lần nữa kêu gọi người dân chung tay xây dựng đất nước, trước hết là giúp người nghèo đối phó với tình trạng giá cả leo thang và từng bước nâng cao mức sống.

Một chính phủ mới được thành lập sẽ là cơ hội giúp Thái Lan ổn định tình hình đất nước. Song trong bối cảnh các đảng đối lập không ngừng gia tăng sức ép, cuộc tổng tuyển cử có thể là "nước cờ mạo hiểm" với Thủ tướng Abhisit. Cùng với đó, việc bảo đảm an ninh cho các ứng cử viên tham gia tổng tuyển cử được xem là khó khăn lớn với Chính phủ Thái Lan hiện nay. Nhận định trên càng có cơ sở khi ngày 11-5, một ngày sau khi thời gian bầu cử được công bố, một chính trị gia có quan hệ mật thiết với Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra đã bị bắn trọng thương. Dù chưa thể khẳng định được nghị sĩ đảng Puea Thai này bị bắn có mang động cơ chính trị hay không, nhưng vụ việc đã gióng lên hồi chuông báo động về tình hình an ninh trước tổng tuyển cử tại Thái Lan.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nước cờ mạo hiểm của Thủ tướng Abhisit?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.