Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một địa điểm, hai bến đò, an toàn ai lo?

Phong Châu| 16/03/2010 08:25

(HNM) - Trên cùng một bờ sông, cách nhau chừng 10m, có tới 2 bến đò đang hoạt động, vận chuyển khách sang cùng một bến bên kia sông. Sự việc này đang xảy ra tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì và xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, Hà Nội.

Vệt cỏ dại là đường phân định tự nhiên giữa hai bến đò Vạn Phúc, Ninh Sở.


Theo phản ánh của bạn đọc, ngày 9-3-2010, chúng tôi xuống địa bàn để được "mục sở thị". Đúng như người dân phản ánh, tại ranh giới phân định địa phận xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì và xã Ninh Sở, huyện Thường Tín, có 2 bến đò đang cùng hoạt động, chở khách sang cùng bến đò Dương Liệt (xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên). Hỏi chuyện người dân và một số cán bộ cơ sở, chúng tôi được biết, trung bình mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách, hàng chục tấn hàng hóa rau, củ, quả... cùng phương tiện xe máy, xe thồ qua đò sang sông. Trong đó đa số là người dân Văn Giang, vì bà con đi đò qua bến sông này sang Hà Nội rút ngắn khoảng cách hàng chục kilômét.

Theo một số người dân xã Vạn Phúc, sở dĩ có chuyện 2 bến đò hoạt động gần nhau là do chủ thầu trước đây của bến đò Vạn Phúc "nhảy" sang nhận thầu, mở bến đò chở khách mới trên địa bàn xã Ninh Sở, huyện Thường Tín (lúc đó thuộc tỉnh Hà Tây cũ). Trong khi đó, bến đò Vạn Phúc do chưa được gia hạn giấy phép nên tạm ngừng hoạt động.

Ông Nguyễn Yên, Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc cho biết: Trước đây, tại khu vực này chỉ có duy nhất bến đò Vạn Phúc. Xã giao cho HTX Thống Nhất đứng ra tổ chức với mức thầu khoán 70 triệu đồng/năm. Trong khi đó, tại bến đò Dương Liệt (xã Thắng Lợi, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên), chủ bến phải trả cho ngân sách địa phương 353 triệu đồng/năm. Do mức chênh lệch quá lớn, lãnh đạo xã quyết định nâng mức khoán, thống nhất tiếp tục giao cho HTX Thống Nhất đảm nhiệm với mức thu mới là 200 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, tổ đò nhận khoán đã không đồng ý với mức giá trên. Để xã hội hóa dịch vụ chở khách qua sông, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương, xã Vạn Phúc quyết định tổ chức đấu thầu công khai.

Ngày 16-4-2009, xã Vạn Phúc tổ chức đấu thầu tổ chức dịch vụ chở khách qua sông tại bến đò Vạn Phúc. Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Thành Vương trúng thầu với mức giá 430 triệu đồng/năm. Bến đò Vạn Phúc cũng được chủ thầu cải tạo, nâng cấp, đường xuống bến được đổ bê tông kéo dài từ mặt đê. Theo Giấy phép hoạt động số 12/GPBKNS ngày 11-2-2010 của Sở GTVT Hà Nội, Công ty Thành Vương được tổ chức dịch vụ chở khách và hàng hóa qua sông với số lượng tối đa 30 hành khách và 30 tấn hàng hóa một chuyến.

Trước việc chỉ cách nhau 10m tồn tại 2 bến đò, ông Phạm Ngọc Tiến, Thanh tra Giao thông đường thủy (Sở GTVT Hà Nội) bày tỏ: "Hai bến đò Vạn Phúc và Ninh Sở rất sát nhau, nếu cả hai cùng hoạt động thì việc đò cập bến sẽ rất nguy hiểm. Ngày 8-3-2010, bến đò tại xã Ninh Sở hết thời hạn hoạt động, Phòng Quản lý cấp phép (Sở GTVT) cần cân nhắc có hay không nên gia hạn hoạt động. Đây là trách nhiệm của cơ quan chức năng, nhưng việc bảo đảm an toàn cho hành khách và phương tiện qua lại trên sông là việc không thể xem nhẹ...".

Từ thực tế trên, thiết nghĩ, bên cạnh việc Sở GTVT Hà Nội xem xét kỹ lưỡng việc cấp phép, Thanh tra Giao thông, CSGT đường thủy, các cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra việc thực hiện TTATGT đường thủy, kiên quyết xử lý các bến đò hoạt động không phép, phương tiện không đăng ký, đăng kiểm, chở quá tải… nhằm bảo đảm an toàn cho hành khách qua sông và trật tự giao thông đường thủy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một địa điểm, hai bến đò, an toàn ai lo?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.