Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xã hội hóa đăng kiểm: Không “tư nhân hóa” từ A đến Z

Nguyễn Đức| 17/03/2010 08:53

(HNM) - Đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành là một trong những công tác quan trọng nhằm loại bỏ những xe không bảo đảm chất lượng kỹ thuật tham gia giao thông. Đây là nhân tố góp phần bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trong bối cảnh số lượng phương tiện tăng cao, chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông được nâng lên rõ rệt.

Cán bộ điều khiển thiết bị đăng kiểm xe cơ giới. Ảnh: Năng Lực


Xã hội hóa, những điều bất cập
Để đáp ứng nhu cầu cũng như nâng cao chất lượng đăng kiểm, Bộ GTVT đã xây dựng đề án "Xã hội hóa công tác đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành". Đây là xu hướng đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, sau 3 năm thực hiện đề án, đã có 9 trung tâm đăng kiểm theo mô hình xã hội hóa được xây dựng, chứng nhận và hoạt động ở một số địa bàn trọng yếu, góp phần giảm bớt áp lực về công tác đăng kiểm, đặc biệt là tại những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… số lượng phương tiện vốn tăng lên từng ngày.

Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, các trung tâm đăng kiểm theo mô hình xã hội hóa còn nhiều vấn đề phải giải quyết để bảo đảm chất lượng đăng kiểm. Kết quả thanh tra của Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm cho thấy, các trung tâm đăng kiểm tư nhân còn nhiều sai phạm trong kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; sai phạm quy định về điều kiện thành lập, hoạt động… Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Đỗ Hữu Đức cho biết, vì mục tiêu lợi nhuận, thu hút "khách", các trung tâm đăng kiểm tư nhân có biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh, không kiểm định nhưng vẫn cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Cục Đăng kiểm Việt Nam đã ra quyết định đình chỉ chức danh 17 đăng kiểm viên, đình chỉ có thời hạn 3 trung tâm đăng kiểm gồm: Trung tâm 29-07D của Hà Nội (1 tháng), Trung tâm 61-03D của Bình Dương (1 tháng) và Trung tâm 50-08D của TP Hồ Chí Minh (3 tháng) để khắc phục sai phạm.

Cục Đăng kiểm cũng đánh giá chế tài xử lý sai phạm đối với các cá nhân, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo của các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa còn thiếu, chưa đủ sức răn đe nên xuất hiện sai phạm nghiêm trọng. Các đơn vị xã hội hóa bổ nhiệm lãnh đạo từ những nguồn không theo tiêu chuẩn, không có thỏa thuận của cơ quan quản lý chuyên ngành. Trong số 9 trung tâm đăng kiểm tư nhân hiện nay thì có tới 4 cơ sở bổ nhiệm lại những đăng kiểm viên có sai phạm trước đây, đã nghỉ việc từ các trung tâm thuộc Sở GTVT địa phương; 3 cơ sở bổ nhiệm sinh viên mới tốt nghiệp. Điều này đã ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng kiểm định.

Không giao "từ A đến Z"
Đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương mới đưa vào khai thác hơn 1 tháng, nhưng đã xảy ra không ít sự cố, trong đó có trường hợp chất lượng phương tiện không bảo đảm khi chạy với tốc độ cao. Đây thực sự là bài toán lớn đối với ngành GTVT bởi trong tương lai, hệ thống đường cao tốc sẽ được xây dựng đồng loạt. Chất lượng phương tiện thực sự là đòi hỏi quan trọng để bảo đảm an toàn giao thông. Trong bối cảnh số lượng phương tiện tăng chóng mặt, chất lượng đường sá được nâng lên rõ rệt, việc xã hội hóa đăng kiểm là cần thiết để đáp ứng nhu cầu bảo đảm chất lượng kỹ thuật, an toàn giao thông.

Tuy nhiên, xã hội hóa đăng kiểm thực sự không dễ dàng như một số lĩnh vực khác. Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng cũng thừa nhận điều này và cho rằng xã hội hóa đăng kiểm không dễ như đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe. Đó là lý do Bộ vẫn chưa quyết định nhân rộng mô hình xã hội hóa. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cần hoàn chỉnh các quy định pháp luật để bảo đảm vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới. Cục đã kiến nghị và được Bộ GTVT chấp thuận cho phép tiếp tục thí điểm thêm về mô hình xã hội hóa đăng kiểm để tìm ra phương án tối ưu trước khi tổ chức nhân rộng. Doanh nghiệp sẽ đầu tư cơ sở vật chất phục vụ kiểm định; công tác kiểm tra, cấp giấy chứng nhận sẽ do cán bộ, đăng kiểm viên là công chức, viên chức nhà nước thuộc Sở GTVT đảm nhận. Trường hợp Sở GTVT không đảm nhận, Cục Đăng kiểm Việt Nam sẽ cử đăng kiểm viên tới thực hiện. Bên cạnh việc điều chỉnh lại tổ chức kiểm tra, cấp giấy chứng nhận, Cục đề nghị Bộ GTVT tiếp tục ban hành, sửa đổi, bổ sung văn bản pháp lý liên quan để hoạt động quản lý kiểm định phương tiện thuận lợi, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xã hội hóa đăng kiểm: Không “tư nhân hóa” từ A đến Z

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.