Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một góc nhìn mới về học giả Nguyễn Văn Vĩnh

VANCHIEN| 09/11/2008 07:55

(HNM) - Bộ phim tài liệu “Mạn đàm về người man di hiện đại” (đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy) do con cháu gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) đầu tư thực hiện với thời gian quay suốt gần một năm ở nhiều địa phương trong nước, ở Lào và  Pháp. 4 tập phim với tổng thời lượng 215 phút và bản rút gọn 55 phút đã ra mắt trong gia tộc, bạn hữu và một số trường đại học trong nước.

Đoàn làm phim về học giả Nguyễn Văn Vĩnh ở Pháp.

(HNM) - Bộ phim tài liệu “Mạn đàm về người man di hiện đại” (đạo diễn - NSND Trần Văn Thủy) do con cháu gia tộc Nguyễn Văn Vĩnh (1882 - 1936) đầu tư thực hiện với thời gian quay suốt gần một năm ở nhiều địa phương trong nước, ở Lào vàPháp. 4 tập phim với tổng thời lượng 215 phút và bản rút gọn 55 phút đã ra mắt trong gia tộc, bạn hữu và một số trường đại học trong nước.

Là người có công khai sáng việc dùng chữ quốc ngữ cho người Việt đầu thế kỷ XX, với câu nói nổi tiếng: “Nước Nam ta mai sau này hay, dở cũng là ở chữ quốc ngữ”, tên ông đã được đặt cho con đường ở phường 4, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Nhưng những người xem phim không khỏi buồn lòng khi ba người đi đường được hỏi có biết Nguyễn Văn Vĩnh là ai mà được đặt tên phố này thì đều lúng túng “không biết”. Một người trả lời: “Hình như ông là liệt sĩ chống Pháp”. Trong khi không ít người dân trong nước thờ ơ với những tên đường, tên phố thì tại thành phố Montpellier thuộc miền Nam nước Pháp, người dân được hỏi đã trả lời rành rọt về con đường mang tên con trai học giả Nguyễn Văn Vĩnh là luật sư Nguyễn Phùng. Cụ Vĩnh có ba vợ chính thức với 10 con trai và 5 con gái, trong đó có nhiều người nổi tiếng: Nguyễn Giang và Nguyễn Nhược Pháp có tên trong Thi nhân Việt Nam, Nguyễn Phổ - tình báo viên, luật sư Nguyễn Phùng, kỹ sư Nguyễn Dực (người lắp đặt toàn bộ hệ thống trang âm tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2-9-1945)…

Các nhà làm phim đã sử dụng hiệu quả những bức ảnh về Hà Nội đầu thế kỷ XX do một bác sĩ người Pháp cung cấp, đặc biệt là những bức tranh về học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Bức tranh Sự ra đời của chữ Quốc ngữ - Cái chết siêu việt của ông Nguyễn Văn Vĩnh (sơn dầu trên vải, 65 x 80 cm, 2001) của họa sĩ Nguyễn Đình Đăng tái hiện cái chết bi hùng của ông trên sông Sêpôn (Lào). Sau khi lập ra tờ báo tiếng Pháp L’Annam Nouveau, vỡ nợ, ông sang Lào buôn vàng để trả nợ nhưng chết vì bệnh ở tuổi 54 trên thuyền độc mộc, tay vẫn cầm cây bút viết dở thiên ký sự tiếng Pháp Một tháng với những người tìm vàng. Bức họa Cậu bé kéo quạt trường Yên Phụ Nguyễn Văn Vĩnh - 1890 của họa sĩ trẻ Duy Minh gợi lại ký ức tuổi thơ của cậu bé Vĩnh, vì thông minh, sáng láng đứng quạt cho các thầy phán mà học lỏm được tiếng Pháp và còn biết nhiều tiếng Pháp hơn học trò trong lớp…

Đan xen giữa những câu chuyện về người đã dịch Truyện Kiều ra tiếng Pháp, dịch các tác phẩm của Molière, Victor Hugo, Balzac, Alexandre Dumas và La Fontaine sang tiếng Việt, lần đầu tiên đưa loại hình kịch nói lên sân khấu Hà Nội, đệ đơn xin thành lập trường Đông kinh nghĩa thục, tham gia làm báo Đăng Cổ Tùng (tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên ở Bắc kỳ)… là những phát biểu của các nhà nghiên cứu lịch sử, các nhà văn hóa, nhà báo… trong nước và nước ngoài. Đây là những nhận định dựa trên sự thật khách quan và với cái nhìn hết sức công tâm về những đóng góp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh đối với văn hóa Việt Nam sau độ lùi thời gian cần thiết. Thông qua các bài báo và công trình dịch thuật, Nguyễn Văn Vĩnh đã góp phần vào cuộc cách mạng chữ viết tại Việt Nam đầu thế kỷ XX và biến quốc ngữ thành chữ viết quốc gia.

Ông được coi là học giả có công lớn trong phong trào phổ cập chữ quốc ngữ thời bấy giờ, và là một trong những người đặt nền móng cho ngành công nghiệp in ấn ở Việt Nam... Một nhà nghiên cứu lịch sử của Pháp đã thẳng thắn nói rằng: “Hãy trả học giả Nguyễn Văn Vĩnh trở về với đúng vị trí của ông”. Để cho các nhân vật bày tỏ quan điểm nhằm tạo nên bức chân dung khách quan về nhân vật, đạo diễn Trần Văn Thủy tâm sự: “Với kinh nghiệm làm phim, tôi có thể tìm hình ảnh và viết lời bình để dựng chân dung học giả Nguyễn Văn Vĩnh. Nhưng tôi chọn cách lắng nghe ý kiến của nhiều người, trong đó có nhiều học giả, sử gia, nhà văn, nhà báo… nói về cụ Vĩnh”.

“Người man di hiện đại” là cụm từ mà học giả Nguyễn Văn Vĩnh đã nói về mình trong bức thư gửi nhà yêu nước Phan Chu Trinh. Những dòng trong bức thư chứa nhiều trăn trở, suy tư và gửi gắm những khát khao khôn nguôi muốn được đóng góp cho đất nước, đưa cái mới, cái tiến bộ đến với đồng bào trong nước và kỳ vọng về một lớp người trẻ với những tư tưởng tân tiến có thể đảm nhận những sứ mệnh lịch sử mới đã khép lại bộ phim với nhiều dư âm.

Theo NSND Trần Văn Thủy, đến nay, vẫn còn nhiều đánh giá khác nhau về học giả Nguyễn Văn Vĩnh. “Mặc dù, cách nhìn nhận và đánh giá về cụ Vĩnh đã có nhiều điểm được sáng tỏ… nhưng cũng có người e ngại vì trước đây đã nói rồi giờ phải nói lại. Được sẻ chia về sự nghiệp của học giả Nguyễn Văn Vĩnh, tôi thật sự xúc động. Những nhân vật, những câu chuyện trong quá trình làm phim tạo cho tôi nhiều suy nghĩ và trăn trở. Với một nhân vật có nhiều đánh giá không đồng nhất nên cần tới bộ phim dài 4 tập mới mong có cái nhìn thấu đáo về sự nghiệp của cụ Vĩnh. Tuy nhiên, để bộ phim “đến bờ đến bến” cần sự đóng góp của nhiều người nữa”, ông tâm sự.


Hoàng Giang Sơn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một góc nhìn mới về học giả Nguyễn Văn Vĩnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.