10 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 2010-2015

Chính trị - Ngày đăng : 06:30, 28/10/2010

Trích Tóm tắt dự thảo Báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ TP khóa XIV trình Đại hội đại biểu lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội do đồng chí NGUYỄN THẾ THẢO, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố trình bày trong phiên khai mạc Đại hội


1. Phát triển kinh tế:

- Thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, đổi mới mạnh mẽ cơ cấu kinh tế ngành, vùng và thành phần, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển nhanh và bền vững, phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân từ 12-13%/năm.
- Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tập trung đẩy mạnh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.
- Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển, tích cực hội nhập, mở rộng liên kết kinh tế, đẩy mạnh xã hội hóa.

2. Xây dựng, quản lý và phát triển đô thị:

- Tiếp tục hoàn thiện và triển khai thực hiện quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô.
- Phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị.
- Tập trung chỉ đạo xây dựng các khu dân cư và các khu đô thị mới, gắn với quản lý và điều chỉnh, phân bố dân cư trên địa bàn.
- Tăng cường công tác quản lý đô thị, nhất là các lĩnh vực: trật tự an toàn giao thông; trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị; vệ sinh môi trường, xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp.
- Gắn quản lý xây dựng, trật tự đô thị với quản lý đất đai, môi trường và dân cư trên địa bàn.

3. Xây dựng nông thôn mới, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân:


- Xây dựng, hoàn thiện quy hoạch phát triển nông thôn, phát triển mô hình nông thôn mới. Phấn đấu đến năm 2015 có trên 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới theo tiêu chí quốc gia.
- Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, gắn với thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với nông dân. Trong đó chú trọng giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, các vấn đề dân sinh bức xúc ở nông thôn, thu hẹp khoảng cách chênh lệch phát triển giữa các vùng của Thủ đô.

4. Phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh:

- Quan tâm sâu sắc, toàn diện hơn để sự nghiệp phát triển văn hóa chuyển biến rõ nét, tạo nền tảng tinh thần vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô. Nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vị trí và yêu cầu phát triển văn hóa, phát triển khoa học, giáo dục và đào tạo của Thủ đô xứng tầm là trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước.
- Tiếp tục tạo chuyển biến mới trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Xây dựng, bồi đắp, phát huy những nét đẹp văn minh, thanh lịch của người Hà Nội, tiêu biểu cho truyền thống văn hóa tốt đẹp của Thủ đô xã hội chủ nghĩa.

5. Phát triển khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực:

- Khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của Thủ đô để đẩy mạnh phát triển khoa học - công nghệ, làm động lực cho phát triển kinh tế tri thức.
- Phát triển giáo dục - đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Phấn đấu giữ vững vị trí dẫn đầu cả nước trong thực hiện nhiệm vụ chiến lược: nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, phục vụ yêu cầu đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH Thủ đô và đất nước.

6. Bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân:

- Phát triển y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
- Thực hiện tốt công tác dân số - gia đình và chăm sóc, giáo dục trẻ em.
- Xây dựng nền thể dục, thể thao tiên tiến.
- Phát triển thị trường lao động và đẩy mạnh giải quyết việc làm.
- Thực hiện tốt các chính sách xã hội.
- Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội.

7. Giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng:

- Bảo đảm giữ vững ổn định chính trị của Thủ đô trong mọi tình huống, tăng cường trật tự an toàn xã hội. Bảo vệ an toàn tuyệt đối các cơ quan đầu não của trung ương và thành phố, các sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trên địa bàn Thủ đô.
- Nâng cao tiềm lực quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh nhân dân và xây dựng Thủ đô thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới.

8. Mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác phát triển, nâng cao vị thế Thủ đô:

- Chủ động tranh thủ sự hợp tác, giúp đỡ của các tỉnh, thành trong cả nước, nhất là các địa phương thuộc quy hoạch Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng.
- Nâng cao hiệu quả của các hoạt động đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế, thu hút đầu tư, hợp tác phát triển kinh tế - xã hội với các thủ đô, các thành phố lớn trong khu vực và trên thế giới. Xây dựng Hà Nội thành trung tâm giao dịch quốc tế lớn của cả nước và khu vực.

9. Nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, phát huy quyền làm chủ của nhân dân:

- Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính quyền các cấp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đổi mới, kiện toàn tổ chức, bộ máy; nâng cao vai trò, chất lượng hoạt động của HĐND và đại biểu HĐND. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính và nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống các cơ quan tư pháp của thành phố.
- Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ, các đoàn thể nhân dân, hướng mạnh về cơ sở. Thường xuyên chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên. Mở rộng dân chủ, tăng cường, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

10. Tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ:

- Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tạo chuyển biến mới trong việc thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của thời kỳ mới.
- Tập trung xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là ở cơ sở xã, phường, thị trấn và các loại hình tổ chức mới.
- Đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của các cấp ủy đảng. Giữ gìn và phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ; tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát. Đổi mới nội dung, phương thức và chất lượng hoạt động công tác dân vận. Tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.