Khắc tinh của tội phạm ma túy trên biển

Đời sống - Ngày đăng : 06:43, 20/06/2012

(HNM) - Để đối phó với tệ buôn bán ma túy trên biển đang có xu hướng gia tăng, lực lượng phòng chống tội phạm ma túy (PCTPMT) trên biển của Cục Cảnh sát Biển (CSB) Việt Nam đã ra đời.


Cảnh sát biển tuyên truyền pháp luật cho ngư dân trên biển.Ảnh: Đức Hạnh

Với quyết tâm ngăn chặn tình trạng buôn ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam bằng đường biển; xóa bỏ các tổ chức, đường dây, tụ điểm mua bán, vận chuyển, tàng trữ các chất ma túy trên biển, lực lượng PCTPMT của Cục CSB đã liên tiếp lập nhiều chiến công. Vào năm 2008, Cục CSB đã cùng với công an triệt phá thành công chuyên án 408P, bắt giữ 5 đối tượng người nước ngoài vận chuyển ma túy bằng đường biển, thu giữ 8,8 tấn nhựa cần sa. Sau 6 năm hoạt động (2005-2011), lực lượng chức năng của Cục CSB đã điều tra được gần 600 chuyên án, vụ án; bắt giữ trên 1.000 đối tượng; thu giữ hơn 8 tấn nhựa cần sa, gần 1.000 bánh hêrôin, trên 10.000 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều tang vật, tài sản có giá trị. Ngay trong quý II năm nay, lực lượng chuyên trách PCTPMT CSB đã phối hợp với công an điều tra, khám phá 40 chuyên án, vụ án về ma túy, bắt 70 đối tượng; thu giữ hơn 49 bánh hêrôin, 8.074 viên ma túy tổng hợp, 619,25 gram ketamine, 35,2 gram cần sa, 1 khẩu súng K54 và 11 viên đạn, 3 xe ô tô, 24 xe máy, nhiều tang vật và tài sản liên quan khác...

Theo Đại tá Phạm Hồng Thái, Trưởng phòng PCTPMT - Cục CSB, "đánh" án ma túy ở đất liền đã khó, trên biển còn gian nan hơn nhiều. Tang vật được cất giấu và ngụy trang bằng những thủ đoạn rất tinh vi, xảo quyệt. Khi là tận dụng tàu biển thiết kế đặc biệt có nhiều lớp đáy, lớp thân vỏ, có nhiều ngăn, khoang bí mật; trong khoang chứa nước ngọt, bình chứa chất cứu hỏa để cất giấu ma túy; thậm chí chứa ma túy trong các contenner có vỏ bọc ngăn được việc soi, chiếu. Bên cạnh việc liên tục thay đổi hành trình, thay đổi màu sơn, số hiệu cùng các loại giấy tờ liên quan, tội phạm còn sử dụng tàu nhỏ, lợi dụng đêm tối, thời tiết xấu vận chuyển ma túy vào nơi tiêu thụ. Chứa ma túy vào các thùng kim loại kín nước, thả xuống biển rồi thông báo tọa độ cho đối tác đến trục vớt; thả ma túy vào khoang chứa dầu, chứa nước trên tàu, treo dưới thân tàu, thuyền, sẵn sàng phi tang. "Các đối tượng buôn bán, vận chuyển ma túy trên biển hết sức manh động. Nhiều tên nhiễm HIV còn dùng kim tiêm dính máu đe dọa CSB, thậm chí bị còng tay rồi vẫn tìm cách cắn xé... nhiều anh em CSB đã phải dùng thuốc chống phơi nhiễm HIV" - Đại tá Phạm Hồng Thái kể.

Khó khăn lớn nhất trong đấu tranh với tội phạm ma túy của Cục CSB là địa hình biển rộng, quân số ít, việc theo dõi, nắm thông tin, nhất là với những vùng biển có hoạt động buôn lậu mạnh và tinh vi càng nhiều trở ngại. Trang, thiết bị kỹ thuật chuyên dụng của lực lượng đấu tranh chống ma túy trên biển, như máy soi hàng hóa, máy kiểm tra ma túy, các công cụ hỗ trợ, khí tài, kỹ thuật khác còn thiếu thốn nên hiệu quả phòng chống ma túy trên biển còn hạn chế.

Dù "đánh" án ma túy ở đất liền hay trên biển đều là trận tuyến đầy cam go, thử thách và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhiệm vụ nặng nề, chiến công cũng thầm lặng, nhưng với CBCS làm nhiệm vụ PCTPMT của Cục CSB thì việc góp phần ngăn chặn ma túy vào đất nước là động lực lớn nhất tạo sức mạnh để các anh bước tiếp trên trận tuyến thầm lặng nhưng còn nhiều gian nan…

Nguyên Hoa