Vững vàng nơi địa đầu Tổ quốc

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:17, 18/10/2012

(HNM) - Trà Cổ thuộc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, nơi có mũi Sa Vỹ - địa đầu Tổ quốc, vào những ngày cuối thu này trở nên thơ mộng hơn sau mùa du lịch ồn ã. Xa xa, rừng dương chắn sóng rì rào, bãi sú hiên ngang đằm mình giữ đất.

Bức phù điêu khẳng định chủ quyền Việt Nam ở Sa Vỹ.


Bình yên chiều biên giới

Trà Cổ là một ngôi làng cổ kính nằm ven biển. Tuy cách cửa khẩu Móng Cái chưa đầy 20 cây số nhưng dường như Trà Cổ luôn đứng ngoài sự náo nhiệt của không khí buôn bán diễn ra hằng ngày bên cây cầu Bắc Luân bắc qua dòng sông Ka Long với những chuyến tàu chở hàng hóa ngược xuôi Việt Nam - Trung Quốc. Đặc thù nơi đây là những ngôi nhà nhỏ, thấp, rêu phong nằm nép mình bên những con ngõ nhỏ ít người qua lại. Theo cách lý giải của người dân địa phương, thì kiểu cách đó là để chống chọi với bão, gió. Con đường trải nhựa nhẵn lì, thẳng tắp, hai bên là bãi sú mênh mông. Cuối con đường là rừng dương như cô gái xõa tóc mềm mại trong ánh chiều tạo nên vẻ đẹp thanh bình và cảm giác gần gũi cho những ai lần đầu đặt chân đến đây…

Thượng tá Nguyễn Đình Võ, Chính trị viên Đồn biên phòng Trà Cổ (đóng tại Sa Vỹ) đón khách bằng hai câu thơ của Tố Hữu: "Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước/Đỏ bình minh mặt sóng ra khơi". Đấy là cách mà anh ngầm gửi thông điệp có ý nghĩa đặc biệt về biên giới lãnh thổ. Sa Vỹ khẳng định chủ quyền lãnh thổ bằng bức phù điêu xanh có hình ba ngọn phi lao vươn thẳng lên trời mà hầu như du khách nào đến đây cũng đều muốn chụp ảnh với niềm tự hào ghi dấu một lần đến nơi địa đầu Tổ quốc. Cách đó không xa, tại cửa sông Bắc Luân đổ ra Vịnh Bắc bộ, cột mốc 1378 - cột mốc cuối cùng trên bộ và cũng là nơi ghi dấu mốc đầu tiên phân định biên giới trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Vài năm trở lại đây, Trà Cổ phát triển mạnh hơn ngành du lịch biển, nhiều công trình văn hóa - thể thao mọc lên, khách du lịch trong và ngoài nước đổ về ngày càng đông đòi hỏi những người lính biên phòng không chỉ nắm chắc tình hình biên giới, nội - ngoại biên mà còn phải dành thời gian tìm hiểu, nắm thông tin liên quan đến các doanh nghiệp, đối tượng lưu trú trên địa bàn. Dù phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức song những người lính mà chúng tôi đã gặp tại Đồn biên phòng Trà Cổ đều khẳng định: "Được làm nhiệm vụ canh giữ vùng đất, vùng biển địa đầu Tổ quốc, dù có vất vả, khó khăn đến mấy anh em cũng vẫn thấy tự hào và sẽ làm hết sức mình để hoàn thành nhiệm vụ.

Giữ vững lòng dân

Ông Vũ Đình Phúc, Trưởng ban Hành giáo xứ đạo Trà Cổ có dáng vẻ bề ngoài cao, to, đậm phong cách người dân vùng biển mà chúng tôi đã gặp ở nhà thờ Trà Cổ đã kể nhiều câu chuyện về sự gắn bó nghĩa tình giữa giáo dân ở đây với bộ đội biên phòng. Qua câu chuyện của ông, tôi hình dung được Trà Cổ xưa kia chỉ là một làng chài nhỏ, hoang sơ, nhìn đâu cũng chỉ cát là cát. Thiếu thốn, khó khăn nên con người ngày đêm chỉ biết chúi mặt vào biển. Phải chăng trong gian khó của cuộc mưu sinh đã khiến tiếng nói của người dân nơi đây trở nên "nặng" hơn, "lạ" hơn những người dân miền Bắc khác. Nhờ có các chiến sĩ biên phòng mở lớp xóa mù chữ, bảo vệ ngư trường, bến bãi nên nhân dân đã yên tâm sản xuất, đời sống ngày càng nâng lên. Không chỉ có vậy, BĐBP đã cùng giáo xứ xây dựng phong trào giáo dân bảo vệ an ninh biên giới và mô hình này của Trà Cổ là một điển hình trong toàn quốc.

Nhiều năm qua, mỗi khi người dân đánh bắt trên biển phát hiện những dấu hiệu nghi ngờ về vi phạm an ninh trên biển đều kịp thời cung cấp thông tin cho BĐBP để tìm hướng giải quyết. Tình cảm gắn bó thân thiết như người trong nhà giữa BĐBP với nhân dân nơi đây đã tạo sự đồng thuận cao để cùng giải quyết mọi công việc. Năm 2009, khi có chủ trương làm đường giao thông liên xã, 100% giáo dân đồng lòng hưởng ứng, tình nguyện hiến đất. Từ năm 2007 đến nay, BĐBP Trà Cổ đã nhận phụng dưỡng 2 đối tượng chính sách - người già cô đơn không nơi nương tựa...

Vừa làm nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đường biên đất liền, Đồn biên phòng Trà Cổ vừa canh gác biên giới trên sông và bảo đảm an ninh biên giới, an ninh quốc phòng của 2 phường Trà Cổ và Bình Ngọc - nơi có trên 1.000 giáo dân. Không những thế, thành tích của đồn trong đấu tranh chống buôn lậu ma túy cũng rất đáng ghi nhận. Năm 2010, CBCS của đồn đã bắt được một vụ buôn bán ma túy với tổng trị giá lên đến 5 tỷ đồng… Từ các năm 2008, 2009, 2010, đã có trên 10.000 tấn than lậu vận chuyển bằng đường biển được CBCS của đồn phát hiện...

Ngày về Sa Vỹ, tôi đã tận mắt nhìn thấy công trình Cụm thông tin cổ động biên giới Sa Vỹ do Sở VH,TT&DL Quảng Ninh làm chủ đầu tư đang thi công trên diện tích 15.744m2, với nhiều hạng mục: Cụm công trình chính, quảng trường, khu vực dạo chơi, nghỉ ngơi, chiêm ngưỡng phong cảnh, khu vực du lịch, tham quan, hệ thống đường đi dạo, cây xanh và hệ thống hạ tầng kỹ thuật… với tổng chi phí trên 50 tỷ đồng. Đây không chỉ là công trình bảo đảm an ninh quốc gia mà còn là biểu tượng của Việt Nam nơi địa đầu đất nước, là sự quan tâm dành cho Trà Cổ, mảnh đất có điểm đầu tiên của nét bút tạo hóa vẽ nên bản đồ hình chữ S Việt Nam. Câu thơ ngọt ngào của nhà thơ Tố Hữu được khắc lên bức phù điêu để chào đón du khách khi đến Trà Vỹ giờ đã thành tiếng hát ngân nga khi chúng tôi rời Trà Cổ.

Tôi biết rằng, trong tương lai, vùng biên cương phía đông bắc đất nước sẽ khai thác thế mạnh để phát triển du lịch biển. Chắc chắn, trong sự phát triển đó của Trà Cổ không thể thiếu sự đóng góp công sức và sự hy sinh của những người lính mang quân hàm xanh cùng nhân dân giữ bình yên cho vùng đất nơi biên cương của Tổ quốc thân yêu…

Nguyên Hoa