Thi tuyển công chức, viên chức: Hoàn thiện quy chế, quy trình, loại bỏ tiêu cực

Chính trị - Ngày đăng : 05:48, 13/12/2012

(HNM) - Tại kỳ họp thứ sáu HĐND TP Hà Nội khóa XIV, một đại biểu bày tỏ lo ngại về biểu hiện tiêu cực trong tuyển dụng công chức trên địa bàn TP, có nơi để đỗ vào công chức phải mất không dưới 100 triệu đồng; có những bài thi không sai một dấu chấm, dấu phẩy với đáp án... Về vấn đề này, Sở Nội vụ TP cho biết:

Trong năm 2011 và 2012, trên cơ sở số lượng biên chế công chức, viên chức được Chính phủ, Bộ Nội vụ giao và HĐND TP phân bổ, Hà Nội đã tuyển dụng được 1.382 công chức, gần 16.000 viên chức. Trong đó, riêng năm 2012 đã tuyển dụng được 1.326 công chức cấp xã có trình độ đại học trở lên, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đội ngũ công chức cấp xã. Tất cả các kỳ thi công chức, viên chức được thực hiện theo đúng quy định của Chính phủ, các bộ, ngành, bảo đảm công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng: Từ việc công bố số lượng, cơ cấu, chuyên ngành, địa chỉ cần tuyển đến thời gian nộp hồ sơ, thời gian ôn thi, tổ chức kỳ thi, chấm thi, công bố kết quả.

Để chống tiêu cực trong thi tuyển, thời gian qua, TP Hà Nội đã áp dụng nhiều giải pháp. Chẳng hạn, đối với thi tuyển công chức thì bố trí thí sinh có cùng nguyện vọng, chỉ tiêu cạnh tranh vào một phòng thi và liền số báo danh để bản thân các thí sinh kiểm soát lẫn nhau. Bên cạnh đó, trong đề thi đã có những câu hỏi mở nhằm chống việc mang tài liệu, quay cóp trong phòng thi. TP còn thành lập Tổ giám sát gồm: Cán bộ Công an thành phố (Phòng PA 83), Sở Tư pháp, Thanh tra TP tiến hành giám sát 24/24 giờ. Đề thi được chọn theo mã số trong ngân hàng đề và ngay cả việc chọn mã số cũng được giao cho Chủ tịch Hội đồng thi chọn. Đến đúng ngày quy định, bộ phận ra đề mới được đối chiếu mã số để biết nội dung đề cụ thể và nhân bản gửi tới thí sinh trong ngày thi. Tất cả quy trình nhân bản đề thi được thực hiện tuyệt đối bí mật trong khu cách ly mà bảo vệ và giám sát là Tổ giám sát. Việc coi thi, chấm thi được thực hiện đúng quy chế, nội quy được các cơ quan có thẩm quyền quy định. Những bài thi nghi ngờ có hiện tượng đánh dấu đều được chấm tập thể để bảo đảm khách quan, công bằng. Trên thực tế, kết quả các kỳ thi tuyển công chức của TP khi được công bố hầu như không có đơn khiếu nại, kiện tụng.

Ngoài ra, rút kinh nghiệm những năm trước (1998 - 2002), TP đã tổ chức đào tạo các lớp nguồn công chức thông qua hình thức lấy sinh viên tốt nghiệp các trường đại học công lập, hệ chính quy đạt loại khá trở lên để đào tạo 18 - 24 tháng nhằm trang bị kiến thức quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, sau đó sẽ được đưa về xã, phường, thị trấn tiếp tục học tập kinh nghiệm thực tiễn trong 5 năm. Đây là nguồn có chất lượng cao để bổ sung cho số công chức nghỉ hưu trong thời gian tới.

Đối với tuyển dụng công chức cấp xã, tuyển dụng viên chức, theo Sở Nội vụ thì từ năm 2009, TP đã phân cấp toàn bộ việc tổ chức thi, tuyển dụng các đối tượng này cho cấp quận, huyện, thị xã, sở, ngành và các đơn vị sự nghiệp trực thuộc. Để bảo đảm thi tuyển theo đúng số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn, UBND TP phê chuẩn kế hoạch tổ chức thi của các đơn vị và giao cho các ngành: Nội vụ, Thanh tra, Tư pháp, CATP thực hiện việc kiểm tra, giám sát công tác tổ chức, các bước, quy trình tổ chức thi của cơ sở. Nhìn chung, các đơn vị được phân cấp đã thực hiện việc tổ chức thi tuyển viên chức, công chức cấp xã theo đúng quy định của pháp luật.

Để phòng chống tiêu cực trong tuyển dụng viên chức, TP đã yêu cầu phải tổ chức kỳ thi tuyển công chức cấp xã; viên chức giáo dục các cấp ở các quận, huyện, thị xã trong cùng một ngày. Năm 2011, đã thí điểm tuyển dụng viên chức giáo dục bằng hình thức xét tuyển thông qua hồ sơ kết quả học tập và các điểm ưu tiên về đối tượng chính sách xã hội, xếp loại tốt nghiệp, kinh nghiệm công tác. Với việc xét tuyển này, các quận, huyện, thị xã đã tuyển được gần 7.000 viên chức giáo dục. Kết quả thực hiện được các quận, huyện, thị xã và nhân dân đánh giá, đây là kỳ tuyển dụng viên chức hoàn toàn không có tiêu cực, vì tất cả các điều kiện như: điểm học tập, điểm ưu tiên được công khai. Tuy nhiên, theo Sở Nội vụ, ngày 1-6-2012, Chính phủ ban hành Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, trong đó có quy định việc tuyển dụng viên chức theo các nội dung: vừa xét kết quả học tập, vừa sát hạch thực hành hoặc phỏng vấn (vấn đáp). Đây là những khâu rất khó kiểm soát, đặc biệt là thi vấn đáp chỉ có 1 thí sinh với 1, 2 giám khảo trong phòng thi, dễ dẫn đến không khách quan trong việc chấm điểm cho thí sinh. Phát hiện vấn đề này, TP đã chỉ đạo, cần lựa chọn giám khảo là những người có trách nhiệm, tư cách, đồng thời yêu cầu những nơi có điều kiện lắp camera để giám sát khâu thi vấn đáp (huyện Thạch Thất đã thực hiện biện pháp này, có hiệu quả rất tốt).

Trên thực tế, việc tuyển dụng công chức, viên chức ở TP Hà Nội trong hai năm qua đã có kết quả tốt, chất lượng được nâng cao. Số công chức, viên chức mới tuyển dụng đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao của TP. Nhiều tỉnh, thành phố khác đã đến trao đổi, học tập kinh nghiệm về công tác tuyển dụng công chức, viên chức của Hà Nội. Mặc dù vậy, theo Sở Nội vụ, việc tổ chức thi tuyển công chức, viên chức là một vấn đề xã hội nhạy cảm, phức tạp, do số lượng thí sinh tham gia thi đông, số chỉ tiêu tuyển dụng ít. Hơn nữa, sau khi Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức có hiệu lực, các văn bản quy định, hướng dẫn của trung ương chưa đầy đủ, kịp thời, hiện nay vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Một số đơn vị, thành viên hội đồng tuyển dụng trong quá trình tổ chức thi chưa có kinh nghiệm, cá biệt chưa thực hiện đúng quy định của trung ương và TP; còn để xảy ra một vài hiện tượng tiêu cực, bức xúc trong dư luận. Thời gian tới, TP sẽ tiếp tục hoàn thiện quy chế, quy trình thi tuyển, áp dụng những giải pháp hữu hiệu để loại bỏ tiêu cực trong tuyển dụng công chức, viên chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đạt chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thủ đô.

Lê Hương